Quên bị can 21 năm: Công an nhận trách nhiệm bồi thường

Ban đầu các cơ quan tố tụng đùn đẩy trách nhiệm, sau nhiều lần báo chí phản ánh, cuối cùng Công an huyện Châu Thành (Long An) đã nhận trách nhiệm bồi thường oan cho công dân.

Sáng 8.6, theo thư mời, ông Phan Văn Lá (ngụ xã Vĩnh Công, Châu Thành, Long An) đã tới Công an huyện để trao đổi về số tiền cụ thể mà ông đã yêu cầu bồi thường oan trước đó. Trong buổi làm việc này, Công an huyện đã chính thức đứng ra nhận trách nhiệm sẽ bồi thường cho ông Lá. Như vậy sau 21 năm bị kết án oan và bị đùn đẩy trách nhiệm, đến nay ông Lá đã được một cơ quan tố tụng nhận trách nhiệm sẽ bồi thường oan cho ông.

Tại buổi làm việc, ông Lá đã yêu cầu Công an huyện bồi thường oan cho ông gần 500 triệu đồng (gồm tiền tổn thất tinh thần trong những ngày bị tạm giam, tiền mất thu nhập thực tế…).

Quên bị can 21 năm: Công an nhận trách nhiệm bồi thường - 1
Ông Phan Văn Lá bên chồng đơn sau 21 năm đòi công lý. Ảnh: H.Nam

Như Pháp luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh, tháng 7.1991, ông Phan Văn Lá cùng hai em trai (13 và 15 tuổi) bị Công an huyện Châu Thành (Long An) khởi tố, bắt tạm giam về tội hủy hoại tài sản XHCN theo Điều 138 BLHS 1985. Sau hai tháng tạm giam, cơ quan điều tra (CQĐT) Công an huyện đã đình chỉ điều tra đối với hai người em. Tháng 12.1991, TAND huyện đã phạt ông Lá bốn năm tù về tội trên. Ông Lá kháng cáo kêu oan. Tháng 9.1992, TAND tỉnh Long An đã hủy án để điều tra, xét xử lại vì chưa đủ cơ sở buộc tội. Hơn một tháng sau, VKSND huyện cho ông Lá tại ngoại. Kể từ đó không ai gọi ông lên làm việc nữa.

Ông Lá gửi đơn kêu oan khắp nơi nhưng không nơi nào phản hồi tích cực. Ròng rã suốt 21 năm trời, ông gõ cửa từ cơ quan tố tụng này đến cơ quan tố tụng khác.

Mãi đến tháng 9.2013, sau hơn 21 năm, CQĐT mới ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Lá. Được đình chỉ, ông Lá lại tiếp tục hành trình yêu cầu cơ quan tố tụng phải công khai xin lỗi và bồi thường oan cho mình nhưng một lần nữa, chẳng cơ quan tố tụng nào chấp nhận sẽ xin lỗi, bồi thường cho ông.

Ông Lá hai lần khởi kiện ra TAND huyện yêu cầu chính tòa này phải bồi thường oan và công khai xin lỗi nhưng cả hai lần tòa đều từ chối nhận đơn kiện. Lý do: Tòa này cho rằng lỗi thuộc về CQĐT không điều tra lại, để hết thời hạn điều tra nên tòa không có trách nhiệm bồi thường.

Ngược lại, hai ngành công an và kiểm sát ở tỉnh Long An cũng như Bộ Công an, VKSND Tối cao, Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) đều cho rằng trách nhiệm bồi thường oan thuộc về TAND huyện. Trong khi đó, ngành tòa án tỉnh Long An và TAND Tối cao lại nói trách nhiệm thuộc về Công an huyện.

Trước tình huống trên, Tỉnh ủy Long An đã chủ trì giải quyết khiếu nại của ông Lá nhưng Bộ Công an, VKSND Tối cao và TAND Tối cao không thống nhất được cơ quan nào sẽ đứng ra bồi thường cho ông Lá. Vì vậy, Tỉnh ủy Long An đã xin ý kiến chỉ đạo của Ban Nội chính Trung ương rồi mới có quyết định cụ thể.

Tháng 12.2014, Ban Nội chính Trung ương đã làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Long An về vấn đề này. May sao cuối cùng Công an huyện Châu Thành đã nhận trách nhiệm sẽ bồi thường oan cho ông Lá.

“Công an nói họ sẽ họp để xem xét số tiền mà tôi đưa ra, sau đó sẽ mời tôi lên để thương lượng. Nếu hai bên thương lượng không thành thì sẽ phải nhờ tòa án phán quyết. Tôi hiểu cơ quan nhà nước chứ có phải chợ búa đâu mà muốn có là được liền. Thôi thì thà chậm còn hơn không! Hơn 20 năm trời tôi mang thân phận bị can, thời gian đó tôi không làm được gì cả. Tôi khiếu nại mà chẳng cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm, đôi khi tôi tưởng như không còn công lý. Cũng may nhờ có báo chí vào cuộc hỗ trợ và sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Ban Nội chính Trung ương nên cuối cùng mọi chuyện cũng đã rõ ràng, vấn đề còn lại chỉ là thời gian. Đêm rồi tôi mừng quá, thao thức cả đêm không ngủ được luôn. Đợi khi nào có tiền, tôi sẽ trích một ít để sửa nhà, số còn lại tôi dùng để mua công đất làm rẫy” - ông Phan Văn Lá nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Nga/Pháp luật TP.HCM
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN