"Phút 89" của tử tù Hồ Duy Hải

Đúng ngày này 5 năm trước, một cuộc điện thoại từ Văn phòng Chủ tịch nước gọi đến Hội đồng Thi hành án tỉnh Long An đã thay đổi cuộc đời tử tù Hồ Duy Hải, khi thời gian thi hành án còn chưa đầy 24 giờ.

Mười một năm sau, đầu tháng 12-2019, VKSND Tối cao đã ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm năm 2009 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM về việc tuyên bị án Hồ Duy Hải (SN 1985, ngụ huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) tử hình vì giết 2 nhân viên Bưu điện Cầu Voi (Long An), để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.

Cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường vụ án mạng xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi. Ảnh: MINH SƠN

Cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường vụ án mạng xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi. Ảnh: MINH SƠN

Ngày sinh tử

Sáng 4-12-2014, mẹ của Hồ Duy Hải là bà Nguyễn Thị Loan (SN 1963, ngụ ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) được cán bộ xã mời lên thông báo có cán bộ tòa án đến gặp. Hai cán bộ này cho biết con bà sắp bị tử hình, nếu gia đình xin nhận xác thì làm đơn. Thời gian thi hành án không được tiết lộ cụ thể. Linh tính của người mẹ khiến bà dự cảm chuyện lớn sắp xảy ra. Khoảng 10 giờ, bà cùng các em và các con đến tòa án tỉnh xin hoãn thi hành án cho Hải để tiếp tục kêu oan.

Đến tòa, công an không cho vào, cả nhà chỉ biết khóc. Lúc này, bà Nguyễn Thị Rưỡi (dì của Hải) đề xuất mua vé máy bay ra Hà Nội để tiếp tục kêu oan. Bà Loan và bà Rưỡi thuê xe từ Long An lên sân bay Tân Sơn Nhất. Trên đường đi, họ nhận được điện thoại cho biết Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã yêu cầu tạm dừng thi hành án.

"Nếu không có ý kiến của Chủ tịch nước thì chỉ 20 giờ nữa là con tôi đã vĩnh viễn lìa xa cõi đời rồi" - bà Loan vừa khóc vừa kể.

Chị Hồ Thị Thu Thủy (em gái của Hồ Duy Hải) kể lại, khi đến TAND tỉnh Long An, bà Loan ngất xỉu mấy lần, không còn đủ tỉnh táo để ký vào đơn, em gái bà đã phải ký thay. Sau khi được hoãn tử hình, gia đình vào thăm Hải. "Anh ấy đã vui vẻ hơn. Trong lúc bị giam, anh Hải đã có lần tự tử bất thành, một lần xin tử hình sớm vì tuyệt vọng" - chị Thu Thủy nhớ lại.

Cuộc điện thoại xoay chuyển tình thế

Trước đó, Hồ Duy Hải bị tuyên án tử hình về tội "Giết người" và "Cướp tài sản". Tòa phúc thẩm kết luận Hải phạm tội đặc biệt nghiêm trọng khi tước đoạt mạng sống của 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi vào đêm 13-1-2008. Ngoài ra, Hải có hành vi cướp tài sản, phi tang chứng cứ sau khi giết người.

Cho rằng hồ sơ vụ án cũng như bản án tử hình có nhiều uẩn khúc, mẹ Hồ Duy Hải (bà Nguyễn Thị Loan) liên tục làm đơn kêu oan. Đồng hành với bà là nhiều luật sư đã hỗ trợ pháp lý để chứng minh Hải không phạm tội "Giết người", "Cướp tài sản" như cơ quan tiến hành tố tụng kết luận.

Vào thời điểm đó, luật sư Trần Văn Tạo nguyên là Phó Giám đốc Công an TP HCM. Khi phiên tòa phúc thẩm kết thúc, một luật sư tìm gặp ông và mời ông cùng nghiên cứu hồ sơ vụ án. Với kinh nghiệm tích lũy trong quá trình hành nghề luật sư và làm việc trong cơ quan CSĐT, ông Tạo nhận ra hồ sơ vụ án chưa rõ ràng. Bản án ban hành là lúc mọi chuyện gần như đã an bài.

Mọi người đặt niềm tin vào quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Ông Trần Văn Tạo và một số luật sư khác làm đơn kiến nghị, phản ánh với Chủ tịch nước về những uẩn khúc trong vụ án này. Dù vậy, mọi nỗ lực đều chưa đạt kết quả. Ngày thi hành án cận kề. Đến trưa 4-12-2014 (chỉ còn vài giờ Hồ Duy Hải sẽ ra pháp trường), điện thoại của ông đổ chuông liên tục. Đó là cuộc gọi của các luật sư, nhà báo, nhà văn.

"Có người nói với tôi rằng không còn ai có thể cứu Hồ Duy Hải nữa. Tất cả anh em luật sư và nhiều người có quan hệ cấp cao đã hết cách rồi. Chỉ có thể tôi giúp được bằng cách gọi cho anh Tư Sang (nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang) để xin tạm hoãn thi hành án thôi" - ông Tạo nhớ lại.

Cuộc nói chuyện kéo dài chỉ vài phút. Trước khi gác máy, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắn nhủ: "Để tôi xem xét ngay và có nghe mấy anh em báo cáo vụ án này".

Hai giờ sau, đại diện Văn phòng Chủ tịch nước gọi điện thoại đến Hội đồng Thi hành án tỉnh Long An, đề nghị dừng việc thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải. Văn phòng Chủ tịch nước thông báo sẽ có văn bản chính thức sau về việc này. Chánh án TAND tỉnh Long An lập tức bút phê nội dung ngừng thi hành lên lệnh thi hành án.

"Chúng tôi chưa bao giờ quên thời khắc định mệnh ấy" - mẹ của tử tù Hồ Duy Hải nói. Hôm sau, bà Loan cùng người thân tìm đến tận nơi, quỳ xuống cảm tạ luật sư Trần Văn Tạo. Lúc đó, ông Tạo và gia đình Hồ Duy Hải mới biết mặt nhau.

Theo cáo trạng, tối 13-1-2008, Hồ Duy Hải đến Bưu điện Cầu Voi gặp 2 nhân viên là Nguyễn Thị Thu Vân và Nguyễn Thị Ánh Hồng. Trong lúc chị Vân đi mua trái cây, Hải nảy sinh ý định “quan hệ” với chị Hồng. Do chị Hồng vùng vẫy, bỏ chạy nên Hải đánh, dùng dao đâm vào cổ khiến nạn nhân tử vong. Khi chị Vân quay lại, Hải cũng ra tay như với chị Hồng. Gây án xong, Hải lấy 1,4 triệu đồng và 40-50 sim điện thoại, nữ trang trên người hai nạn nhân rồi chạy về nhà. Sau đó, Hải mang nữ trang lên TP HCM bán.

Kỳ tới: Án mạng rúng động vùng quê

Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải: Nỗi đau chưa bao giờ nguôi ngoai của gia đình 2 nữ nạn nhân

12 năm, vụ án "Bưu cục Cầu Voi" của tử tù Hồ Duy Hải được kháng nghị giám đốc thẩm. 12 năm, là hành trình kêu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN