Phiên tòa đầy ám ảnh của những người con có bố sát hại mẹ

Sự kiện: Tin pháp luật

“Bố nhớ cải tạo tốt, chúng con sẽ chờ” là câu nhắn nhủ của các con trước khi bị cáo Lê Hải Châu bị áp giải vào xe thùng với mức án 20 năm tù vì hành vi giết vợ.

Chân dung ông Châu. Ảnh: NLĐ

Chân dung ông Châu. Ảnh: NLĐ

Giết vợ vì ghen tuông, ích kỷ

Một buổi sáng giữa tháng Tám, chưa đến giờ xét xử nhưng rất đông người thân, các con của bị cáo Lê Hải Châu (SN 1958, trú tại xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) đã có mặt tại TAND tỉnh Hà Tĩnh để chờ tham dự phiên xét xử sơ thẩm bố về hành vi giết mẹ.

Khi chiếc xe thùng đỗ lại, các con của bị cáo òa khóc. Đối với họ, vụ án là tấn bi kịch gia đình khủng khiếp.

Theo cáo trạng, bị cáo Lê Hải Châu là chồng của bà Chu Thị H. (SN 1963, trú tại xã Cương Gián). Sau khi kết hôn, lần lượt 4 đứa con ra đời nhưng cuộc sống kinh tế gia đình quá vất vả nên vào năm 1999, bà H. đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc.

Sau khi sang xứ người, bà H. may mắn tìm được một công việc ổn định nên trong suốt quá trình ở nước ngoài, bà thường xuyên gửi tiền về cho ông Châu nuôi con ăn học. Thi thoảng, bà vẫn bay về thăm quê, thăm chồng và các con.

Đến cuối năm 2018, người con trai thứ hai cưới vợ, bà H. về dự. Trong dịp này, ông Châu muốn bà H. ở nhà luôn chứ không sang lại Hàn Quốc nữa. Trước đề xuất của chồng, bà H. im lặng, chưa trả lời.

Ngày 18/2, bà H. bàn với ông Châu sẽ đưa người con trai đầu mắc bệnh thần kinh ra Hà Nội thăm khám rồi vào Khánh Hòa chơi với con gái vài hôm.

Cho rằng bà H. có ý định bỏ đi mà không chăm sóc mình đang bị tai biến mạch máu não nên ông Châu nảy sinh ý định sát hại vợ.

Nghĩ là làm, rạng sáng hôm sau, khi bà H. đang nằm ngủ trên giường, Châu xuống nhà bếp cầm 2 con dao đi vào phòng ngủ đâm chết vợ. Sau khi thực hiện xong tội ác, Châu ra biển Cương Gián định tự tử nhưng được người dân phát hiện ngăn cản, đưa về đầu thú.

Cái chết của bà H., trong khi thủ phạm lại chính là ông Châu khiến cả xóm nhỏ rúng động. Ai cũng đau xót cho hoàn cảnh tréo ngoe, bi kịch của gia đình Châu.

Sự sám hối muộn màng

Suốt phiên xét xử mở tại TAND Hà Tĩnh, bị cáo Lê Hải Châu liên tục nói rất ân hận vì đã cướp đi quyền được sống của vợ. Bị cáo hối hận vì chính mình đã đẩy các con vào cảnh phải bơ vơ, mồ côi mẹ, đẩy gia đình vào cơn bất hạnh, bĩ cực: Mẹ chết, bố đi tù.

Nói lắp, nói không tròn chữ vì bị tai biến mạch máu não 3 năm nay, bị cáo Châu cho biết, từ lúc vợ đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc đến nay đã 20 năm nhưng cũng chỉ mới về thăm nhà được hai lần.

Một mình bị cáo sống cảnh “gà trống nuôi con”, một tay chăm sóc, nuôi dưỡng các con trưởng thành. Những lúc trái gió trở trời, những lúc con đau, con ốm, những lúc bị cáo mệt mỏi, hay lúc gia đình nội ngoại có việc gì cũng chỉ có một mình bị cáo gánh vác nên bị cáo luôn cảm thấy cô đơn, buồn tủi.

"Tôi rất yêu thương vợ và không muốn bà ấy chết. Giây phút đó, chính tôi cũng không hiểu vì sao lại hành động như vậy. Từ ngày bà ấy đi nước ngoài làm việc, tôi luôn có suy nghĩ tiêu cực.

Dù vợ vẫn gửi tiền về để tôi chăm sóc, nuôi các con ăn học nhưng tình cảm vợ chồng cứ phai nhạt theo năm tháng. Đôi lúc, bà ấy gọi về hay tôi gọi sang tâm sự cũng bâng quơ, nói cho xong. Tôi cảm nhận, mối quan hệ vợ chồng chỉ còn trên danh nghĩa và trách nhiệm với các con.

Lúc vợ về dự đám cưới con, tôi vui lắm. Tôi muốn bà ấy ở lại để cùng tôi chăm sóc cho cậu con trai bị bệnh thần kinh, rồi vợ chồng cùng nhau đoàn tụ, an dưỡng tuổi già ở quê hương, gắn kết tình cảm đã dần phai nhạt bao năm qua. Thế nhưng, bà ấy không nói gì.

Khi bà ấy nói đưa con đi Hà Nội khám bệnh rồi vào Khánh Hòa chơi, tôi bấn loạn vì nghĩ rằng bà ấy đang có kế hoạch để bỏ nhà đi. Hơn 20 năm sống cảnh gà trống nuôi con, tôi luôn tủi thân, cô đơn, bức xúc cứ thế dồn nén trong lòng”, bị cáo Châu nói.

Tại phiên tòa, đại diện gia đình bị hại và phía người thân bị cáo Châu đều khóc nghẹn đến mức không thể trả lời gãy gọn các câu hỏi của HĐXX.

Chị Lê Thị Lan (con gái thứ hai của bị cáo Châu) cho hay, suốt 20 năm mẹ đi vắng, một mình bố chăm sóc, lo lắng cho 4 anh em. Em trai bị bệnh thần kinh cũng do một tay bố chăm sóc bao năm nay nên các con đều rất hiểu sự cô đơn, buồn tủi của bị cáo. Sau khi trải qua cơn tai biến, tâm trí của bị cáo Châu đôi lúc không còn minh mẫn, mất nhận thức. Là con - không có nỗi đau nào bằng khi phải cùng lúc chứng kiến cảnh mẹ chết, bố đi tù...

"Phút nông nổi nóng giận, bố không kiềm chế được suy nghĩ tiêu cực, đã gây ra bi kịch quá lớn. Giờ đây mẹ mất, bố đi tù, chúng con bơ vơ. Sau bao nhiêu năm vất vả, đáng ra, đã đến lúc bố mẹ phải được an dưỡng tuổi già nhưng nay người mất, người vào tù tội. Bố lại đang đau ốm, bệnh tật...", chị Lan khóc nghẹn.

Giọng không tròn tiếng, anh Lê Đình Thông (con trai cả của ông Châu) lau nước mắt. Anh chia sẻ, bố anh là người rất mực thương yêu vợ con. Trong phút nóng giận, bố anh đã gây ra tội ác, đó là tội lỗi rất lớn nhưng người thân và các con đều mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt để ông sớm được trở về với các con, vực dậy gia đình qua cơn bĩ cực.

"Bố cố gắng cải tạo tốt. Con và các em sẽ chờ", lời nhắn đến bố của Thông khiến nhiều người có mặt trong phòng xử án trào nước mắt.

Nhận định hành vi của bị cáo Châu là nhẫn tâm, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt mà tước đoạt tính mạng người khác, đại diện VKSND tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị phạt bị cáo 16 năm tù về tội Giết người, theo Điều 123, Bộ luật Hình sự 2015.

Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, hành vi của bị cáo Lê Hải Châu là máu lạnh, cần xử phạt nghiêm nên tuyên phạt 20 năm tù giam.

Chiếc xe thùng mở cửa, lực lượng công an áp giải bị cáo Lê Hải Châu rời khỏi phòng xử. Các con ùa tới, ôm chầm bị cáo Châu khóc nức nở. Trong vòng tay của các con, Châu không nói câu nào, chỉ lau nước mắt rồi lầm lũi tra tay vào còng số 8, bước ra xe thùng...

Bi kịch từ cuộc hôn nhân không giá thú

Từ những mâu thuẫn tích tụ đã lâu, trong cơn ghen bột phát, N.V.H.L (SN 1995, quận 7, TP HCM) đã vung dao đoạt mạng người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.H ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN