Sẽ có tội riêng để xử "đinh tặc"?
Dự thảo BLHS (sửa đổi) mới nhất đã thêm một tội danh mới để xử lý hành vi rải đinh, vật sắc nhọn trên đường bộ. Theo các chuyên gia, bổ sung này là rất cần thiết…
Những năm trước, nạn rải đinh, vật sắc nhọn nhằm làm thủng vỏ xe, ruột xe của người đi đường, buộc khổ chủ phải thay vỏ, thay ruột tại các tiệm sửa xe ven đường ở vùng ven TP.HCM, Bình Dương xảy ra khá phổ biến. Dư luận rất phẫn nộ vì từng xảy ra những vụ TNGT chết người do “đinh tặc” gây nên. Trước tình hình đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã vào cuộc, truy bắt được một số kẻ rải đinh và đưa ra xử lý hình sự.
Phải xử tội làm hư hỏng tài sản của người khác
Chẳng hạn, vào tháng 7-2011, TAND huyện Bến Cát (Bình Dương) đã xử lưu động, tuyên phạt Phạm Văn Cảnh và Bùi Thị Nga (cùng quê Nga Sơn, Thanh Hóa) tổng cộng 34 tháng tù về tội cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 143 BLHS). Ngoài ra, hai bị cáo còn bị cấm hành nghề sửa xe trong ba năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Trước tòa, hai bị cáo thừa nhận từ tháng 7-2010 đến tháng 2-2011, vào mỗi trưa hằng ngày, Cảnh chạy xe máy rải các mảnh thép nhọn tự chế trên đường dẫn đến tiệm sửa xe của mình. Người đi đường bị cán mảnh thép phải thay ruột xe mới hoặc thay vỏ xe mới với giá gấp đôi giá thị trường. Trong quá trình sửa chữa, Cảnh còn cố ý làm chập mạch gây cháy IC (bộ phận đánh lửa của xe máy) để thay cho khách với giá gấp vài lần giá thị trường.
Ngoài ra còn nhiều vụ khác mà những kẻ rải đinh cũng bị phạt tù về tội cố ý làm hư hỏng tài sản, như vụ Nguyễn Thế Công đã bị TAND TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) phạt 18 tháng tù, Tống Duy Sơn (Thanh Hóa) bị phạt một năm tù...
Vào thời điểm đó, hành vi rải đinh, vật sắc nhọn trên đường bộ gây nguy hiểm trực tiếp đến người và phương tiện tham gia giao thông chỉ được quy định trong Nghị định 34/2010 của Chính phủ (phạt tiền 5-7 triệu đồng). BLHS không có tội danh riêng cho hành vi này nên muốn xử lý hình sự những kẻ rải đinh, các cơ quan tố tụng chỉ có thể áp dụng tội cố ý làm hư hỏng tài sản.
Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng gặp khó khăn ở chỗ theo Điều 143 BLHS, trong trường hợp thông thường thì chỉ có thể xử lý hình sự kẻ rải đinh nếu chứng minh được họ gây ra thiệt hại vật chất cho người khác từ 2 triệu đồng trở lên. Ví dụ, nếu chỉ bắt quả tang được một vụ rải đinh làm thủng vỏ xe, ruột xe của một người đi đường mà không tìm ra nạn nhân nào khác nữa thì không thể khởi tố kẻ rải đinh bởi giá trị của vỏ xe, ruột xe máy chưa đến 2 triệu đồng.
trước bức xúc của dư luận, với quyết tâm xử lý mạnh tay hơn để tăng tính răn đe và phòng ngừa, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã khởi tố một số kẻ rải đinh với lập luận dù họ chỉ gây ra thiệt hại dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng ở đây được hiểu là hậu quả phi vật chất (gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội). Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật như vậy vẫn gây ra nhiều tranh cãi về pháp lý.
