Ông Trần Bắc Hà xin vắng mặt ở phiên xử Trầm Bê vì ung thư gan

Ông Trần Bắc Hà đã gửi hồ sơ bệnh án bị ung thư gan đến TAND TP HCM kèm theo đơn xin vắng mặt.

Trong phiên xử vụ đại án Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng Sacombank) chiều 9-1, chủ tọa phiên tòa thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM) thông báo vừa nhận được đơn xin vắng mặt của ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, Trưởng Phân ban Rủi ro Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam- BIDV)  vì sức khỏe kém, kèm theo bệnh án đang điều trị bệnh ung thư gan.

Ông Trần Bắc Hà xin vắng mặt ở phiên xử Trầm Bê vì ung thư gan - 1

Ông Trần Bắc Hà

Ngoài ông Hà, một số người liên quan nguyên là lãnh đạo các ngân hàng cũng có đơn xin vắng mặt tại tòa vì lý do sức khỏe.

Cũng như ông Hà, những người này xin giữ nguyên tất cả lời khai báo tại cơ quan điều tra và được HĐXX chấp nhận.

HĐXX thông tin đã nhận được kiến nghị của luật sư bà Hứa Thị Phấn (cựu lãnh đạo Ngân hàng Trustbank) xin vắng mặt tại phiên tòa này vì không đủ sức khỏe để tham dự. 

Theo kết quả giám định của Hội đồng giám định sức khỏe, sức khỏe bà Phấn hiện rất yếu.

Ngoài những người đã được chấp nhận vắng mặt, thẩm phán Phạm Lương Toản thông báo đã ký giấy triệu tập lại những người vắng mặt không lý do.

Theo luật sư Huỳnh Công Thư (Đoàn Luật sư tỉnh Long An), ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, Trưởng Phân ban Rủi ro Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam- BIDV) được TAND TP HCM xác định tư cách tham gia tố tụng trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng. Tuy nhiên, ông Trần Bắc Hà đã không có mặt theo giấy triệu tập của tòa án. Theo qui định tại Điều 65 Bộ Luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 (có hiệu lực từ ngày 01-01-2018) thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự. 

Ông Trần Bắc Hà xin vắng mặt ở phiên xử Trầm Bê vì ung thư gan - 2

Ông Trần Bắc Hà

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện của họ có quyền: Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại điều này; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật; tham gia phiên tòa; phát biểu ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi những người tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa; tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; kháng cáo bản án, quyết định của tòa án về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; các quyền khác theo quy định của pháp luật

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có nghĩa vụ: Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình; chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. 

Điều luật chỉ quy định người có quyền và nghĩa vụ liên quan có nghĩa vụ có mặt tại phiên tòa mà không quy định các chế tài là nếu vắng mặt thì có thể bị dẫn giải, sự vắng mặt của họ càng không phải là lý do để hoãn phiên tòa. 

Do vậy, nếu chỉ với tư cách là người liên quan trong vụ án, ông Trần Bắc Hà có thể vắng mặt mà không ảnh hưởng đến việc xét xử của tòa án và không bị dẫn giải. 

Tuy nhiên, với tư cách là nhân chứng, ông Trần Bắc Hà không thể vắng mặt. Điều 66 BLTTHS quy định người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.

Người làm chứng có nghĩa vụ: có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải; trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó. 

Đồng thời, Điều 293 BLTTHS quy định về sự có mặt của người làm chứng. Theo đó, người làm chứng tham gia phiên tòa để làm sáng tỏ những tình tiết của vụ án. Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai đó. 

Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án vắng mặt thì tùy trường hợp, hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử. Trường hợp người làm chứng được tòa án triệu tập nhưng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì hội đồng xét xử có thể quyết định dẫn giải theo quy định của bộ luật này.

Như vậy, nếu ông Trần Bắc Hà vắng mặt và đã có lời khai trước đó tại cơ quan điều tra hoặc vì lí do bất khả kháng như ốm đau hoặc đang nằm viện có giấy xác nhận của cơ sở y tế thì tòa án có thể xét xử vắng mặt ông. 

Nhưng nếu ông cố ý vắng mặt không có lí do chính đáng hoặc việc vắng mặt gây trở ngại cho việc xét xử thì HĐXX sẽ quyết định dẫn giải ông ra tòa để tiến hành xét xử vụ án.

Ông Trần Bắc Hà ”bị bệnh”, mời gấp luật sư

Một nguồn tin thân cận của Báo Người Lao Động xác nhận với phóng viên rằng ông Trần Bắc Hà đang bị bệnh và nằm điều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Dũng (Người lao động)
Ung thư gan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN