"Ông trùm" tại TP HCM mua bán hoá đơn gần 64.000 tỉ đồng
Cơ quan tố tụng cáo buộc Nguyễn Minh Tú (TP HCM) đã cầm đầu đường dây mua bán hoá đơn lớn nhất từ trước tới nay, số tiền ghi trên hoá đơn mua bán lên đến gần 64.000 tỉ đồng
Sáng 19-12, TAND tỉnh Phú Thọ đã mở phiên tòa xét xử 100 bị cáo, liên quan đến vụ án mua bán hóa đơn lớn nhất từ trước tới nay với số tiền lên tới gần 64.000 tỉ đồng. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 10 ngày do Thẩm phán Nguyễn Hà Giang, Chánh tòa Hình sự, TAND tỉnh Phú Thọ, làm chủ toạ.
Các bị cáo tại phiên toà sảng nay 19-12
Trong số 100 bị cáo bị đưa ra xét xử tại phiên tòa có 30 người bị truy tố tội "Trốn thuế"; 68 bị cáo bị truy tố tội "Mua bán trái phép hóa đơn"; 2 bị cáo bị xét xử cùng lúc về các tội "Mua bán trái phép hóa đơn", "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" và "Trốn thuế".
Đáng chú ý, có tới 68 bị cáo trong vụ án trước khi bị khởi tố là tổng giám đốc, giám đốc các công ty; hàng chục bị cáo là phó giám đốc, kế toán. Số còn lại là nhân viên và lao động, kinh doanh tự do.
Theo hồ sơ vụ án, qua công tác nắm tình hình các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế trên địa bàn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện Nguyễn Thúy Hạnh (SN 1980, trú tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) là Giám đốc Công ty cổ phần Nam Sơn Vic (địa chỉ tại thị xã Phú Thọ) đã mua 31 hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khống với tổng giá trị hàng hóa là 8,7 tỉ đồng.
Mở rộng điều tra, cơ quan tố tụng xác định lợi dụng quy định đăng ký kinh doanh và chuyển nhượng doanh nghiệp được phép thực hiện qua mạng, trong thời gian từ tháng 12-2020 đến tháng 10-2022, Nguyễn Minh Tú (SN 1992, trú tại TP Thủ Đức, TP HCM) đã thông qua Nguyễn Thị Huế (SN 1988, trú tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) và 2 cá nhân khác để mua 646 doanh nghiệp.
Sau đó, thông qua mạng xã hội "Facebook", "Zalo" và các hội nhóm trên mạng Internet, Tú thiết lập mạng lưới 73 đối tượng trung gian (F1, F2…) để bán hóa đơn GTGT cho các đơn vị có nhu cầu trên địa bàn cả nước, nhằm hưởng lợi bất chính.
Để che giấu việc bán hóa đơn trái phép, Tú đã thuê Nguyễn Thị Huế với giá từ 1 đến 2 triệu đồng để người phụ nữ "tự kê", "khai khống" doanh số mua vào (thực tế không có hóa đơn đầu vào); khai giảm doanh số hóa đơn bán ra của các công ty bán hóa đơn trên tờ khai thuế điện tử tại các kỳ quyết toán thuế.
Thêm vào đó, để hợp thức thủ tục thanh toán qua ngân hàng cho các hóa đơn GTGT đã bán, Tú mua 6 công ty tài chính gồm: Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính Quốc Hùng, Công ty TNHH Tư vấn tài chính Viết Thanh, Công ty TNHH Dịch vụ tài chính Vương Phát, Công ty TNHH Dịch vụ tài chính Trần Khoa, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải nhiên liệu Trí Tài và Công ty Tài chính Hùng Cường, giao cho Võ Tấn Lộc (SN 1997, trú tại TP HCM) quản lý và thực hiện hợp thức thủ tục thanh toán.
Kết quả điều tra xác định từ tháng 12-2020 đến tháng 10-2022, Tú và đồng phạm đã bán trái phép hơn 1 triệu hóa đơn GTGT cho 88.053 đơn vị, tổ chức với tổng doanh số là gần 64.000 tỉ đồng. Từ những thủ đoạn nêu trên, Tú hưởng lợi hơn 294 tỉ đồng. Số tiền này, Tú đã chia cho Võ Tấn Lộc hơn 12 tỉ đồng; trả cho Nguyễn Thị Huế hơn 31,6 tỉ đồng tiền "mua" doanh nghiệp và thuê làm các thủ tục kê khai hóa đơn.
Ngoài ra, đối với các hóa đơn đã xuất bán mà mặt hàng cần điều kiện phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc như đất, cát, sỏi, gỗ, xăng dầu, thực phẩm…, Nguyễn Minh Tú thông qua mạng Internet tìm kiếm và đặt mua 32 con dấu giả của các cơ quan có thẩm quyền (UBND các tỉnh, các sở, ngành và cơ quan đăng kiểm, kiểm định, công chứng).
Sau đó, Tú sử dụng các con dấu để tạo dựng "khống" các bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa ghi trên các hóa đơn, rồi chuyển lại cho doanh nghiệp mua hóa đơn sử dụng để thanh, quyết toán với cơ quan thuế.
Ngày 20/11, Công an tỉnh Trà Vinh cho biết, Cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Giáp Thị Mỹ Hạnh (SN 1982, ngụ thị trấn Càng Long, huyện Càng Long) điều tra về hành vi...
Nguồn: [Link nguồn]