Ôm "trái đắng" tiền tỷ khi đầu tư, gửi tiết kiệm qua app
Tham gia đầu tư, gửi tiết kiệm qua app trên mạng với hy vọng kiếm lời, nhiều người dân ở TPHCM phải ôm "trái đắng" vì bị mất tiền tỷ và phải gửi đơn cầu cứu cơ quan công an.
Ngày 28/2, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TPHCM đã tiếp nhận đơn tố giác của 7 người dân về việc bị chiếm đoạt gần 4,5 tỷ đồng khi tham gia đầu tư, gửi tiết kiệm qua app Easy Tuor N.
Đầu tư, gửi tiết kiệm qua app để kiếm lời
Chia sẻ với phóng viên, ông N.V.Đ (54 tuổi, ngụ quận 7) cho biết, khoảng tháng 10/2023, ông biết bà P.T.L.D (41 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè) thông qua mối quan hệ bạn bè, người thân.
Ông Đ. kể lại sự việc tham gia đầu tư, gửi tiết kiệm trên app Easy Tour N và bị mất tiền. Ảnh: Hoàng Thuận.
Sau đó, bà D. mời ông đăng nhập vào app có tên Easy Tuor N theo đường link easytour-vietnam.com để đầu tư các gói dự án và gửi tiết kiệm. Do thấy app này của một công ty có uy tín và có lợi nhuận nên ông Đ. đồng ý và được bà D. đưa vào nhóm Zalo do bà làm trưởng nhóm, ông H.N làm phó nhóm.
Theo ông Đ, nhóm này có khoảng 250 người và mỗi người được cấp một tài khoản trên app Easy Tuor N. Nếu muốn mua các gói đầu tư hoặc gửi tiết kiệm, người dân phải nộp tiền vào để thực hiện các giao dịch.
Tiền lợi nhuận sẽ được chuyển về tài khoản trên app Easy Tuor N và người dân muốn rút thì phải liên kết với tài khoản ngân hàng.
Hàng ngày, bà D. và ông N. vào nhóm Zalo kêu gọi mọi người mua các gói đầu tư có thời hạn từ 8 giờ đến 720 ngày với nhiều mức lãi suất từ 15%-20% và tùy theo gói sẽ trả lãi theo từng giờ, từng ngày, từng tuần.
“Lúc đầu, tôi tham gia đầu tư gói 10 triệu đồng và được thanh toán tiền lãi đúng hạn nên tiếp tục mua các gói với số tiền cao hơn. Cuối tháng 12/2023, mọi người không thể vào app để giao dịch và tất cả đều bị mất tiền, riêng tôi không thể lấy lại hơn 360 triệu đồng", ông Đ. bức xúc và cho biết, đây là số tiền ông tích cóp, vay mượn từ người thân để đầu tư.
Các thông số thể hiện việc đầu tư, thu nhập lãi và tỷ lệ lợi nhuận. Ảnh: Người dân cung cấp.
Bà B.T.P (47 tuổi, ngụ quận 7) cho biết, các gói đầu tư 8 giờ, thời gian ngắn thì số tiền dao động từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng và được trả lãi đúng hẹn nên mọi người tin tưởng. Vì thế, bà tiếp tục đầu tư số tiền lớn hơn và kêu gọi người thân cùng tham gia.
“Tôi bị lừa hơn 2,2 tỷ đồng. Số tiền này gồm tiền lương, tiền tích lũy, vay nóng. Giờ tôi mong sao cơ quan chức năng sớm vào cuộc để tôi có thể lấy lại số tiền đã mất và cảnh báo cho người dân muốn đầu tư”, bà P. nói.
Còn bà L.T.Q (38 tuổi, ngụ quận 7) tham gia với mục đích làm nhiệm vụ giới thiệu thành viên để nhận chiết khấu 150 đến 200 nghìn đồng/người. Giữa tháng 11/2023, bà Q. thấy mọi người đầu tư đều có lợi nhuận nên nạp tiền vào để tham gia và nhận lợi nhuận được khoảng 10 triệu đồng.
Hơn 2 tháng tham gia, bà Q bị mất gần 240 triệu đồng. Ảnh: Hoàng Thuận.
Đến giữa tháng 12/2023, bà Q. lấy tiền tiết kiệm, vay mượn thêm từ người thân để tham gia gói có thời hạn đến ngày 8/1/2024. Tuy nhiên, ngày 31/12/2024, app bị sập nên bà Q. bị mất gần 240 triệu đồng.
Biết không thể lấy lại được tiền, nhóm của ông Đ. làm đơn tố giác bà D. và ông H.N.
Người bị tố nói cũng là bị hại
Chiều 28/2, trao đổi qua điện thoại bà D. xác nhận với phóng viên Báo Tiền Phong, bà là người trong đơn tố giác mà nhóm ông Đ. gửi đến cơ quan công an. Bà D. cho rằng, bà cũng là bị hại vì bị mất vài trăm triệu đồng khi tham gia đầu tư trên app Easy Tuor N.
Giao diện của app Easy Tour N. Ảnh: Người dân cung cấp.
Theo bà D., thông qua các mối quan hệ, khoảng tháng 4/2023, bà đầu tư, gửi tiết kiệm vào app trên và thấy có lợi nhuận nên chia sẻ cho bạn bè để họ kiếm ít tiền. Tuy nhiên, bà D. và một số người tham gia không kìm chế được lòng tham và không biết điểm dừng nên mới bị “sập bẫy” với số tiền lớn.
“Mọi người thấy có lợi nên tham gia đầu tư chứ tôi không phải là người trực tiếp mời và không phải là người trực tiếp lấy tiền từ ông Đ. hay bà P. Có lợi nhuận thì họ nhận hết chứ không chia cho tôi nên khi app bị sập không có lý do gì để kiện”, bà D. nói. Bà D. lý giải, nếu bà là người lường gạt thì đã bỏ trốn từ lâu, phóng viên cũng không thể liên lạc được.
Người dân được trả lợi nhuận hơn 131 nghìn đồng nếu đầu tư 1 triệu đồng với kỳ hạn 14 ngày. Ảnh: Hoàng Thuận.
Sau khi app bị sập, bà D. không thể liên lạc với ông H.N và cho rằng bản thân mắc sai lầm khi không tìm hiểu kỹ thông tin về người này trước khi đầu tư. Bên cạnh đó, bà D. cùng nhiều người khác làm đơn cầu cứu gửi ra cơ quan chức năng ở Hà Nội nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả phản hồi.
Vụ việc đang được cơ quan công an điều tra, xử lý.
Chị Thanh Huyền, chủ cửa hàng giò chả ở Bắc Ninh, chưa kịp mừng vì cuối năm nhận đơn hàng chục triệu liên hoan "doanh trại" thì nhận ra mình bị những kẻ giả danh quân nhân gài bẫy.
Nguồn: [Link nguồn]