“Rước” ma túy về nhà hại con

Sự kiện: Đằng sau song sắt

Những ngày trong trại giam, gặm nhấm nỗi đau mất con, đêm nào Bút cũng khóc. Nước mắt tiếc nuối, ân hận khiến Vũ Văn Bút, phạm nhân quê ở Quảng Ninh, đang cải tạo tại Trại giam Công an tỉnh Điện Biên, già nhanh hơn so với tuổi lục tuần.

Thuốc phiện và những chuyến lái xe đêm

Kể về gia đình mình, người đàn ông muốn dùng nước mắt rửa sai lầm ấy cứ luôn miệng than thân trách phận. Ông bảo, thà rằng ông cứ nghiện rồi chết ở đâu, đừng về nhà nữa thì chắc giờ này, con trai ông đã có công ăn việc làm ổn định, đâu phải bỏ mạng giữa lúc còn là sinh viên, tuổi xuân phơi phới như thế. Cả đời ông ngẫm ra chưa giúp được gì cho vợ con, có chăng lúc về hưu là tai tiếng.

Vũ Văn Bút sinh ra ở Quảng Ninh nhưng lại lập nghiệp ở vùng Tây Bắc với nghề lái xe tải cho một công ty xây dựng. Những dự án mở đường, xây dựng trường học đã chiếm gần hết tuổi xuân của ông với những chuyến xe tải chở hàng lên với bà con vùng cao. Một năm mười mấy ngày phép, ông tranh thủ tạt về thăm nhà và được làm bố của 4 đứa con. Mang tiếng là trụ cột gia đình nhưng ông Bút chẳng giúp gì được cho vợ con, có chăng thi thoảng là những lá thư viết vội, động viên con cái học hành.

Nghề lái xe rong ruổi đường trường, đi đêm và như một định mệnh khó chối bỏ, ông bầu bạn với thuốc phiện, coi nó như một loại thần dược giúp ông tỉnh táo những đêm lái xe và những ngày nằm dài trong nhà tập thể, không có vợ con bên cạnh.

Thuốc phiện ngày đó ở miền núi mua dễ hơn rau, cánh xe tải như ông Bút tiện gặp là mua một ít đem về, những lúc rỗi rãi, ngồi tán gẫu, họ lại mang ra mời nhau, hút như hút thuốc lá, thuốc lào, chẳng ai nghĩ dùng nhiều sẽ lệ thuộc vào nó. Hết mở đường lại đến xây trường học, bưu điện, nhà văn hóa… cánh lái xe tải như ông Bút đã chở không biết bao nhiêu xi măng, sắt thép, gạch ngói lên Tây Bắc và cũng không nhớ nổi đã ném bao nhiêu đồng lương tan theo khói thuốc phiện.

Vừa lái xe vừa không dời thuốc phiện, thấm thoắt cũng 15 năm nhưng cơ quan và vợ con đều không hay biết ông nghiện bởi ông không bao giờ trộm cắp, không lấy tiền của gia đình và chỉ dùng những khi lái xe đêm hoặc nằm nhà. Chính vì thế mà mãi đến lúc nghỉ hưu, không còn thuốc phiện để mua về hút, ông Bút mới giật mình hoảng hốt, nhận ra mắc nghiện thì đã muộn.

“Đáng ra tôi phải hiểu rằng, nếu muốn sống yên ổn với vợ con thì phải bỏ ma túy, còn không thì quay về chốn cũ sống một mình”, ông Bút chép miệng. Về Quảng Ninh, không có thuốc phiện nên để giải tỏa cơn nghiện, ông dùng heroin.

“Lần đầu tiên cầm gói heroin để hít, tôi vừa dùng vừa khóc vì biết thế là đời mình coi như đã vứt. Tôi đã nghiện quá, có thâm niên rồi”, ông Bút kể. Điều mà ông không ngờ tới là cậu con trai khi đó đang học năm cuối Cao đẳng Mỹ thuật, đã học theo bố.

Vũ Văn Bút ôm mặt khóc, tiếng lục cục cứ uất nghẹn trong cổ họng. Chắc hẳn người cha này đang đau khổ lắm bởi chính ông chứ không phải ai khác đã luồn chiếc thòng lọng vào cổ đứa con trai duy nhất của mình.

Con mắt của kẻ nghiện ngập có thâm niên nhanh chóng nhận ra rằng, con trai đã dính nghiện nên ra sức khuyên can. Nhưng, lời nói của ông làm sao thức tỉnh được con khi mà ông ngày nào cũng tìm tới ma túy. Trong lúc còn dùng dằng chưa dám quyết tâm cai, ông Bút chết lặng khi nhận được tin con trai chết vì dùng ma túy quá liều. Đến lúc này thì chẳng còn gì để mất, ông bỏ nhà, quay về Tây Bắc, vùi mình trong khói thuốc phiện để quên đi đau đớn. Trong một lần đi mua ma túy, Vũ Văn Bút bị bắt và phải trả giá bằng bản án 3 năm tù.

Sự hối hận muộn màng

Vì già nhất trong số phạm nhân đang cải tạo ở trại giam Công an tỉnh Điện Biên nên từ ngày có án, Vũ Văn Bút được giao nhiệm vụ chăm sóc cây cảnh và vệ sinh nhà làm việc của cán bộ. Công việc phù hợp với sức khỏe, ấy vậy mà mỗi khi cầm kéo tỉa cành cho cây cảnh, phạm nhân già này lại rơm rớm nước mắt. Ông bảo, đến cái cây muốn đẹp còn phải tưới tắm, chăm chút mỗi ngày, vậy mà ông đã không gần con cái khi chúng còn bé, đến lúc trưởng thành lại làm hại chúng. Ba cô con gái đầu đều đã có việc làm nhưng chuyện tình duyên không phải đứa nào cũng suôn sẻ, một phần do lỗi của ông. Đứa con trai duy nhất, ông đặt nhiều hy vọng thì đã ra đi khi còn quá trẻ, để lại cho ông nỗi ân hận khôn nguôi. Càng nghĩ, ông càng đau nhất là mỗi khi được đám phạm nhân trẻ gọi là “bố”.

“Mang tiếng là thân tù nhưng trong này tôi được đối xử rất tốt. Cán bộ thương tôi già yếu, cho làm việc nhẹ, tốt với mình thế mà tôi lại làm hại con mình. Con tôi chết là tại tôi, tôi có tội với tổ tiên lớn lắm”, ông Bút lại khóc. Nước mắt của đàn ông bao giờ trông cũng tội, đằng này lại là một ông lão.

Người già thường hay nghĩ nên với họ, đêm thường dài hơn lớp trẻ. Mỗi khi đặt lưng xuống chiếc giường xi măng lạnh, cứng, ông Bút lại thao thức, trăn trở đường kia, lối nọ để rồi nước mắt lại ướt nhoèn áo gối. Không ngủ được, ông trở dậy, nhìn các phạm nhân cùng buồng ngủ mà đầu óc cứ ngược về quá khứ, với khoảng thời gian ngắn ngủi bên con trai vắn số. Với ông, mỗi sáng trở dậy đi làm, được trò chuyện với con trai sẽ khiến ông vơi đi sầu muộn.

Vài tháng một lần, vợ con ông lại lên Điện Biên thăm nuôi. Quà nhận được, ông chia cho tất cả các phạm cùng buồng. Ông bảo hận bản thân lắm, nhiều lúc chỉ muốn chết nhưng vì vợ, vì con và tấm chân tình của cán bộ quản giáo nên sẽ gắng sống thật tốt để quay về, âu cũng là một sự chuộc lỗi với gia đình. Đã ở cái tuổi “tri thiên mệnh”, người đàn ông này đâu còn ngỡ ngàng trước những hỉ, nộ, ái, ố cuộc đời. Song, ông vẫn muốn truyền tải đến tất cả mọi người bi kịch của mình làm gương răn đe những ai còn ngu muội trong nghiện ngập, chỉ mong đừng có ai đến lúc già phải ôm hận như ông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lam Trinh (Công Lý)
Đằng sau song sắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN