Phạm nhân 3 lần vượt ngục dễ dàng như ảo thuật gia
Nhờ trí thông minh siêu việt của mình, tên tội phạm nổi tiếng toàn nước Anh dễ dàng vượt ngục 3 lần và thậm chí khởi kiện nhà tù vì bắt người trái phép.
LTS: Nhà tù có chức năng giam giữ phạm nhân nhưng với nhiều tên tội phạm, đây được xem là cái đích cần vượt qua để tìm lại tự do. Bài viết về những phi vụ vượt ngục khó tin, sẽ hé lộ chiêu thức những kẻ đào tẩu thực hiện để chạy trốn khỏi các nhà tù kiên cố bậc nhất. |
Alfred Hinds là một tù nhân vượt ngục 3 lần thành công, được xem là kẻ vượt ngục xuất sắc nhất lịch sử thế giới
Alfred Hinds (SN 1917) và tuổi thơ của y đã định sẵn con đường phạm tội sau này. Cha của Hinds từng bị bắt vì trộm cắp có vũ trang khi Hinds còn bé và hình phạt cho người này là 10 roi. Sau đó, Hinds bị đẩy vào trại trẻ mồ côi khi vừa lên 7.
Mưu sinh không bao giờ dễ dàng với một đứa bé sống ở khu vực East End (Anh) và Hinds nhanh chóng dính vào con đường tội lỗi. Hắn bị bắt nhiều lần vì trộm cắp vặt và được gửi tới trung tâm giáo dưỡng. Tuy nhiên sau đó, Hinds không chấp nhận ở trong trại và bỏ trốn.
Một thời gian sau, Hinds nhận được thư của chính quyền kêu gọi nhập ngũ để tiêu diệt lính Đức quốc xã trong Thế chiến II. Hinds đồng ý nhưng ngay khi vừa nhập ngũ, tên này lại bỏ trốn.
Năm 1953, Hinds “cất một mẻ lớn” với số trang sức trộm cắp lên tới 90.000 USD. Mặc dù ra sức kêu oan nhưng Hinds vẫn bị kết án 12 năm tù.
Điều kì lạ là Hinds đã vượt qua nhà ngục Nottingham với cửa thép dày đặc và tường cao 6m như một ảo thuật gia lão luyện. Nhiều người ví Hinds với nhà ảo thuật Houdini đại tài. Khi trốn trại, Hinds làm nhân viên trang trí nội thất ở Ireland trước khi bị bắt lại năm 1956 sau 248 ngày lẩn trốn. Hinds khai với cảnh sát rằng tự nhớ đặc điểm của chiếc khóa cửa sắt và làm một cái.
Khi bị bắt vào tù, Hinds khởi kiện hội đồng trại giam vì bắt người trái phép. Hinds tranh thủ một lần biện hộ trước tòa để kiếm một chiếc khóa móc. Đây là công cụ đắc lực giúp Hinds trốn thoát lần hai. Lúc hai cảnh sát hộ tống Hinds vào toilet và tháo còng tay, tên này lập tức đẩy họ vào một gian phòng nhỏ rồi dùng móc khóa trái cửa lại. Hinds chuồn khỏi tòa, lẩn vào đám đông trên phố Fleet nhưng bị bắt lại sau đó 5 tiếng ở sân bay.
Hơn một năm sau, Hinds tiếp tục bỏ trốn khỏi nhà tù Chelmsford. Tên này quay trở lại Ireland và sống trong vỏ bọc là nhân viên bán xe cũ với tên mới là William Herbert Bishop. Hinds cuối cùng vẫn bị cảnh sát bắt lại khi đang lái một chiếc xe không đăng ký.
Trong thời gian lẩn trốn cảnh sát Anh, Hinds vẫn tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên các nghị sĩ trong nước cũng như các cơ quan truyền thông lớn để kêu oan. Sau này, Hinds bán lại câu chuyện đời mình cho tờ News of the World và được 40.000 USD.
Luật pháp Anh không coi vượt ngục là một tội danh nên Hinds vẫn tiếp tục gửi thư khiếu nại sau khi bị bắt lại tù. Năm 1960, Hinds muốn điều trần trước Thượng viện nhưng bị từ chối sau cuộc tranh luận 3 giờ đồng hồ. Hinds bị buộc tội và phải “bóc lịch” 6 năm trong nhà tù Parkhurst.
Năm 1964, dù đang trong tù nhưng Hinds được nhận khoản tiền “bồi thường danh dự” hơn 1.000 USD. Trước đó, một người tên Herbert Sparks gửi một loạt bài báo trên tờ London Sunday Pictorial chỉ trích lời tuyên bố vô tội của Hinds. Herbert không chứng minh được tuyên bố của mình là có cơ sở nên buộc phải bồi hoàn số tiền gây ảnh hưởng uy tín của Hinds.
Trí thông minh vượt trội của Hinds khiến việc vượt ngục "dễ như ăn kẹo".
Năm 1966, Hinds xuất bản cuốn sách của riêng mình về quá trình vượt 3 nhà ngục liên bang và những lỗ hổng trong hệ thống luật pháp Anh. Thời gian ngồi tù, Hinds nghiên cứu kĩ càng luật sở tại và chỉ ra những điều mâu thuẫn. Việc Hinds giành được 1.000 USD tiền “bồi thường nhân phẩm” càng khiến tên tuổi nổi danh.
Khi ra tù năm 1967, Hinds được mời tới tranh luận ở đại học Westminster và tới một quán bar gần đó để “nhậu”. Tranh thủ lúc Hinds ngà ngà say, 6 sinh viên bắt cóc và áp tải Hinds tới một phòng chứa trong trường đại học. Một lần nữa, Hinds lại lừa những kẻ bắt cóc mình, tống 6 sinh viên vào phòng rồi bỏ trốn.
Khi là một công dân với đầy đủ nghĩa vụ trước pháp luật, Hinds tham gia hội Mensa và là thành viên cốt cán của tổ chức này. Mensa là hội chỉ dành riêng cho những cá nhân có IQ đạt top 1% thế giới. Kiến thức về luật, 3 lần vượt ngục và vô số trải nghiệm khi lưu bạt ngoài xã hội nhanh chóng biến Hinds thành một diễn giả nổi tiếng.
Năm 1991, Hinds qua đời ở tuổi 73.
--------------------------------------
Kẻ xếp thứ 10 Mexico về độ giàu có là một tội phạm ma túy khét tiếng, nổi danh bởi khả năng vượt ngục nhiều lần của mình.
Hành trình đào tẩu của tù nhân này diễn ra như thế nào? Mời quý vị đón đọc phần tiếp theo của Những phi vụ vượt ngục khó tin: Trùm ma túy “khét” nhất thế giới đào hầm vượt ngục thế nào vào 4h ngày 5/12/2016.