Sát nhân vùng Tây Bắc: Phút vùng vẫy của "cọp rừng"
"Trong cuộc chiến vây hãm Gát ở núi Hang Dê, hắn tỏ ra liều lĩnh, xả súng liên tiếp khiến nhiều trinh sát bị thương nặng. Chúng tôi đã phải tính đến nước lùi tạm thời để bắt tên tội phạm vô cùng xảo quyệt này”, Thượng tá Đỗ Mạnh Tiến, Phó phòng PC52, công an tỉnh Lào Cai nói.
Ngày 1/5/2005, Gát đốt tiếp hai lán làm nương của ông Tẩn A Phủng và Tẩn A Dèn ở khu Tân Thầu, sau đó cắm chông xung quanh lán. Hơn 10 ngày sau, hắn lại đốt tiếp lán của anh Chảo Phù Lều và Chảo Phù Ngan. Kế đó, hắn còn dùng đá ném vào mái ngói nhà, chặt hai cây đu đủ, phá dứa nhà anh Tẩn Dín Hiểu, thôn Phìn Ngan, xã Trịnh Tường răn đe.
Vào hang "bắt cọp"
Đại tá Hoàng Công Tế, nguyên phó giám đốc công an tỉnh Lào Cai cho biết, theo nguồn tin từ đội trinh sát tại địa phương, kể từ khi giết người rồi bỏ trốn, Gát không hề tiếp xúc với ai ngoài vợ và anh em ruột của mình. Nhờ những bản năng có sẵn, thêm sự ma mãnh mà suốt 5 năm chui lủi chốn rừng sâu, Gát đã thoát khỏi hàng chục cuộc mật phục vây bắt mà trinh sát đã chuẩn bị sẵn.
Không để Gát tiếp tục gây tội ác cho dân bản, Ban chuyên án đã quyết định vào rừng để bắt bằng được Gát.
Đại tá Tế kể, ngày 9/11/2005, công an đã tiếp cận khu rừng mà nơi Gát ở, đặc biệt không để người nhà Gát phát hiện. Thế nhưng, mưa to khiến đường lên núi vô cùng khó khăn. Cái lạnh thấu xương của tiết trời mùa đông không hề làm nhụt chí trinh sát. Đến gần trưa ngày 10/11, các mũi trinh sát đã lần lượt tiếp cận vào khu vực cửa hang – nơi Gát đang đang lẩn trốn.
Trong quá trình tiếp cận, lực lượng trinh sát nghe thấy tiếng ho của Gát nên biết hắn đã bị ốm. Ngay sau đó, một cuộc họp tác chiến ngay tại rừng sâu đã diễn ra để xác định bản đồ địa thế của hang và phương thức tác chiến.
Xã Cốc Mỳ trở lại yên bình sau cái chết của "cọp rừng".
Phút vùng vẫy của "cọp rừng"
Do địa thế thuận lợi cùng tài đánh hơi xuất chúng, dường như Gát đã ngầm biết rằng mình đã bị bao vây, nhưng sự ngạo mạn về tài bắn súng của mình, gã vẫn tin rằng không ai có thể đến gần hang.
Để vận động Gát đầu hàng, các trinh sát đã dùng loa phóng thanh. Nhưng hắn chẳng những không đầu hàng mà còn bắn chỉ thiên đe dọa. Sau đó, sự im lặng nặng nề đến mức khó thở, chân tay mọi người đều cóng buốt do thời tiết quá lạnh, nên thao tác dùng súng cũng trở nên khó khăn. Lúc đó anh em trong ban chuyên án ai cũng lo lắng”. Ông Chính Tiến kể.
Khoảng 12h trưa ngày 10/11/ 2005, 4 mũi giáp công bao gồm cả công an, biên phòng, lực lượng dân quân đã tiếp cận cửa hang nhưng không thể vào trong, vì lối đi chỉ lọt được 1 người qua cũng đã nằm trong tầm ngắm của Gát. Tuy nhiên, nhiều lần đấu súng, Gát đã bị thương và không di chuyển nhanh nhẹn như những lần trước .
Quá trình tiến công vào hang, Gát đã xả súng làm 5 trinh sát bị thương, trong đó có phó công an xã Cốc Mỳ bị thương rất nặng nhất.
Cũng trong cuộc chiến lần này, Ông Tẩn A Sửu, ngày đó là bí thư thôn Ná Nùng, đã bị Gát bắn vào cánh tay trái và phải nhập viện ở bệnh viện 198 – Bộ công an. Đến lúc này, toàn bộ khu vực đã bị phong tỏa, tất cả mọi khe hở đều được giăng lưới rất kỹ quyết không để "con cọp" này thoát một lần nữa. Cuộc chiến giằng co xảy ra suốt đêm hôm đó cho đến sáng 11/11, các mũi tấn công của lực lượng công an vẫn tiếp tục giám sát mục tiêu, vòng kim cô mỗi lúc một khép lại nhỏ dần.
Trinh sát tiến sâu vào hang mới thấy được cách bố trí hung khí, đồ dùng sinh hoạt của tên tội phạm này. Hắn đã bị thương bởi những vết máu quệt dài, kéo lê bên trên vách đá….
Ông Tiến kể tiếp: “Vì hôm đó có quá nhiều anh em bị thương nên lãnh đạo quyết định thắt chặt vòng vây nhưng không tiến công để tránh làm tổn hại thêm lực lượng. Đến sáng khoảng 8h ngày hôm sau, một tiếng nổ lớn từ trong hang đá vọng ra, anh em tiến vào thì phát hiện Gát đã đã chết. Qua khám nghiệm cho thấy, hắn đã tự sát. Trong hang chúng tôi cũng thu được nhiều gói thuốc súng, đạn ghém, đạn cái, hạt nổ, dao, búa Gát đã chia nhỏ cất giấu tại nhiều vị trí trong hang để sẵn sàng đối đầu với lực lượng CA truy bắt”.
Sau khi Gát chết, đã có nhiều người đến xem (ảnh do phòng PC52,CA tỉnh Lào Cai cung cấp).
Gần 2.000 ngày đêm chuyên án mới đi đến hồi kết, tên tội phạm nguy hiểm và ma mãnh bậc nhất mà lượng lượng Ca tỉnh Lào Cai phải đối đầu đã bị thu phục. Cũng từ đây, cái tên Phàn A Gát cùng biệt danh “cọp rừng” đã biến mất, Cốc Mỳ đã trở lại cuộc sống bình yên như xưa.