Phạm Công Danh vay tiền mẹ vợ, áy náy với bị cáo khác

Sự kiện: Tin pháp luật

Trong phiên xử, bị cáo Danh đã khóc khi có mong muốn bán lô đất 250 triệu USD để khắc phục hậu quá, giúp các bị cáo khác được giảm án.

Phạm Công Danh vay tiền mẹ vợ, áy náy với bị cáo khác - 1

Bị cáo Danh mượn tiền mẹ vợ mua nhà và cảm thấy áy náy với các bị cáo tại tòa

Trong phiên tòa xét xử gần nhất, vụ đại án 9.000 tỉ thất thoát tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), do Phạm Công Danh là chủ mưu có nhiều tình tiết mới.

Tại phiên tòa ngày 6.1.2017, Quách Thị Kim Chi (vợ bị cáo Danh) khai tại tòa: “Có ba căn nhà kê biên tại TP.HCM có từ trước khi chồng tôi bị truy cứu trách nhiệm, hơn nữa trong đó có cả tiền mẹ tôi góp vào để mua. Thời điểm chồng tôi bị bắt, cơ quan tố tụng giữ chiếc nhẫn và đồng hồ kỉ vật trị giá hơn 5 tỉ đồng. Cùng với đó, anh Danh còn bị giữ 600.000 USD khác mượn của mẹ tôi với mục đích ra Hà Nội mua nhà”. Tại tòa, Phạm Công Danh cũng thừa nhận là mượn tiền của mẹ vợ.

Trong phiên xử này Phạm Công Danh khi được luật sư hỏi về khu đất phức hợp Chi Lăng tại TP. Đà Nẵng, bị cáo đã bật khóc. Theo ông Danh, đây là lô đất khoảng trên dưới 10 triệu m2. Bị cáo cho biết, đã đền bù để giải phòng mặt bằng cho người dân hơn 3.000 tỉ. Cùng với đó, bị cáo đã đóng thuế 70 tỉ cho cơ quan chức năng để hợp thức hóa việc xây dựng dự án. Nhưng cho đến khi nguyên chủ tịch VNCB bị bắt, TP. Đà Nẵng mới chỉ bàn giao 50% mặt bằng.

Theo thẩm định giá tài sản khi bị cáo Danh mang đi thế chấp, khu đất được định giá hơn 8.000 tỉ đồng. Nhưng tại phiên sơ thẩm, 2 chứng thư thẩm định giá, cái cao nhất cũng chỉ hơn 2.600 tỉ.

Bị cáo Danh đã khóc và cho rằng, muốn được tạo điều kiện để bán lô đất này với giá cao. Từ đó khắc phục hậu quả của vụ án, giúp các bị cáo bị vướng vào lao lí vì mình được giảm nhẹ hình phạt vì hậu quả được khắc phục.

Cụ thể, khi được hỏi về khoản vay 650 tỉ (không thể thu hồi hơn 470 tỉ) của công ty Quốc Thịnh và Đại Hoàng Phương tại VNCB, bị cáo Danh cho biết muốn cơ quan chức năng thu hồi số tiền trong vụ án để khắc phục hậu quả. Đây là hai công ty vốn dĩ bị cáo Danh thành lập để làm hồ sơ vay, sau đó chuyển vào tài khoản cá nhân bị cáo để sử dụng.

Bị cáo Hoàng Đình Quyết (nguyên giám đốc chi nhánh Lam Giang), khi được hỏi nói rằng các khoản vay vừa nêu trên là… đúng quy trình, song lại thiếu báo cáo tài chính. Khi luật sư Lê Văn Nam (đoàn luật sư TP.HCM) bào chữa cho Lâm Kim Thu và Lê Khắc Thái hỏi : “Có phải đây là hai công ty của bị cáo Danh nên không cần báo cáo thuế?”. Đáp lại, bị cáo Quyết cho rằng, về mặt giấy tờ vẫn đúng quy trình, nhưng đây chính là sai phạm về cho vay. "Chỉ có điều, hai bị cáo vừa nêu không phải là “khâu” cuối cùng có quyền quyết định việc cho hai công ty Quốc Thịnh và Đại Hoàng Phương vay, mà chính là chủ tịch hội đồng tín dụng VNCB và tổ thanh tra của Ngân hàng Nhà nước", bị cáo Thái khẳng định.

Về phần mình, bị cáo Danh cho biết, cảm thấy áy náy khi vì mình mà nhiều bị cáo khác bị tù tội. Bản thân bị cáo muốn khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án, qua đó, được xem là tình tiết giảm nhẹ cho mình cũng như các bị cáo khác có kháng cáo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo K.Phong ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN