“Sàn giao dịch” cần sa trên mạng: Rao bán sự nguy hại

Những gói “cỏ” (tên dân chơi gọi cần sa) được bọc cẩn thận trong những thùng hàng và được giao đến tay dân chơi như những món hàng bình thường. Để phục vụ “thú chơi” của dân chơi cỏ, nhóm VNS 420 còn cung cấp nhiều loại phụ kiện kèm theo. 

Thú chơi nguy hại

Theo tìm hiểu của phóng viên, có 3 loại cần sa chính được giao dịch chủ yếu trên VNS 420, đó là: Cỏ ép, cỏ búp và cỏ Mỹ.

Cỏ ép được tạo thành từ những phần vụn bỏ đi của cây cần sa, được trộn hóa chất gây nghiện rồi ép thành bánh nhỏ, bán với giá 150.000 đồng/gói. Cỏ Mỹ chính là cây cần sa được xay ra, sau đó trộn hóa chất nhân tạo nhằm tăng mức độ gây nghiện và ảo giác cho người sử dụng. Còn cỏ búp là loại được ép nguyên chất 100% từ cây cần sa. Nhìn chung, cỏ búp được coi là “lành tính” nhất vì không được thêm các hóa chất độc hại như 2 loại trên.

“Sàn giao dịch” cần sa trên mạng: Rao bán sự nguy hại - 1
Gói cỏ Mỹ và điếu lẻ cỏ Mỹ. Ảnh: Minh Phong

Để làm thỏa mãn sở thích chơi cần sa của những “thượng đế”, các dân buôn chuyên nghiệp đã nhập từ Trung Quốc về nhiều loại đồ chơi và phụ kiện dành cho dân hút cỏ như: Giấy mùi thơm, bật lửa chuyên dụng và hộp đựng đồ…

Tìm hiểu của phóng viên từ các dân chơi thì con đường từ hút “cần” đến các loại ma túy khác là rất ngắn. Mỗi ngày, các giao dịch loại “hàng” nguy hiểm này vẫn được thực hiện công khai, sôi động trên sàn giao dịch ảo VNS 420 và chưa có thông tin của khách hàng về một giao dịch bất thành nào cả.

Trong vài tháng trở lại đây, khi các thành viên từ các tỉnh miền Nam tham gia hoạt động tại VNS 420, nguồn cần cỏ “xịn” trở nên rất sẵn. Các chủ hàng liên tục có những bài viết đăng “quảng cáo” cho nguồn hàng của mình. Thậm chí, có thành viên còn chụp ảnh ngay trong vườn cần sa xanh mướt và đăng lên trang mạng.

Mua cần sa - chỉ cần nhắn tin

Tại VNS 420, tất cả các loại giống khác nhau của cây cần sa cùng với chế phẩm của nó được rao bán và tìm mua một cách công khai. Hàng ngày, có tới hàng chục, thậm chí hàng trăm mẩu tin đăng kèm hình ảnh chi tiết, cụ thể về các loại cần sa cỏ để cho khách hàng dễ dàng mua bán và giao dịch hơn.

Chỉ cần khách chủ động nhắn tin “inbox” với các tài khoản đang rao bán cần sa, hàng sẽ được chuyển đến tận tay bằng nhiều cách khác nhau. Để an toàn, những tay buôn cần sa phải giao hẹn địa điểm với khách hàng trước, rồi chúng tự lên cho mình một lộ trình dài để di chuyển liên tục chuyển hàng tới từng nơi một.

Để giao dịch, chủ hàng yêu cầu khách phải đặt tiền trước rồi sẽ đóng “hàng” vào thùng xốp. Các thùng “hàng” này sẽ được gửi xe khách vận chuyển như các loại hàng hóa thông thường khác, đảm bảo tới bến xe thuộc khu vực của khách hàng đã giao hẹn.

Chủ hàng sẽ gọi điện kiểm tra lại xem xe và “hàng” sắp tới nơi chưa. Cuối cùng, chủ hàng nhắn khách hàng ra bến xe hoặc một địa điểm nào đó đã giao hẹn trước để nhận hàng từ xe khách.

Theo những thông tin chủ vườn và các thành viên trao đổi trên VNS 420, đã có rất nhiều thùng cần sa với các kích cỡ khác nhau được vận chuyển thành công từ miền Nam ra miền Bắc. Khi đã có nhiều mối hơn nhờ vào “sàn giao dịch” VNS 420, các tay buôn cần sa đang tìm cách chung vốn để đặt “hàng” từ nước ngoài.

Theo giới chơi cần cỏ, đó là những giống cần sa độc, hiếm và đắt tiền được giao bán trên các trang web buôn bán cần sa ở nước ngoài. Thường sau khoảng 20 ngày đặt hàng, hạt giống cần sa sẽ đến tay người nhận. Chúng sẽ được gieo trồng và thu hoạch nhằm kiếm lời gấp nhiều lần những loại cần sa thông thường hiện đang có trên thị trường.

Trồng, mua bán, sử dụng cần sa - đều bị phạt tù

Theo Bộ luật Hình sự, người trồng cây cần sa đã được giáo dục nhiều lần, đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tái phạm sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép cần sa bị phạt tù từ 1 -10 năm.

Người sử dụng trái phép cần sa dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

LS Hà Đăng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội): Nhà xe vẫn có thể bị liên đới trách nhiệm

Trường hợp nhà xe vận chuyển cần sa đóng kín trong thùng xốp, khi xe khách bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, nhà xe có thể không phải chịu trách nhiệm trừ trường hợp có những căn cứ chứng minh họ biết đó là hàng cấm, như  cần sa chẳng hạn.

Tuy nhiên, dù không thể kiểm tra trực tiếp bên trong gói hàng nhưng nhà xe cũng phải chú ý với những dấu hiệu bất thường từ người gửi. Ví dụ gói hàng hóa đó vận chuyển từ Lai Châu về Hà Nội thông thường giá 100.000 đồng mà người gửi lại tăng phí lên 500.000 hoặc 1 triệu đồng thì nhà xe phải xem xét. Nếu không khi vụ việc bị phát giác nhà xe có thể sẽ bị liên đới.

LS Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư TP.Hà Nội): Kẽ hở trong vận chuyển hàng hóa

Việc xe khách vận chuyển một số hàng hóa nhỏ lẻ đóng trong thùng xốp hoặc trong bao tải mà nhà xe không biết hàng bên trong cũng có thể coi là kẽ hở trong vận chuyển. Thực tiễn hiện nay khi nhận hành lý, hàng của khách gửi, nhà xe chỉ có thể kiểm tra bằng mắt thường chứ không thể bóc hàng của họ ra xem. Hiện nay cũng chưa có quy định cụ thể để hướng dẫn nhà xe nhận hành lý, hàng của khách thế nào để đảm bảo chặt chẽ, cũng như quy được trách nhiệm khi có vấn đề pháp lý xảy ra. 

Trong trường hợp hàng hóa là axít, xăng dầu, gia súc, loại không thể đóng gói để che mắt, nếu bị phát hiện nhà xe sẽ phải chịu xử lý hành chính. Còn trường hợp hàng hóa đó là những mặt hàng cấm, nhà xe cần đề cao cảnh giác hơn, ngoài việc hỏi kỹ bên gửi thì cũng nên nghi ngờ những gói hàng hay người gửi có dấu hiệu bất thường.

Lương Kết (ghi)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tiến Linh – Minh Phong ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN