Phải kiện đòi con vì gửi nhờ nuôi 2 năm nhưng không được trả lại

Sự kiện: Tin pháp luật

HĐXX sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của bà C, buộc ông H trả lại người con nuôi cho bà C.

Hôm nay (16-8), TAND huyện Hóc Môn, TP.HCM mở phiên xử sơ thẩm vụ án tranh chấp về yêu cầu bảo vệ quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc của cha mẹ đối với con chưa thành niên giữa nguyên đơn bà C (tỉnh Lâm Đồng) với bị đơn là ông H (huyện Hóc Môn, TP.HCM).

Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: YC

Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: YC

Theo đơn khởi kiện và trình bày tại tòa, bà C khai rằng cháu T bị bỏ tại chùa từ năm 2012 nên bà nuôi dưỡng. Đến năm 2015, bà làm giấy tờ nhận cháu T là con nuôi. Năm 2018 thì bà gặp ông H (sư thầy) do ông H đến viếng sư bà (là thân mẫu của bà) tại chùa trên Lâm Đồng. Do chùa đang sửa chữa và thấy ông H cũng là người đi tu như bà nên bà tin tưởng và gửi cháu T cho ông H nuôi dưỡng hai năm. Mỗi năm bà đều đến thăm cháu.

Tuy nhiên, sau đó ông H có những cái không đúng, không đàng hoàng và còn cản trở bà thăm con nên năm 2020 bà muốn đem cháu về nhưng ông H không chịu. Bà đã làm đơn gửi đến rất nhiều nơi, yêu cầu chính quyền giải quyết nhưng được hướng dẫn bà kiện ra tòa. Bà cũng đã rút học bạ cháu về Đà Lạt một năm nay nhưng ông H vẫn giữ bé, không giao cháu cho bà.

Vì vậy, tháng 1-2023, bà C đã kiện ra tòa. Tại tòa, bà C giữ nguyên yêu cầu khởi kiện đề nghị toà buộc ông H trả lại con cho bà.

Tại tòa, ông H thừa nhận cháu T là con nuôi của bà C. Ông H cho rằng ông không cản trở bà C thăm cháu mà do cháu T sợ bị bắt về nên không chịu gặp.

Luật sư của ông H cho rằng trước khi phiên tòa diễn ra đã gửi đơn đề nghị hoãn phiên tòa để lấy ý kiến bé và giám định tinh thần của bé. Tuy nhiên, theo HĐXX đây không phải là vụ án tranh chấp quyền nuôi con của cha mẹ mà là tranh chấp về bảo vệ quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ nên không cần lấy ý kiến trẻ. Tại phần thủ tục cũng không ai có ý kiến. Vì vậy, tòa không chấp nhận yêu cầu của phía bị đơn và tiếp tục làm việc.

Luật sư của nguyên đơn cho rằng bà C là mẹ hợp pháp của cháu T, bà C chỉ gửi cho ông H để tu học chứ không hề cho ông H. Theo luật sư của bà C, hành trình đòi con của bà C rất gian khổ, đi nhiều năm và "gõ cửa" rất nhiều cơ quan...

Sau khi nghị án, HĐXX cho rằng về quan hệ nhân thân, căn cứ vào giấy khai sinh, cháu T là con nuôi của bà C, đây là quan hệ mẹ con hợp pháp được pháp luật bảo vệ.

Điều 68, 69 Luật Hôn nhân và gia đình về bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con, nghĩa vụ và quyền của cha mẹ thì việc ông H không cho bà C thăm nuôi và đưa cháu T về Đà Lạt là cản trở quyền chăm sóc, nuôi dưỡng của bà C. Do đó, HĐXX chấp nhận yêu cầu của bà C.

Về việc bà C yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc ông H giao cháu T cho bà C, theo văn bản của trường học (nơi bà C đã nhập học cho cháu T tại Lâm Đồng) thì trường sẽ bắt đầu học vào tháng 8 nên để đảm bảo quyền lợi của cháu T, HĐXX chấp nhận yêu cầu này của bà C. Theo đó, tòa buộc ông H có nghĩa vụ giao cháu T cho mẹ nuôi là bà C trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục...

Nguồn: [Link nguồn]

Hy hữu vụ thay thẩm phán phiên tòa phúc thẩm

Theo nguồn tin của Tiền Phong, TAND Cấp cao tại Hà Nội vừa quyết định thay đổi thẩm phán chủ tọa phiên tòa phúc thẩm vụ án hành chính công dân khởi kiện UBND huyện Chiêm Hóa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo YẾN CHÂU ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN