"Phút 89" của tử tù Hồ Duy Hải: : Hai "kịch bản" của vụ án

Đến thời điểm này, theo luật định, chưa thể khẳng định tử tù Hồ Duy Hải có bị oan hay không nhưng Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND Tối cao sẽ giúp cơ quan tố tụng có cơ sở mở ra hướng điều tra, truy tố, xét xử

Theo bản án, sau khi sát hại 2 nhân viên Bưu điện Cầu Voi (tỉnh Long An) tối 13-1-2008, Hồ Duy Hải ra nhà tắm, mở vòi nước rửa tay, dao. Trong quá trình khám nghiệm hiện trường, công an phát hiện, thu giữ một số dấu vết "đường vân tay ở mặt trong của kính trên cánh cửa sau và trên tay nắm mở vòi nước ở lavabo". Cơ quan giám định kết luận đó không phải dấu vân tay của Hồ Duy Hải. Tới nay, cơ quan chức năng chưa làm rõ những dấu vết trên do ai để lại hiện trường.

Trong quá trình điều tra, điều tra viên ghi lời khai nhân chứng, đối tượng trong diện tình nghi, trong đó có Hồ Văn Bình, Nguyễn Văn Nghị và Đinh Vũ Thường. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án ở tòa không thấy có biên bản ghi lời Nguyễn Văn Nghị. Một số bạn thân của nạn nhân cho biết nạn nhân có mối quan hệ với Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol. Nhân chứng Lê Thị Thu Hiếu khai với công an buổi chiều hôm xảy ra vụ án, chị nghe nạn nhân nói tối đó, Mi Sol sẽ về Bưu điện Cầu Voi. Thế nhưng, cơ quan điều tra không tiến hành giám định dấu vân tay của Mi Sol.

Bà Nguyễn Thị Loan, Mẹ Hồ Duy Hải, trong một lần đi kêu oan cho con Ảnh: MINH SƠN

Bà Nguyễn Thị Loan, Mẹ Hồ Duy Hải, trong một lần đi kêu oan cho con Ảnh: MINH SƠN

Theo một điều tra viên công tác tại Công an tỉnh Tiền Giang, suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc mấu chốt trong tố tụng hình sự. Khi phát hiện một phần trăm nghi vấn về hung thủ thì cơ quan điều tra cần áp dụng mọi biện pháp nghiệp vụ. "Đây có thể là dấu vết hung thủ để lại. Nếu dấu vân tay ở hiện trường vụ án không phải của Hải thì ngay lúc đó cơ quan điều tra giám định thêm dấu vân tay của các đối tượng tình nghi" - điều tra viên cho hay.

Tương tự, một điều tra viên tại Bộ Công an nhận định quá trình điều tra mắc nhiều thiếu sót, chưa đủ cơ sở quy tội Hồ Duy Hải. Đối với vụ án giết người, dấu vân tay tại hiện trường là một trong những yếu tố quan trọng giúp điều tra viên truy tìm dấu vết hung thủ. Trong quy định tố tụng hình sự, đó cũng là chứng cứ hàng đầu trong xác định nghi phạm có xuất hiện ở hiện trường vụ án hay không.

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích: Căn cứ luật định, chúng ta chưa thể nói trước bất cứ điều gì liên quan đến diễn biến và kết quả vụ án. Tuy nhiên, nội dung trong Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND Tối cao và thông tin báo chí đăng tải sẽ giúp cơ quan tố tụng có cơ sở mở ra hướng điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian tới. Cơ quan tố tụng các cấp cần thượng tôn pháp luật; điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội. Nhà nước đề cao việc loại trừ oan, sai nhằm tăng thêm niềm tin trong nhân dân; loại trừ hành vi trái đạo đức, pháp luật.

Nguyên thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao Vũ Lai Bằng cho biết sau khi VKSND Tối cao kháng nghị, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ xem xét kháng nghị giám đốc thẩm trên. Trường hợp TAND Tối cao chấp nhận kháng nghị, hồ sơ vụ án sẽ chuyển về VKS để điều tra lại. Nếu hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án, yêu cầu xét xử lại vụ án ở cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm, hồ sơ vụ án sẽ chuyển lại tòa án có thẩm quyền xét xử (thời gian chuyển hồ sơ trong vòng 15 ngày).

Từng tiếp cận một số thông tin liên quan đến vụ án ở giai đoạn TAND tỉnh Long An xét xử phúc thẩm, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng nếu điều tra lại, cơ quan có thẩm quyền không tìm ra dấu hiệu phạm tội của Hải thì phải đình chỉ vụ án. Nếu cơ quan có thẩm quyền vẫn xác định Hồ Duy Hải là thủ phạm, vụ án sẽ được truy tố, xét xử sơ thẩm lại từ đầu. Luật sư Hùng lưu ý: "Nếu quy trình thu thập chứng cứ, điều tra có nhiều sai phạm, không đúng nguyên tắc, quy định luật pháp đề ra thì căn cứ nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo, cơ quan pháp luật có thể tuyên vô tội hoặc đình chỉ vụ án". 

Liên quan đến vụ án này, một số người tham gia điều tra, bào chữa đã qua đời như 2 công an viên xã Nhị Thành là Huỳnh Văn Minh và Nguyễn Thanh Hải; Trưởng Phòng CSĐT giai đoạn đó là ông Phạm Văn Tiến và luật sư chỉ định Võ Thành Quyết.

Nguồn: [Link nguồn]

Phút 89 của tử tù Hồ Duy Hải: Hành trình kêu oan cứu con

Gia đình tử tù Hồ Duy Hải đã phải bán 2 căn nhà làm lộ phí kêu oan suốt 11 năm dài đằng đẵng, em gái Hải cũng bỏ học

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm phóng viên ([Tên nguồn])
Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN