Phạm Công Danh xin khắc phục hậu quả

Luật sư đề nghị làm rõ sai phạm của nhóm cổ đông chuyển nhượng cổ phần cho Phạm Công Danh vì ngân hàng đã thua lỗ trước khi bị cáo Danh tiếp quản

Ngày 29-7, tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử đại án kinh tế gây thiệt hại 9.000 tỉ đồng, xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, bị cáo Phạm Công Danh - người bị cáo buộc là chủ mưu trong vụ án - trả lời nhiều chất vấn của cơ quan công tố.

Tôi thật sự có lỗi!

Khi được hỏi về nguồn tiền mua cổ phần tại VNCB, bị cáo Phạm Công Danh khai nhận tiền do Tập đoàn Thiên Thanh bỏ ra. Thời gian này, bị cáo làm chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh, kinh doanh bất động sản, có tiền gửi trong ngân hàng. Vì vậy, ngân hàng và tập đoàn tin tưởng vào năng lực và nguồn tiền bị cáo có. Lúc ấy, VNCB ở trong tình trạng “cấp cứu đặc biệt”, bị cáo phải “rót” 2.000 tỉ đồng từ việc thế chấp bất động sản nhằm cứu vãn tình thế. Sau khi tìm hiểu thực trạng ngân hàng, cổ đông chính thức đều rút lui. Dù vậy, bị cáo vẫn quyết định mua lại VNCB vì hy vọng bất động sản sẽ “ấm” lên. Bị cáo có thể bán bất động sản (định giá vài ngàn tỉ đồng) và trang trải nợ nần. Hợp đồng chuyển nhượng VNCB là 4.620 tỉ đồng, bị cáo mới thanh toán khoảng 3.600 tỉ đồng. Số tiền này lấy từ nguồn vay nhóm bà Trần Ngọc Bích. “Tình trạng ngân hàng, nghĩa vụ thực hiện hợp đồng chuyển nhượng là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt hành vi sai phạm của bị cáo và đồng bọn. Bị cáo mong HĐXX xem xét toàn diện bối cảnh khi vụ việc xảy ra” - bị cáo Danh thành khẩn.

Phạm Công Danh xin khắc phục hậu quả - 1

Bị cáo Phạm Công Danh tại tòa Ảnh: Hoàng Triều

Đại diện VKSND TP chất vấn về việc bị cáo Danh đưa tên những người không có khả năng tài chính vào nhóm cổ đông rồi trình Ngân hàng Nhà nước. Trả lời câu hỏi trên, bị cáo Danh trình bày: “Trước tình huống này, tôi phải thế chấp tài sản cá nhân để duy trì hoạt động ngân hàng. Tôi đưa tên họ vào danh sách vì họ hậu thuẫn, tin tưởng tôi vực dậy ngân hàng. Tôi thực sự có lỗi với họ. Tôi không lường trước hậu quả nghiêm trọng như vậy”.

Truy tiền chuyển nhượng trái phép

Tiếp tục phiên xét xử, đại diện VKS đề nghị HĐXX đưa toàn bộ số tiền chuyển nhượng cổ phần VNCB vào vụ án.

Năm 2012, nhóm cổ đông Tập đoàn Thiên Thanh do Phạm Công Danh đại diện mua lại cổ phần tại VNCB (khi ấy là Ngân hàng Đại Tín - TrustBank) từ nhóm cổ đông Phú Mỹ (nhóm Phú Mỹ) do bà Hứa Thị Phấn đại diện. Khi nhóm Phú Mỹ còn làm chủ, ngân hàng có 95% tổng dư nợ nằm trên giấy nợ, vốn điều lệ âm, mất khả năng thanh khoản. Bị cáo Danh cho biết từng có ý định mua lại cổ phần VNCB từ lúc gặp Hà Văn Thắm (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương). Mọi giao dịch chuyển nhượng do Danh và Thắm thỏa thuận, bàn bạc chứ không biết bà Phấn. “Tôi đưa ông Thắm 500 tỉ đồng, đây là số tiền chăm sóc khách hàng. Khi tiếp nhận, tôi thật sự sốc trước hiện trạng ngân hàng. Ban đầu, ông Thắm đòi 1.000 tỉ đồng, sau đó hạ xuống 800 tỉ đồng và chốt lại 500 tỉ đồng... Bị cáo xin bán tài sản (dự án, bất động sản) để khắc phục hậu quả” - bị cáo Danh nói.

Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh kiến nghị ngoài nhóm cổ đồng của bà Trần Ngọc Bích, TAND Tối cao cần làm rõ sai phạm của nhóm Phú Mỹ. Theo vị luật sư này, việc chuyển nhượng TrustBank trái pháp luật nhưng chưa được điều tra làm rõ; nhóm Phú Mỹ không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ khi chuyển giao cổ phần. Bên cạnh đó, trước khi bị cáo Danh tiếp quản, VNCB đã thua lỗ…

Từng gây sốt với đại dự án

Trước khi bị bắt, ngoài chức vụ Chủ tịch HĐQT VNCB, bị cáo còn là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh. Tập đoàn Thiên Thanh thành lập từ năm 1964, tại tỉnh Quảng Ngãi. Tập đoàn sở hữu hàng chục đơn vị trực thuộc và dự án khu phức hợp Thiên Thanh Chi Lăng Plaza - Đà Nẵng. Dự án có tổng kinh phí đầu tư xây dựng 750 triệu USD; diện tích sàn hơn 1 triệu m2, dự kiến hoàn tất trong năm 2016. Ngoài ra, Phạm Công Danh từng gây sốt khi nói về đại dự án xây dựng khu phức hợp Trung tâm Thương mại vật liệu xây dựng - nội thất tại TP HCM với quy mô 500.000 m2, vốn đầu tư dự kiến ít nhất 500 triệu USD.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Di Lâm (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN