Sát hại nhầm “nhân tình” của vợ và hơn 30 năm sống đời chui nhủi
Chỉ vì lời nói trêu đùa vu vơ của nhóm công nhân về việc vợ mình có nhân tình bên ngoài, sau khi gây hấn với vợ, người chồng cuồng ghen vác dao đến cổng bảo vệ ra tay sát hại người nghi là nhân tình của vợ rồi chui nhủi vào Tây Nguyên lẩn trốn.
Khi đã tìm được nơi ẩn náu an toàn, đối tượng lén lút trở về quê đưa vợ con cùng chạy trốn. Sau 31 năm sống trong sợ hãi, kẻ giết người đội lốt nông dân mẫn cán đã lộ diện, sa lưới pháp luật.
Ghen mù quáng, sát hại nhầm người
Là một người lao động tự do, không có công ăn việc làm ổn định nhưng nhà riêng của Trần Văn Dần (SN 1962), trú xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) lại ở ngay cạnh bên Xí nghiệp liên hiệp thiếc Quỳ Hợp, một doanh nghiệp lúc nào cũng nhộn nhịp công nhân ra vào. Đó là mấu chốt của vấn đề, khi mà vợ của Dần là một người đàn bà xinh đẹp, lại dịu dàng nết na nên thường xuyên bị các nam công nhân trêu ghẹo. Điều này đến tai, đến mắt khiến Dần cảm thấy khó chịu, lâu ngày sinh ra ấm ức, ghen tuông.
Đối tượng Trần Văn Dần tại thời điểm bị bắt
Vào khoảng 13h30, ngày 12/8/1991, trên đường đạp xe qua nhà người bạn để bàn tính chuyện qua Lào làm ăn, khi đi qua cổng Xí nghiệp, Dần gặp một nhóm người đang ngồi tán gẫu. Một trong số này bông đùa, đại ý hỏi Dần “đi rình vợ với bảo vệ à”, khiến gã chồng này rất tức giận. Sau đó, trong quá trình nhậu với bạn, Dần đem chuyện vợ mình có quan hệ tình cảm với người bảo vệ Xí nghiệp tên Minh. Nghe chuyện, nhóm bạn nhậu nhận định, nếu chuyện này là có thật, thì khi Dần đi làm ăn xa, chắc chắn vợ ở nhà sẽ phát sinh tình cảm nên bàn tính chuyện phải đánh tên bảo vệ kia để dằn mặt. Nghĩ là làm, nhậu xong Dần đạp xe qua chợ mua một con dao nhọn giắt lưng rồi quay trở lại Xí nghiệp tìm người bảo vệ tên Minh để nói chuyện.
Tại đây, Dần thấy anh Trịnh Xuân Q. (SN 1966), thủ kho vật tư của xí nghiệp đang nghỉ trưa trong phòng bảo vệ. Do không biết mặt “nhân tình” của vợ, tưởng đây là người cần tìm, Trần Văn Dần đã nhảy vào đôi co, cự cãi sau đó rút dao đâm trúng ngực nạn nhân rồi bỏ chạy. Anh Q. được đưa đi cấp cứu, nhưng đã tử vong sau đó. Biết mình gây án nhầm người, Dần vội vã bỏ trốn khỏi địa phương, để lại 3 đứa con thơ nheo nhóc và người vợ trẻ đang bụng mang dạ chửa. Sau một thời gian truy bắt nhưng bất thành, ngày 22/8/1991, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳ Hợp đã ra quyết định truy nã đối tượng trên phạm vi toàn quốc về tội danh giết người.
Đối tượng từ Đắk Lắk về Nghệ An để quy án
Theo lời thú tội của đối tượng này khi sa lưới pháp luật sau hơn ba mươi năm lẩn trốn, sau khi rời khỏi Nghệ An, Dần tìm đường vào Tây Nguyên. Trong thời gian đầu, lo sợ bị phát hiện nên sống chui nhủi qua nhiều địa bàn khác nhau, làm bất cứ nghề gì để có tiền trang trải. Đến khoảng giữa năm 1995, Trần Văn Dần tìm đến một rẫy cà phê có chủ là người xứ Nghệ ở xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk làm thuê, xin ở lại luôn trên rẫy, mục đích là để tránh bị phát hiện. Nhận thấy đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa, ít người qua lại, có thể trú ẩn an toàn lâu dài nên Dần đã cố gắng tạo vỏ bọc là một người hiền lành, chịu thương chịu khó để tranh thủ sự tin tưởng của chủ nhà cũng như những người xung quanh.
Sau 2 năm, thấy yên ổn, Trần Văn Dần đã lén lút về lại quê nhà ở Nghệ An, bí mật đưa vợ con vào Tây Nguyên, tiếp tục những chuỗi ngày sống trong âu lo, sợ hãi nơi đất khách quê người. Để tránh bị phát hiện, Dần vứt hết giấy tờ tùy thân, đổi tên thành Trần Duy Dần rồi cùng vợ con tạo bọc một cuộc sống ấm no, hạnh phúc để che giấu thân phận là kẻ giết người trốn nã.
Đối tượng Trần Văn Dần khai nhận hành vi giết người xảy ra 32 năm trước
Hơn 30 năm sống chui nhủi chỉ vì phút cuồng ghen
Mặc dù là kẻ phạm tội có thời gian lẩn trốn sự trừng phạt của pháp luật tương đối dài, song Trần Văn Dần cho biết, hơn 30 năm qua là quãng thời gian sống trong sợ hãi, chưa một ngày tâm tưởng bình yên. Đặc biệt, mỗi lần nghĩ về quá khứ tội lỗi, nghĩ về người đã khuất khiến Dần bị ám ảnh, nhiều đêm đang yên ngủ thì giấc mộng ập đến. Cũng đã hơn một lần, đối tượng nghĩ đến chuyện trở về để đầu thú, trả món nợ lương tâm nhưng nhìn vợ con, nghĩ về những tháng ngày đằng đẵng trong trại giam, Dần đã không chiến thắng được chính bản thân mình, đành chấp nhận sống với quá khứ ám ảnh, đầy tội lỗi.
Về phía cơ quan điều tra, vụ án mặc dù đã xảy ra hơn 30 năm, đối tượng gây án biến mất không dấu vết khỏi địa phương cùng gia đình nhưng không vì thế mà khiến các trinh sát nản lòng hay lãng quên. Hằng năm, trong các cuộc rà soát lại các vụ án, các đối tượng đang trốn truy nã, hồ sơ của Trần Văn Dần luôn được lật giở, để nhắc nhở anh em trinh sát dù đang thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào khác, cũng phải luôn để tâm đến.
Và sự kiên trì ấy đã mang lại quả ngọt, khi vào đầu tháng 10/2022, trong một lần làm nhiệm vụ tầm nã tại Tây Nguyên, trinh sát nhận được thông tin về đối tượng Trần Duy Dần có nhiều đặc điểm trùng khớp với đối tượng truy nã Trần Văn Dần. Ngay lập tức, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Đội truy nã, truy tìm có mặt ngay tại tỉnh Đắk Lắk để phối hợp xác minh.
Tại đây, với sự giúp đỡ tích cực của các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Đắk Lắk, tổ công tác đã xác định được thông tin về đối tượng đang cư trú. Bằng việc kiên trì sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, đã xác định Trần Duy Dần và đối tượng đang trốn truy nã Trần Văn Dần chính là một người nên ngày 10/10/2022, các đơn vị đã phối hợp, tiến hành bắt giữ thành công trước sự ngỡ ngàng của chính đối tượng và gia đình cũng như bà con lối xóm.
Trần Văn Dần nhận bản án 17 năm tù sau 31 năm lẩn trốn về hành vi giết người
Trung tá Biện Viết Chiến, Đội trưởng Đội Truy nã, truy tìm (Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An), người trực tiếp bắt giữ, dẫn giải đối tượng Trần Văn Dần từ Đắk Lắk về Nghệ An cho biết: quá trình xác minh, truy tìm đối tượng truy nã Trần Văn Dần, anh em trinh sát gặp rất nhiều khó khăn, bởi đối tượng sinh sống trong vùng đặc thù, ở vùng sâu, vùng xa của xã Cư Êwi, đường sá đi lại khó khăn, tiếp cận được với bà con cũng như đối tượng rất vất vả.
Mặc dù vậy, với quyết tâm tìm bắt được đối tượng để đưa về quy án sau bao nhiêu năm mất dạng, cùng với sự giúp đỡ tận tình của Công an tỉnh Đắk Lắk, đơn vị đã tổ chức bắt giữ đối tượng thành công và dẫn giải ngay về Nghệ An bằng đường hàng không để tiếp tục phục vụ công tác điều tra, xử lý đối tượng. Theo Trung tá Chiến, thời điểm bị bắt, Trần Văn Dần tỏ ra khá bất ngờ, nhưng sau đó giữ thái độ bình thản, không có bất kỳ chống đối nào.
Trần Văn Dần ngay sau đó đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An cáo buộc về hành vi giết người. Cuối tháng 3/2023, TAND tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, đưa bị cáo Dần ra xét xử. Trước vành móng ngựa, Dần cho biết, thời điểm gây án, cũng chỉ nghe chuyện vợ có nhân tình từ những lời bông đùa, kích bác của những người công nhân làm trong xí nghiệp, chứ bản thân cũng không bắt được quả tang. Với lại, vợ Dần đang bụng mang dạ chửa, nên sau có thời gian suy nghĩ lại, Dần mới thấy mình xốc nổi, nghi oan cho vợ.
Cũng bởi vậy, sau khi trốn nhà biệt xứ, Trần Văn Dần cắt đứt hoàn toàn liên lạc với anh em, bạn bè và thậm chí là cả cha mẹ đẻ, nhưng lại đau đáu nỗi niềm với vợ con nên vẫn lén lút dõi theo trong suốt hành trình chạy trốn. 6 năm sau, khi thấy mọi việc êm xuôi, nghĩ mình đã bị lãng quên, Dần đã bí mật về quê đưa vợ và các con vào Đắk Lắk, cùng đồng hành trốn chạy pháp luật với mình.
Khi bị phát hiện và bắt giữ, vợ con của Trần Văn Dần đã vay mượn được số tiền 100 triệu đồng để đền bù thiệt hại, mong phía thân nhân bị hại tha thứ. Dù vậy, trước nỗi đau quá lớn, dù sự việc xảy ra đã hơn 30 năm, nhưng đại diện gia đình nạn nhân Trịnh Xuân Q. vẫn đề nghị xét xử bị cáo đúng quy định của pháp luật.
Kết thúc phiên xét xử, chủ tọa phiên tòa đã tuyên phạt Trần Văn Dần 17 năm tù giam về tội danh giết người, buộc đền bù cho gia đình bị hại số tiền tương đương 100 tháng lương cơ bản. “Quãng đường thụ án phía trước dẫu còn rất dài, nhưng từ nay lương tâm tôi được thanh thản khi những ám ảnh của quá khứ đã được rũ bỏ. Tôi sẽ tu tâm cải tạo thật tốt để sớm được trở về đoàn tụ cùng với gia đình, đặng làm lại cuộc đời”, Trần Văn Dần chia sẻ.
Trong khi đó, tiễn chồng, cha mình trở về trại tạm giam xong, vợ và các con của đối tượng cũng lặng lẽ quay trở về Tây Nguyên, tiếp tục cuộc sống chênh chao nơi đất khách quê người. Họ không có lỗi, nhưng lại là nạn nhân của bản án lương tâm, nên dù rất muốn, cũng không dám trở về quê cũ, đối diện với búa rìu dư luận và bản án lương tâm mà Trần Văn Dần đã để lại.
Sau khi phá trại tạm giam, bỏ trốn vào năm 1980, Võ Văn Bá đã tạo vỏ bọc mới bằng cách thay tên đổi họ, cưới vợ sinh con, chuyển nhiều địa điểm sinh sống nhằm trốn sự...
Nguồn: [Link nguồn]