Hai bị cáo rải đinh ra đường nhằm thu lợi từ việc vá xe, thay vỏ, ruột bị xét xử về tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Ảnh: PL
Đã có tội danh riêng
Đến nay, dự thảo BLHS (sửa đổi) mới nhất đã bổ sung một tội danh riêng cho hành vi rải đinh, vật sắc nhọn trên đường bộ (Điều 270). Theo đó, người nào cố ý đặt, rải đinh hoặc vật sắc nhọn trên đường bộ thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Phạm tội từ hai lần trở lên, trên các tuyến đường cao tốc, trên các đoạn đường đèo, dốc hoặc các đoạn đường nguy hiểm khác, làm chết người hoặc gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác… là những tình tiết tăng nặng định khung. Khung hình phạt cao nhất của tội này 12 năm tù, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng.
Khi thảo luận tại Quốc hội, đã có nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với việc bổ sung tội danh mới này vào BLHS sửa đổi để góp phần bảo vệ quyền về an sinh xã hội, quyền sống trong môi trường an toàn, lành mạnh của người dân.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia cũng ủng hộ việc bổ sung tội danh rải đinh, vật sắc nhọn trên đường bộ vào BLHS sửa đổi.
Các luật sư (LS) Trịnh Thanh (Đoàn LS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và Nguyễn Hương Quê (Đoàn LS tỉnh Phú Yên) đều nhận xét hành vi rải đinh, vật sắc nhọn nhằm “bẫy” người đi đường là rất nguy hiểm, cần phải hình sự hóa. Việc quy định hẳn một tội danh riêng với hành vi này sẽ giúp cơ quan tố tụng áp dụng pháp luật dễ dàng, chính xác hơn, giải quyết được các bất cập, vướng mắc gây nhiều tranh cãi, băn khoăn trước đây.
LS Nguyễn Văn Hồng (Đoàn LS TP.HCM) chua xót kể lại một vụ TNGT mà ông từng chứng kiến tận mắt: “Một lần tôi đang chạy trên quốc lộ 1A ra TP Đà Nẵng thì trước mặt tôi, một chiếc xe máy chở hai mẹ con bất ngờ bị bể vỏ do cán đinh. Đầu xe máy loạng choạng, hai mẹ con văng xuống đường và một chiếc xe tải bất ngờ lao đến… Một chiếc đinh quái ác đã tước mất hai mạng người, thật đau lòng”. Theo LS Hồng, việc mạnh tay xử lý kẻ rải đinh bằng một tội danh riêng như dự thảo là hoàn toàn hợp lý.
Tái diễn nạn rải đinh ở vùng ven TP.HCM Gần đây, nạn “đinh tặc” lại bùng phát ở quốc lộ 1A, đoạn qua các quận vùng ven của TP.HCM. Cụ thể, nhiều người dân chạy xe hai bánh lưu thông trên quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Bình Chánh) đã gặp phải tình trạng xe bất ngờ thủng lốp do cán phải đinh trên đường. Chỉ trong một buổi chiều trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn từ cầu vượt Nguyễn Văn Linh đến chợ Bình Chánh, cả chục người đi đường đã dính bẫy đinh, phải khổ sở dắt bộ tìm chỗ vá xe với giá cắt cổ. Không ít người lưu thông với tốc độ khá nhanh rồi cán phải đinh, xe loạng choạng nên té ngã, xây xát. Tại các phường An Phú Đông và phường Thạnh Lộc (đoạn gần cầu vượt ngã Tư Ga, quận 12, TP.HCM), nhiều người bị dính đinh phải mất 20.000 đồng/miếng vá, còn nếu ruột xe hư sẽ phải thay ruột mới với giá 100.000 đồng… “Tôi từng rất bức xúc” Có lần chính tôi cũng đã trở thành nạn nhân của “đinh tặc”. Lúc đó, tôi rất bức xúc vì mất thời gian sửa xe, ảnh hưởng đến công việc. Không chỉ là chuyện tốn tiền thay cái vỏ, cái ruột xe mà có những thiệt hại vô hình không thể cân đong đo đếm được. Hành vi rải đinh, vật sắc nhọn ra đường gây ra thiệt hại (có khi là cả nhân mạng của người khác) là tội ác. Phải mạnh dạn quy định chế tài hình sự để chấn chỉnh, giúp người đi đường bớt một mối lo. Việc BLHS sửa đổi quy định một điều luật cụ thể sẽ giúp việc xử lý được triệt để và thống nhất. LS Đinh Văn Thảo, Đoàn LS TP.HCM |