Ông trùm Tuấn "con": "Giang hồ có chữ"
Từng nổi tiếng với những vụ thanh toán đẫm máu trong giang hồ, ít ai ngờ được, ông “trùm” đâm thuê chém mướn lại có hai tấm bằng đại học.
Trước khi vào trại giam Ba Sao – Nam Hà để viết bài, tôi cứ ngỡ "sát thủ" Tuấn “con” (Nguyễn Anh Tuấn) phải là người bặm trợn, kiêu hùng. Ai ngờ được Tuấn "con" lại có dáng vẻ rất thư sinh, nhã nhặn. Khi cán bộ trại giam đưa Tuấn đến trước cửa phòng khách, vừa nhìn thấy người trong phòng hắn đã mỉm cười, khoanh tay lễ phép: "Chào cán bộ". Tôi không thể tưởng tượng được đây từng là "trùm" giang hồ có cả vài trăm "đệ ruột" ở khắp hai miền. Hắn nổi tiếng trong những vụ thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm xã hội đen rúng động dư luận một thời.
"Giang hồ có chữ"
Khác với các “ông trùm” đệ nhất giang hồ Hà thành như Khánh “trắng”, Hải "bánh", Hải "quắn”…, Tuấn "con" sáng sủa, bảnh bao, ăn nói có vẻ hùng biện hơn. Thế nên Tuấn “con” được các băng nhóm khác đặt cho biệt danh "Giang hồ có chữ". Trong hồ sơ của Tuấn khi đó có ghi, hắn từng tốt nghiệp hai trường đại học và đang là cử nhân kinh tế K37 trường Đại học Tổng hợp.
Được biết, từ khi còn là một cậu bé sinh hoạt ở Cung Thiếu nhi Hà Nội, Tuấn được Trà "hinh" (Trần Đức Trà), một trùm giang hồ kiêm võ sư thu nhận làm môn đệ. Để nuôi dưỡng Tuấn, Trà truyền cho đệ tử những “bí kíp” của nghề đâm chém. Năm 1996, sau khi tốt nghiệp đại học, Tuấn rời Hà Nội vào TP.HCM theo đàn anh Trà “hinh” “lập nghiệp”. Cuối những năm 1990, ba băng nhóm do các "ông trùm" đất Bắc cầm đầu là Trà “hinh”, Ánh “Thiệp" (tức Đỗ Công Ánh) và Thắng “chập" (nhân vật từng không chịu thúc thủ trước ông trùm Năm Cam) với hàng chục tay anh chị gốc Bắc đã gây ra một loạt vụ thanh toán nhau do những mâu thuẫn tranh giành đất làm ăn. Thời điểm đó, Tuấn "con" được "sư phụ" Trà “hinh” giao cho cai quản cả băng nhóm.
Khi nói chuyện với chúng tôi tại trại giam, Tuấn luôn cúi gằm mặt xuống bàn. Ánh mắt đượm buồn của hắn tỏ vẻ hối hận khi nhắc lại những ngày tháng chìm trong chuỗi sai lầm và tội ác. Tuấn kể, năm 1997, hắn liên quan đến vụ chém trọng thương ba người tại quán karaoke 197 Mai Dịch, Hà Nội. Tuy không trực tiếp ra tay nhưng những kẻ gây án lại là đàn em của Tuấn. Vụ này, Tuấn được Dũng Palestin (một đàn em của Tin Palestin, đối tượng từng gây ra một loạt các vụ án hình sự ở Nha Trang, Khánh Hòa) nhờ vả nên đã bình an vô sự. Đó chính là vết trượt ngã đầu đời của tên sát thủ.
Từ trước đến nay, trong giang hồ, triết lý sống luôn sặc mùi bạo lực luôn được đặt lên hàng đầu: “Hễ đụng là phải chạm, chạm là phải nổ”. Điển hình cho thứ “triết lý” này chính là việc Tuấn “con” đã thanh toán Thắng "chập", một cao thủ trong giới giang hồ. Tuấn kể, mâu thuẫn bắt đầu khi một người bạn kiến trúc sư ở Sài Gòn của hắn bị Thắng "chập" loè cờ bạc bịp, vét cháy túi. Nghe tin bạn bị chơi đểu, "Tuấn con" và các đệ tử đã lên kế hoạch phải giết bằng được "Thắng chập" để rửa hận.
Trong một thời gian dài, Tuấn "con" cùng ba đàn em mang theo kiếm tự chế và dao bầu, giấu trong túi đựng vợt tennis mật phục bên ngoài các sòng bạc của Năm Cam nhưng không gặp đối thủ. Tối 12/9/2000, nhận được tin của đàn em báo Thắng "chập" đang ở ga Hòa Hưng, Tuấn lệnh cho các đàn em cùng đi tính sổ. Khi gặp Thắng "chập" ở khu vực đường Bình Giã, một đàn em của Tuấn xông tới chém hai nhát vào đầu Thắng. Trong khi đó, Tuấn rút súng K54 ra nhắm vào người Thắng bắn liên tiếp. Được biết, sau vụ thanh toán Thắng "chập", băng nhóm của Tuấn "con" còn gây ra vụ cướp 270 triệu đồng trên đường Cao Thắng (phường 5, quận 3, TP.HCM) vào ngày 12/5/2001. Trong vụ này, Tuấn "con" cũng sử dụng súng bắn chặn, khống chế người nạn nhân để đàn em tẩu thoát.
Ngày 22/8/2001, Tuấn “con” được “đặt hàng” đánh dằn mặt anh Đặng Vũ Thắng (kế toán tại Thảo Cầm Viên, TP.HCM). Ngay lập tức, hắn cùng đệ tử Toàn “sáu ngón” (tức Đỗ Công Toàn) và hai đệ tử nữa đã chém chết anh Thắng tại góc đường Nguyễn Du - Cách Mạng Tháng Tám. Khi bị bắt, Tuấn khai, do đệ tử quá tay nên nạn nhân mới tử vong chứ không cố ý giết. Sau khi gây ra vụ chém giết này, Tuấn “con” đã bị bắt giữ.
Sai lầm từ mối “lương duyên”
Ngày 2/2/2005, Nguyễn Anh Tuấn, tức Tuấn "con", đã bị TAND TP.HCM tuyên phạt án tử hình, tổng hợp từ 4 tội: "Giết người", "Cướp tài sản", "Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng" và "Đánh bạc". Sau đó, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM giữ nguyên mức án sơ thẩm. Ngay sau khi bản án có hiệu lực, Tuấn "con" được đưa vào phòng biệt giam. Cánh cửa tù khép lại đồng nghĩa với cuộc đời giang hồ của hắn cũng chấm hết.
Nói chuyện với chúng, sát thủ ngày nào mắt đỏ hoe kể lại: "Chỉ những ai đứng cận kề cái chết mới thấy quý sự sống hơn bao giờ hết". Trong sự khắc khoải, đợi chờ, Tuấn tập đếm thời gian bằng những ánh nắng hiếm hoi lọt qua khe cửa phòng biệt giam. Đêm đêm nằm chong mắt, áp tai vào nền xi măng buốt lạnh để nghe tiếng chân bước... Trong những đêm dài không ngủ ấy, Tuấn còn đếm được có bao nhiêu tử tù đi thi hành án. Tuấn bảo, nhớ lại những tiếng chào nhau nghẹn ngào của tử tù nên hy vọng được sống bỗng dâng trào mãnh liệt và hắn đã viết thư gửi Chủ tịch nước xin ân xá.
Trong lá đơn gửi Chủ tịch nước xin giảm án tử hình, Tuấn "con" đã cầu nguyện và sám hối. Từng nét bút, con chữ của hắn chở biết bao hy vọng. Sau khi lá thư được cán bộ quản lý trại giam xác nhận và gửi đi, ngày nào Tuấn cũng hồi hộp, thấp thỏm với hy vọng sẽ nhận được sự ân giảm. Thế rồi ngày đó cũng đã tới. "Đó là ngày đặc biệt của em, ngày 18/3/2006. Cuộc đời em như được tái sinh thêm một lần nữa, khi nghe giám thị đọc quyết định ân giảm của Chủ tịch nước từ án tử hình xuống chung thân. Em đã ôm mặt khóc rống lên như một đứa trẻ”, Tuấn cho biết.
