Phúc thẩm Huyền Như: LS yêu cầu triệu tập "bầu" Kiên

Sáng nay (15.12.2014), Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã đưa vụ “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank – Chi nhánh TP.HCM) và đồng phạm ra xét xử phúc thẩm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại phiên tòa sáng nay, ngoài 23 bị cáo và nhiều đương sự có mặt, các luật sư còn yêu cầu tòa triệu tập hàng loạt người khác có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, trong đó có cả "bầu" Kiên.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, trong ngày đầu của phiên tòa phúc thẩm, công tác an ninh được thắt chặt khi các nhân viên an ninh yêu cầu người tham dự phiên tòa không được mang cặp, ba lô, túi xách, laptop, ipad và các vật dụng khác vào phòng xử án. Đúng 8 giờ sáng, phiên tòa được bắt đầu nhưng số lượng bị cáo và người tham gia phiên tòa đông nên HĐXX mất nhiều thời gian để làm thủ tục phiên tòa. Đến 11 giờ cùng ngày, HĐXX mới thực hiện xong phần thủ tục như xác minh lý lịch các bị cáo, thẩm tra tư cách của người tham dự phiên tòa.

Phúc thẩm Huyền Như: LS yêu cầu triệu tập "bầu" Kiên - 1 Huyền Như và các bị cáo tại tòa sáng nay 15.12 (Ảnh: H.K)

Tại phiên tòa, các luật sư yêu cầu HĐXX cho triệu tập những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Luật sư Lưu Văn Tám (Đoàn luật sư Bà Rịa – Vũng Tàu), người bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) yêu cầu HĐXX cho triệu tập các nguyên lãnh đạo của Ngân hàng ACB trước đây như ông Trần Xuân Giá, Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên), Lê Quốc Kỳ, Lý Xuân Hải,… Lý do là cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ án. Ông cũng yêu cầu tòa cho triệu tập các lãnh đạo của Ngân hàng Vietinbank.

Luật sư Trần Minh Hải (Đoàn luật sư Hà Nội), người bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Huỳnh Mỹ Hạnh yêu cầu HĐXX tập trung 2 pháp nhân gồm Công ty TNHH đầu tư Phúc Vinh và Công ty cổ phần đầu tư Thịnh Phát, là hai nguyên đơn dân sự trong phiên tòa sơ thẩm. Theo luật sư Hải, hai công ty này đã tiếp nhận tiền của Huyền Như gửi trái phép, giờ chưa biết nguồn tiền đi đâu. Vì vậy, sự vắng mặt của đại diện hai công ty sẽ ảnh hưởng đến việc khắc phục hậu quả của các bị cáo trong vụ án.

Trong khi đó, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp Ngân hàng ACB yêu cầu triệu tập một số cán bộ của Vietinbank để làm rõ quy trình hạch toán, quản lý giao dịch tài khoản, tiền gửi của khách hàng tại Vietinbank trong vụ án này.

Bà Uyên cũng yêu cầu HĐXX triệu tập đại diện các tổ chức, cá nhân có nhận tiền của Huyền Như chiếm đoạt của ACB (718 tỷ đồng). Theo bà, số tiền 718 tỷ Huyền Như chiếm đoạt của ACB được Như dùng trả nợ cho 29 tổ chức, cá nhân, vì vậy ngoài các tổ chức, cá nhân có mặt thì cần triệu tập thêm 10 tổ chức, cá nhân vắng mặt khác với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Bà cho rằng, việc triệu tập các tổ chức, cá nhân trên là cần thiết để thẩm vấn công khai, để xác định rõ nhằm xác định vật chứng, tài sản do phạm tội mà có.

Bên cạnh đó, một số luật sư cũng yêu cầu HĐXX triệu tập thêm những người đã nhận tiền của Huyền Như nhưng không có mặt tại phiên tòa phúc thẩm.

Sau khi nghe các luật sư trình bày ý kiến, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã thông báo nghỉ giải lao.

Đúng 13 giờ 30 chiều nay phiên tòa sẽ được tiếp tục với các phần thẩm vấn, tranh luận tại tòa.

Huỳnh Thị Huyền Như (sinh năm 1978), nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam (Vietinbank – Chi nhánh TP.HCM). Năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như vay trên 200 tỷ đồng để đầu tư kinh doanh bất động sản. Đến năm 2010, do việc kinh doanh thua lỗ, mất khả năng trả nợ nên Huyền Như nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của các khách hàng.

Từ tháng 3.2010 đến tháng 9.2011, Huyền Như thuê làm giả 8 con dấu của các đơn vị, công ty rồi sử dụng các con dấu giả này làm giả các giấy tờ, chứng từ hợp đồng và trả lãi suất cao để huy động tiền của các tổ chức, cá nhân. Tổng cộng Huyền Như và các đồng phạm đã chiếm đoạt của 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng.

Tại phiên xử sơ thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Huyền Như tù chung thân về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức; buộc Huyền Như cùng một số bị cáo khác bồi thường gần 4.000 tỷ đồng đã chiếm đoạt cho các cá nhân và tổ chức. 22 bị cáo còn lại bị phạt từ 1 năm tù treo đến 20 năm tù.

Sau phiên tòa, 20/23 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xem xét lại trách nhiệm dân sự. Riêng bị cáo Huyền Như chỉ kháng cáo phần dân sự xin tòa xem xét trả lại căn nhà cho mẹ bị cáo. Có 11/15 nguyên đơn dân sự, người bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan kháng cáo cho rằng cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng khi xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của VietinBank, đồng thời yêu cầu VietinBank có trách nhiệm bồi thường cho họ... Trước ngày mở phiên xét xử phúc thẩm, một số đương sự đã rút đơn kháng cáo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hữu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN