Quá khứ ám ảnh của vợ Vũ Xuân Trường
Hơn mười năm trôi qua kể từ ngày ông trùm ma túy Vũ Xuân Trường phải ra pháp trường trả giá cho tội ác, những người thân đã đưa di cốt “trùm ma túy” khét tiếng này về quê nhà yên nghỉ.
Cùng chịu tội với chồng sau vụ án gây chấn động dư luận, sau khi mãn án, bà Nguyễn Thị Lụa giờ cũng đã tìm về ngôi nhà hương hỏa ở huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình), mong rũ sạch quá khứ để tìm chút bình yên trong tâm hồn. Thế nhưng, khi đôi tay đã trót nhúng chàm thì việc rũ bỏ những ám ảnh tội lỗi dằn vặt dường như không dễ.
Mối tình… “cọc đi tìm trâu”
Một ngày trung tuần tháng 10/2013, PV đã tìm về nơi “chôn nhau cắt rốn” của “trùm ma túy” Vũ Xuân Trường, nơi bà Nguyễn Thị Lụa đang nương náu. Ngôi nhà từng được coi là bề thế nhất vùng quê lúa hơn chục năm trước nay khiêm tốn nép mình bên cạnh những căn nhà cao tầng mới mọc. Sau khi vụ án chấn động xảy ra, con cái “trùm ma túy” Vũ Xuân Trường đều đã ở lại Hà Nội sinh sống, lập nghiệp. Bởi thế khi ra tù và quyết định về quê, bà Lụa chấp nhận cuộc sống cô độc. Mọi sinh hoạt nếu cần giúp đỡ đều nhờ vào mấy em gái của chồng và những người họ hàng.
“Bà trùm” muốn sống cuộc sống của người thường Ông Vũ Ngọc Ninh, trưởng thôn Trà Giang, nơi gia đình bà Nguyễn Thị Lụa đang sinh sống cho biết: “Trước kia, gia đình bà Lụa sống ngoài Hà Nội như thế nào, địa phương không quản lý. Nhưng từ khi về lại quê sinh sống, bà Lụa tỏ ra là người đàng hoàng, trong cuộc sống không điều tiếng gì với hàng xóm láng giềng. Hàng ngày, bà Lụa quanh quẩn ở nhà chăm sóc vườn tược, thỉnh thoảng đi chùa tụng kinh. Cuộc sống cũng không khá giả gì, cơ ngơi của gia đình bà Lụa ngày xưa đồ sộ giờ chỉ còn là cái xác, kinh tế chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nhưng từ ngày tái hòa nhập với cộng đồng, bà ấy chứng tỏ là một công dân tốt, chấp hành đầy đủ mọi quy định của pháp luật và địa phương…”. |
Đón PV đến thăm và ngỏ ý tìm hiểu về cuộc sống, khuôn mặt bà Lụa dường như xúc động mạnh. Lặng đi một lúc lâu, bà mới nhỏ nhẹ: “Chuyện đã qua lâu rồi. Trong đường dây của anh Trường ngày ấy, những ai có tội đều đã phải chịu sự phán xử của pháp luật. Ngay cả chồng tôi, bây giờ cũng yên nghỉ dưới ba tấc đất rồi. Quá khứ ngày xưa tôi thấy cứ để nguyên như thế cho nó khép lại thôi. Còn nếu có gì để tâm sự thì tôi chỉ muốn nói rằng tôi đang cố để quên hẳn những ngày lầm lỗi khi song hành với anh Trường. Từ ngày về đây sinh sống, cuộc sống của tôi đã đơn giản như biết bao người dân khác, làm ăn lương thiện, ngày rằm mùng một đi chùa niệm Phật. Làm những công việc ấy, tôi chỉ muốn có những giây phút thanh thản sau quãng đời đầy sóng gió đã qua…”.
Câu chuyện thấm đẫm nỗi buồn cứ thế đưa đẩy. Cứ mỗi lần phóng viên gợi về quãng thời gian bôn ba với người chồng một thời “xưng hùng xưng bá” trong vai “bà trùm”, người phụ nữ đầu đã hai thứ tóc lại nhòa lệ. Bà Lụa trầm ngâm bảo: “Tôi muốn quên và đã mong thời gian trôi qua sẽ thành liều thuốc đắng xóa nhòa kỷ niệm. Nhưng quả thật, càng muốn quên thì những chuyện xưa cũ lại càng hiện ra, dằn vặt khôn nguôi”.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, đông anh em, tuổi thơ của cô thôn nữ Nguyễn Thị Lụa trôi qua trong thiếu đói, mặc cảm. Nghèo, đói ăn nhưng chị em bà vẫn gắng theo đuổi học hành với mong muốn giản dị sẽ thoát ly để “được ăn no, mặc ấm”, không phải còn phải chịu cảnh suốt ngày cắm mặt xuống đất, bỏ nỗi lo ngặt nghèo về cơm áo gạo tiền. Về người chồng “xưng hùng xưng bá” một thời, theo như lời bà Lụa, ngày còn nhỏ và cả sau này đi học để trở thành chiến sĩ công an, Vũ Xuân Trường luôn là một đứa con ngoan, hiếu thảo, một người anh gương mẫu. Vượt lên hoàn cảnh, chịu thương chịu khó, chăm chỉ học hành nên sau khi tốt nghiệp Vũ Xuân Trường đã xin được việc làm theo nguyện vọng của bản thân: “Cách đây hơn hai mươi năm, khi đó mới chỉ là chàng lính Cảnh sát cơ động, nhưng anh Trường không chỉ là niềm tự hào của cả gia đình, dòng họ mà còn là “thần tượng” của những nữ sinh như tôi…”, bà Lụa hồi tưởng.
“Tuổi học trò, lại sống ở quê, con gái mười bảy mười tám đã đi lấy chồng nhưng tôi vẫn theo đuổi việc học hành. Thuở còn đi học, tình cảm thoáng qua thì nhiều nhưng để nói yêu thì tôi cũng chỉ… tương tư có mỗi anh Trường. “Các cụ bảo trâu đi tìm cọc chứ ai lại cọc đi tìm trâu” nhưng tôi lại chính là người… viết thư tỏ tình, nhưng mấy lần viết rồi nấn ná mãi không dám đưa vì sợ bị từ chối. Khi lấy nhau rồi, tôi đưa cuốn lưu bút tuổi học trò và những lá thư chưa kịp gửi cho anh Trường xem. Ngó qua rồi, anh ấy cười thú nhận dạo đó yêu tôi nhưng không dám tỏ tình vì cũng sợ tôi từ chối…”, bà Lụa tâm sự, đôi mắt bỗng ngước nhìn xa vắng như đang quay về thời áo trắng, quay về với tình cảm thuần khiết, trong sáng của ngày xưa.
Vũ Xuân Trường ngày bị bắt.
Ám ảnh giây phút cha con gặp nhau trong phiên tòa
Trò chuyện với PV, thỉnh thoảng bà Nguyễn Thị Lụa lại im lặng nhìn ra ngoài con đường trước ngõ như là hoài nhớ về những ngày xưa. Bà cũng cho biết, từ khi vụ án liên quan đến “tập đoàn ma túy Vũ Xuân Trường” bị cơ quan chức năng đánh sập, hàng loạt người thân là anh em, bạn bè, đồng nghiệp và cả bản thân bà nữa… bị bắt giam thì mọi thứ đều đã bị xáo trộn.
Bà Lụa tâm sự: “Tôi vẫn nhớ cảm giác của mình trong một phiên tòa. Trong giây phút hiếm hoi hai vợ chồng nói chuyện được với nhau, anh Trường luôn nhắc về hai đứa con. Thế nhưng lúc nhìn thấy thằng con trai đầu, anh Trường bỗng im bặt rồi ngước mắt lên nhìn cháu. Ngay sau đó, anh hỏi: “Em T. có đến không?”. Cháu chỉ mấp máy môi điều gì đó và bước nhanh xuống dưới. Bất giác, hai mắt anh ấy đỏ hoe và rất nhanh, từng giọt nước mắt lăn dài. Vào thời khắc ngắn ngủi ấy, tôi biết, nếu cháu có nhào vào lòng cha, nói với cha những điều cháu buồn nhất, đau khổ nhất hoặc động viên cha thành khẩn khai báo thì chắc các chiến sĩ bảo vệ không nỡ yêu cầu cháu xuống. Nhưng cháu đã không làm thế. Giữa cha và con là một khoảng cách đau đớn để cháu hiểu rằng, cha cháu – một người vừa gần gũi, lại vừa xa lạ…”.
Ngôi nhà 2 tầng nơi bà Lụa chọn để sống những ngày cuối đời.
Nhắc đến những đứa con của mình, bà Lụa bảo, cũng may ông trời đã cho bà hai “báu vật”. Trước đây, vì mải miết chạy theo đồng tiền, hai vợ chồng bà đã biến các con thành những đứa trẻ đáng thương. “Chúng rất khác với những bạn cùng trang lứa. Các cháu sướng hơn các bạn về mặt vật chất. Dạo ấy trong nhà sẵn tiền, anh Trường lo cho các con cái ăn, cái mặc, người đưa đón đi học, đi du lịch… Có thể nói, các cháu được chăm sóc, bảo vệ từ đầu đến chân khi ra khỏi nhà. Nhưng khi đến lớp, các cháu ít tiếp xúc, giao lưu với bạn bè xung quanh. Vài lần, cô giáo các cháu đã gọi điện riêng cho tôi thông báo chuyện hai con học giỏi, song lại có nhiều biểu hiện trầm cảm, ít tiếp xúc với bạn bè. Nhiều lúc, hai cháu chỉ ngồi một mình, có khi đi học thì vẽ gì đó vào tờ giấy, khi thì hình con vật, lúc lại hình ông thiện – ông ác… Cái cách hành xử này rất lạ lùng, khác biệt với những đứa trẻ cùng trang lứa, nên tôi xót lắm! Cũng may là đến bây giờ, các cháu đã trưởng thành, vẫn là những đứa con ngoan, hiếu thảo…”, bà Lụa trải lòng, rưng rưng nước mắt.
Trò chuyện với PV, bà Vũ Thị Ngoan, em gái “ông trùm” Vũ Xuân Trường cho biết: “Sau khi được đặc xá, trở về quê sống trong căn nhà hương hỏa của ông bà để lại, chị ấy (bà Lụa - PV) sống đơn giản lắm. Nếu không chăm sóc vườn tược, quanh quẩn dọn dẹp thì cũng chỉ ngày rằm mùng một, chị dâu tôi lên chùa tụng kinh. Có điều, ẩn phía sau cuộc sống tưởng như bình yên ấy, tôi hiểu chị chưa quên mọi chuyện vì gương mặt lúc nào cũng buồn rầu. Nhiều khi chị ấy cười nhưng cảm giác trong lòng đang ngập tràn giông bão. Những lúc ấy, tôi mới biết chị dâu phải gắng gượng để kìm nén lại ám ảnh tội lỗi dằn vặt để làm chỗ dựa tinh thần cho các con”.
Chia tay chúng tôi, giọng vợ ông trùm như nghẹn lại. Có lẽ, nỗi đau thầm kín khiến bà không thể nói nên lời, hay là không muốn người ngoài nhìn thấu những bất hạnh, những giông bão đã đổ ập xuống cuộc đời bà. Khẽ quay đi, bà lặng lẽ lấy vạt áo lau vội giọt nước mắt.