Sát hại con vì tin lời thầy bói
Nước da trắng ngần, đôi mắt sáng lanh lợi, vậy mà Bình lại mông muội tới nỗi sát hại đứa con mình dứt ruột để ra. Đáng trách thay, bàn tay thần chết của cô lại nhằm vào đứa con khỏe mạnh, để cơ hội sống cho đứa con tật nguyền.
Niềm tin mù quáng
Giá như không gặp Cao Thị Bình, người đàn bà trùm chăn giết con mấy tháng tuổi có lẽ tôi sẽ không day dứt lắm bởi trong tâm trí tôi, kẻ sát nhân bao giờ cũng toát lên một phần nanh ác. Ấy vậy mà ở Bình không có điều đó. Cô mũm mĩm, trắng trẻo, nét mặt hồn hậu, duy chỉ có đôi mắt là vời vợi buồn. Gặp chúng tôi, Bình chỉ lặng lẽ khóc. Nước mắt giúp người ta nhẹ nhõm hơn nhưng với Bình, nước mắt chỉ làm cô ngược thời gian về với quá khứ đau buồn.
Bình sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê quanh năm chỉ có cấy lúa, trồng khoai là Hoằng Châu, Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Học hết lớp 9, Bình ở nhà, lam lũ với ruộng với vườn nhưng tuổi dậy thì, ăn uống kham khổ vẫn lớn. 16 tuổi Bình được cha mẹ cho đi học nghề may, về nhà mở hàng kiếm sống. Không phải sớm nắng chiều mưa, làm việc trong nhà nên Bình rực rỡ như đóa tầm xuân, được rất nhiều người lui tới tán tỉnh. Trong số đó, Bình chọn anh Lê Vạn Vụ, một người đàn ông hơn mình nhiều tuổi, người cùng xã, khá bảnh trai và chăm chỉ. Năm 2006, hai người tổ chức đám cưới, cô không thể ngờ đây cũng là bước khởi đầu cho cuộc đời đầy bão giông của cô gái nhan sắc như Bình.
Đem nghề may theo chồng, cửa hàng của Bình rất đông khách nên vợ chồng Bình cũng chắt chiu được một khoản tiền, thêm với số tiền vay mượn sửa lại căn nhà ở cho kiên cố. 1 năm sau, Bình có thai, lúc siêu âm, biết đứa con trong bụng là trai, vợ chồng Bình vui lắm nhưng khi đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời, Bình còn chưa kịp nở nụ cười sung sướng đã phải trào nước mắt khi biết con mình không được nhanh nhẹn bình thường. Không tin vào lời nhận xét của bác sỹ, vợ chồng Bình đặt tên con là Vạn Hùng như muốn gửi gắm niềm hy vọng con mình sẽ lớn lên khỏe mạnh. Cô chăm con kỹ càng, nâng giấc từng miếng ăn, chỗ ngủ vậy mà Vạn Hùng chẳng đoái hoài gì công lao của mẹ. 2 tuổi rồi mà Vạn Hùng vẫn không biết nói, khuôn mặt ngu ngơ, đặt đâu nằm đó khiến lòng người mẹ như Bình tan nát. Từng rất yêu vợ nhưng mỗi khi về nhà, nhìn cảnh con trai đã mấy tuổi rồi mà hỏi không nói, gọi không thưa, anh Vụ cũng đâm ra chán nản.
Dồn thời gian chăm con, Bình sao nhãng chuyện công việc nên khách tới may đo cũng thưa dần. Cô bàn với chồng vay tiền mua đất, mở quán bán hàng tạp hóa để có thu nhập. Vừa bán hàng vừa trông con, thi thoảng có khách tới may vá, Bình lại cố gắng làm nên cuộc sống có phần đỡ khó khăn hơn nhưng mỗi khi cần tiền để chạy chữa cho con, cô vẫn phải đi vay mượn. Khi món nợ đã lên tới hơn 100 triệu đồng buộc lòng anh Vụ phải ra Hà Nội làm thuê, việc chăm con, bán hàng để mình vợ gánh vác. Đúng lúc kinh tế ngặt nghèo, thu nhập bấp bênh thì Bình mang bầu.
Lần này sinh nở, cô cho ra đời một bé trai nữa nhưng mỗi khi nghĩ đến đứa con lớn tật nguyền, Bình không khỏi lo lắng. Trong thâm tâm cô mong lắm đứa con thứ hai Vạn Dũng sẽ khỏe mạnh, thông minh hơn anh trai nhưng mỗi ngày ôm con trong lòng, cô không khỏi lo lắng. Chồng thì ở xa, bố mẹ thì tối ngày bận rộn với công việc đồng áng, tâm sự với bố mẹ chồng thì không dám, Bình tìm lời khuyên từ đấng siêu nhiên. Cô đi xem bói, mong muốn nhận được một phép mầu nhiệm nào đó nhưng an ủi chẳng thấy đâu mà nhận về là lo lắng. Nghe thầy bói phán tương lai sau này mờ mịt, tâm trí Bình rối bời. Chồng đi làm xa, bố mẹ hai bên đều nghèo, con cái thì đứa tật nguyền, đứa còn đang bế ngửa; nợ nần chồng chất trong khi thu nhập thì bấp bênh đã khiến Bình nghĩ quẩn. Cô không muốn sống nữa, muốn chấm dứt cuộc sống của mình và của hai con để tương lai đỡ “mờ mịt” nhưng mỗi khi nhìn Vạn Dũng toét miệng cười, Bình lại không nỡ.
Đang lúc Bình chơi vơi trong tuyệt vọng thì những người trước đây cho cô vay tiền đánh tiếng đòi nợ. Bình gọi cho chồng, mong nhận được lời chia sẻ nhưng có lẽ cũng do mệt mỏi vì lao động nặng nhọc nên anh đã có những lời vô cảm như: “ai vay người đó trả” hoặc “thích chết thì chết". Anh không biết rằng Bình đang tiêu cực, đang cùng quẫn trong mớ bòng bong từ sau ngày đi xem bói về nên những câu nói vô tình trong lúc tức giận của anh chẳng khác nào giọt nước làm tràn ly thất vọng khiến Bình thực sự mất phương hướng.
Trong giây phút điên dại, mù quáng đó, Bình đã dùng chăn bông trùm lên người bé Dũng rồi lấy con dao cắt vào cổ tay, tự vẫn. Không biết số trời định hay do sợ chết hoặc vì lúc đó hoảng loạn mà Bình cắt tới 4 vết vào cổ tay mà không đứt động mạch. Không chết như dự định, cô ta lấy chăn phủ kín mặt bé Dũng rồi lấy tiền, dắt xe máy, bỏ đi trong vô định. Cô không biết mình đi đâu, đi như thế nào, chỉ biết cứ đi, đi mãi cho đến khi nghe tin con chết ngạt thì quay về….
Cố sống để trả nợ đời
Với hành vi giết con đẻ, Bình bị kết án 12 năm tù. Luật sư bảo mức án thế là quá cao, cô có quyền kháng cáo nhưng Bình từ chối. Một lần hầu tòa, nhận những ánh mắt ghẻ lạnh, khinh ghét với Bình như thế là quá đủ rồi, cô không muốn gợi lại vết thương lòng khi xưa nữa. Bình chỉ muốn quên đi, muốn buông xuôi mặc cho số phận đưa đẩy nhưng rồi những ngày sống trong trại giam, được mọi người động viên, cảm nhận thấy những nỗi khổ, éo le của nhiều người cùng phòng, Bình dần tĩnh tâm lại. Cô không còn tiêu cực, muốn chạy trốn sự thực nữa mà đã tìm lại được mục đích sống của mình. Bình bảo vào trong tù, thấy nhiều chị còn khổ hơn mình, thế mà vẫn lạc quan, muốn sớm ra tù, quay về làm nốt nghĩa vụ của mình dù có phải gian nan, vất vả mà thấy mình thật kém cỏi. Khao khát sống đã khiến người đàn bà tuổi 27 ao ước được quay về với cuộc sống lương thiện. Bình bảo cô xác định rồi. Cuộc sống của cô là ở ngoài kia, là gắn liền với đứa con tật nguyền nên cô phải sống để trả nợ đời, trả nợ những sai lầm, thiếu sót của mình đã làm với con. Cô bảo, sợi dây níu giữ cô ở lại với cuộc đời đó chính là đứa con tàn tật, vì nó cô sẽ cố gắng để sớm trở về.
Nhắc đến con, Bình lại khóc, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt trắng trẻo, xinh đẹp. Cô bảo, không biết kiếp trước thế nào nhưng kiếp này làm nên tội thì phải trả hết tội lỗi dù biết sẽ không dễ dàng gì.
“Giờ thì em nghĩ khác rồi, không còn cùng quẫn như trước nữa. Em đã phạm sai lầm lớn, dù có sửa chữa cũng không bao giờ em tha thứ được cho mình", Bình che mặt khóc. Trong những giọt nước mắt ân hận ấy, có cả những giọt nước mắt chấp nhận số phận nhưng sao tôi vẫn thấy tê tái. Mong sao những người đàn bà đang sống trong cảnh túng quẫn hãy một phút thôi nhìn lại việc làm của người mẹ trẻ này để không làm điều gì đó dại dột, hối tiếc.