Lật hồ sơ phạm tội dày cả gang tay tại phòng hồ sơ Trại giam Ba Sao, nơi Tuấn đang thụ án, chúng tôi mới biết tuổi thật của hắn. Tuấn sinh năm 1975 tại Hà Đông (Hà Tây cũ) trong một gia đình trí thức mà cả bố và mẹ là cán bộ, giáo sư tiến sỹ đầu ngành y. Lên 7 tuổi, Tuấn được cha mẹ cho đi học đàn piano và học vẽ ở Cung Thiếu nhi Hà Nội. Thuở ấy, sau mỗi giờ tan học, Tuấn ra cổng trường đợi bố đến đón. Từ đó, Tuấn đã quen Trà “hinh” - một trùm xã hội đen mà sau này đã di cư vào TP.HCM "cát cứ". Trà vốn là một võ sư, thấy Tuấn bé nhỏ, ngoan ngoãn nên đã dạy cho cậu bé những ngón võ để khỏi bị bạn bè bắt nạt. Đối với Tuấn, Trà vừa là thầy dạy võ, vừa là ông anh kết nghĩa thân thiết. Đến bây giờ, ngồi ngẫm nghĩ lại,Tuấn cũng không thể ngờ, chính mối "lương duyên" từ thuở niên thiếu đã khiến cuộc đời Tuấn rẽ sang ngả khác. Bạn bè, thầy cô không ai có thể ngờ rằng Nguyễn Anh Tuấn - cậu học trò cưng có năng khiếu âm nhạc nay trở thành một trùm giang hồ khét tiếng. Thậm chí, khi đã vào đất Sài Gòn, tập hợp được hàng trăm đàn em từ Nam chí Bắc nhưng trong những buổi họp lớp (cả phổ thông lẫn đại học)Tuấn vẫn tham dự đầy đủ.
Theo các cán bộ trại giam, những tháng ngày trong trại, điều khiến Tuấn "con" luôn đau đáu trong lòng là chưa tròn chữ hiếu. Không những vậy, hắn khóc vì mình đã cho mọi người, vì vậỵ bôi nhọ làm hoen ố truyền thống của một dòng họ, một gia đình trí thức Hà Nội. Chào chúng tôi để đi vào phòng giam, gã nhoẻn cười cố giấu nước mắt: "Cuộc đời em là một bài học nên tránh xa cho những ai muốn "đầu gấu đầu mèo". Rồ dại giang hồ để làm gì hả anh? Kết cục là gia đình, vợ con phải tủi hổ, mình bị người đời mỉa mai".
Mang án chung thân vẫn có nàng “xin chết” Trước khi phải đền tội, Tuấn đã có hai vợ. Một ở Hà Nội và một vợ bé ở TP.HCM. Nhắc lại chuyện này Tuấn kể lại, cách đây hơn chục năm, Tuấn bị di lý vào trại giam Pleiku (Gia Lai). Nơi rừng thiêng, nước độc nhưng có một người đàn bà "không xinh và chẳng đẹp nhưng giàu tri thức" (nay là một bác sỹ đang công tác tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội) đã cơm đùm, cơm nắm, ròng rã suốt năm trời, vượt cả chặng đường dài vào thăm nuôi cho hắn. Mỗi lần gặp, Tuấn đều bật khóc vì mặt mũi người đàn bà đó xanh xao, hốc hác vì phải đánh vật với những chuyến xe. Và trong một lần gặp gỡ, khi Tuấn được cán bộ quản giáo cho phép gặp mặt người yêu trong “căn buồng hạnh phúc”. Sau này, trong cái lần hiếm hoi đó, người phụ nữ đó đã mang giọt máu của hắn. Biết tin người yêu có thai, Tuấn nhắn người đàn bà đó đặt tên cho con gắn liền với địa danh Pleiku. Đứa con này sẽ là kỷ niệm của một cuộc tình "trèo đèo lội suối". |