Ra tòa mới... tâm thần
Ngoài những trường hợp người tâm thần bỗng dưng gây án, có những người sau khi bị bắt, thậm chí ra đến trước vành móng ngựa mới bất ngờ xuất trình... giấy chứng nhận tâm thần, như một “lệnh bài” để được miễn xử lý hình sự.
Bỗng nhiên tâm thần
TAND TP Hà Nội vừa đưa ra xét xử vụ án giết người đối với bị cáo Đỗ Xuân Tiến (SN 1981, ở quận Ba Đình) cùng đồng phạm.
Theo cáo trạng, năm 2002, anh Đinh Xuân Thuỵ (SN 1981, ở quận Ba Đình) kết hôn với chị Hảo (ở quận Cầu Giấy). Đến năm 2006, 2 người chia tay sau khi có một con chung.
Sau đó, chị Hảo có quan hệ với Tiến. Thấy chị Hảo và chồng cũ xích mích chuyện nuôi dạy con cái, Tiến nhắn tin cho anh Thuỵ đe doạ, dẫn đến việc 2 bên hẹn nhau giải quyết. Hậu quả, anh Thuỵ bị nhóm bên Tiến chém tử vong.
Trong phiên xử, một tình huống khá hi hữu xảy ra, bị cáo Trần Văn Hiền (SN 1992, ở Quảng Bình) bị truy tố về tội giết người bỗng dưng được người nhà xuất trình giấy chứng nhận tâm thần, khi trong hồ sơ vụ án không thể hiện điều này. HĐXX phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Cuối năm 2011, TAND TP Hà Nội cũng từng xét xử vụ án gây nhiều tranh cãi, trong đó có câu chuyện “bỗng dưng tâm thần” của những đối tượng tham gia điều hành đường dây mại dâm ở huyện Chương Mỹ.
Theo cáo trạng, tại khách sạn Quang Phát (Chương Mỹ), cảnh sát phát hiện 7 đôi nam nữ đang mua bán dâm, chủ khách sạn là Đỗ Thị Hợi.
Bà Hợi giao cho con gái Phạm Quỳnh Hương (SN 1979) quản lý và điều phối gái mại dâm cho khách. Trong quá trình điều tra, bất ngờ Hương có trong tay bản kết luận giám định của cơ quan chuyên môn với căn bệnh tâm thần.
Cơ quan kiểm sát buộc phải có văn bản đề nghị cơ quan điều tra tạm đình chỉ, chờ Hương chữa bệnh rồi xử lý sau. Còn bà Hợi, cũng như con gái, trình ra một bản kết luận giám định tâm thần nhưng ở thể nhẹ hơn, do đó vẫn phải ra vành móng ngựa.
Xử lý thế nào?
Điều 13, Bộ luật Hình sự quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Luật Tố tụng Hình sự cũng quy định, việc giới thiệu bị can, bị cáo hoặc những người liên quan đến vụ án đi giám định tâm thần thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng.
Một thẩm phán TAND TP Hà Nội cho biết, việc giám định tâm thần thuộc cơ quan chuyên môn, toà không can thiệp được, “buộc phải tin vào kết quả giám định”.
Chỉ khi thấy dấu hiệu bất minh, như thấy bị cáo “tâm thần” trả lời rành rọt các câu hỏi, toà sẽ yêu cầu giám định lại. Nhưng nếu kết quả điều tra bổ sung giữ nguyên, toà vẫn phải xử theo đúng quy định pháp luật.
Thẩm phán Nguyễn Xuân Văn (Phó Chánh toà Hình sự - TAND TP Hà Nội) cũng cho biết, trong y học có cả ngàn triệu chứng cũng như căn bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần.
Đối với cơ quan tiến hành tố tụng, khi thụ lý vụ án, sẽ dựa vào các đánh giá của bản Kết luận giám định sức khoẻ tâm thần của cơ quan y tế có thẩm quyền để xem xét khi lượng hình.
“Nếu các chuyên gia y tế nhận định các bị can, bị cáo hoặc những người liên quan mắc chứng bệnh tâm thần ở thể “mất hoàn toàn năng lực hành vi”, đồng nghĩa với việc người này được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu họ chỉ ở thể “hạn chế năng lực hành vi”, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét họ “hạn chế năng lực” ở giai đoạn nào (trước, trong hay sau khi phạm tội) để lượng hình và áp dụng các biện pháp bắt buộc chữa bệnh, sau đó xử lý tiếp” – ông Văn nói.