Rút kinh nghiệm 1 vụ án chánh án và viện trưởng cùng đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm

Sự kiện: Tin pháp luật

Chánh án TAND tỉnh Kon Tum và Viện trưởng VKSND tỉnh cùng đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Kon Tum.

VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng vừa ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ án Phạm Lâm Sang phạm tội cản trở giao thông đường bộ.

Theo hồ sơ, Ngô Văn Công là tài xế lái xe tải chở đất nên Phạm Lâm Sang nhờ Công chở đất đổ cho vườn nhà mình tại TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Công đồng ý đổ giùm, không lấy tiền.

Chiều 10-12-2022, Công điều khiển xe ôtô tải chở đất đến lô đất của Sang. Lúc này, do tấm bê tông đi vào lô đất bị sụp nên xe ôtô của Công không vào được. Sang yêu cầu Công đổ đất trên đường liên thôn phía trước rồi Sang sẽ dọn sau. Công làm theo rồi điều khiển xe rời đi.

Sau đó, Sang chỉ dùng xẻng dọn một lối đi rộng khoảng 60 cm ở sát mép đường rồi về nhà mà không đặt biển cảnh báo cho các phương tiện khác biết.

Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, A Dim điều khiển xe môtô đi qua đoạn đường này, tông vào đống đất, tử vong.

Xử sơ thẩm hồi tháng 7-2023, TAND TP Kon Tum tuyên phạt bị cáo Sang 18 tháng tù về tội cản trở giao thông đường bộ. Sang kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.

Xử phúc thẩm tháng 9-2023, TAND tỉnh Kon Tum hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại vì cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Công là bỏ lọt người phạm tội.

Sau khi xử phúc thẩm, Chánh án TAND tỉnh Kon Tum, Viện trưởng VKSND tỉnh Kon Tum cùng có báo cáo đề nghị Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng xem xét lại vụ án nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm.

Sau đó, chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã kháng nghị hủy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Kon Tum để xét xử phúc thẩm lại.

Tháng 1-2024, Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận kháng nghị của chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng.

Theo VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, Sang là người có đầy đủ năng lực nhận thức nên buộc phải biết việc đổ đất giữa đường liên thôn sẽ gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, nhưng sau khi Công đổ đất Sang không dọn hết đất đi hoặc đặt biển thắp sáng để cảnh báo. Do đó, Sang phải chịu hậu quả pháp lý do hành vi phạm tội của mình. Các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm xử lý Sang về tội cản trở giao thông đường bộ là đúng pháp luật.

Còn Công là người điều khiển xe ôtô chở đất đổ vào vườn của Sang. Khi tấm bê tông đi vào lô đất bị sụp, xe không vào được, Công đã báo cho Sang biết. Sang đã yêu cầu Công đổ đất trên đường liên thôn ngay phía trước lô đất của Sang và nói sẽ dọn đất đi.

Thực tế, Sang không dọn hết phần đất đã đổ xuống đường, không đặt cảnh báo an toàn mà chỉ dọn một lối đi rộng khoảng 60 cm ở sát mép đường rồi đi về nhà nên Sang phải chịu trách nhiệm khi có hậu quả xảy ra.

Như vậy, việc Công đồ đất trên đường liên thôn là làm theo yêu cầu của Sang. Diễn biến hành vi cho thấy lỗi dẫn đến hậu quả anh A Dim tử vong là do Sang không thu dọn hết đống đất, trả lại mặt bằng như đã nói với Công mà chỉ dọn một phần nên lỗi hoàn toàn thuộc về Sang. Mặt khác, trong vụ án này, Sang thực hiện hành vi phạm tội với lỗi vô ý do cẩu thả nên anh Công không phải là đồng phạm với Sang.

Vì vậy, bản án phúc thẩm nhận định hành vi của Công có dấu hiệu phạm tội cản trở giao thông đường bộ, từ đó hủy án sơ thẩm để điều tra lại là không có cơ sở. Kết luận của bản án phúc thẩm không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.

Người đàn ông điều khiển xe máy nghi đã tự đâm vào đảo giao thông, khiến người này thiệt mạng tại chỗ. Sự việc xảy ra trên đường Bùi Viện, Hải Phòng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo YẾN CHÂU ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN