Núp bóng “cậu đồng”, lừa đảo, chiếm đoạt 2,3 tỷ đồng

Ngày 7/4, Công an huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình cho biết đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng Nguyễn Như Hải, SN 1997, trú tại xã Phong Châu, huyện Đông Hưng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 2,3 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 26/3, Công an huyện Đông Hưng tiếp nhận đơn của chị H, trú trên địa bàn với nội dung tố giác Nguyễn Như Hải, SN 1997, trú tại xã Phong Châu, huyện Đông Hưng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của chị H. Sau khi tiếp nhận đơn tố giác, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Hưng đã tiến hành điều tra, xác minh và triệu tập Nguyễn Như Hải để làm rõ. 

Đối tượng Nguyễn Như Hải tại Cơ quan điều tra. Ảnh: Bùi Thành.

Đối tượng Nguyễn Như Hải tại Cơ quan điều tra. Ảnh: Bùi Thành.

Tại Cơ quan Công an, Nguyễn Như Hải đã khai nhận bản thân là thầy bói, có quen biết với chị H từ lâu. Lợi dụng lòng tin của chị H, Hải đã viện lý do làm việc tâm linh, đầu tư xây dựng chùa Cao Hải để vay tiền. 

Theo đơn chị H trình báo, từ đầu năm 2018 đến nay, Hải đã vay tổng số tiền gốc và lãi là 8 tỷ đồng, việc vay mượn giữa hai bên không có giấy tờ mà chỉ thoả thuận bằng lời nói. Quá trình điều tra bước đầu, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Hưng đã chứng minh số tiền đối tượng Nguyễn Như Hải chiếm đoạt của chị H là 2,3 tỷ đồng.

Căn cứ tài liệu điều tra xác định hành vi trên của Nguyễn Như Hải đã cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Khoản 4, Điều 174, Bộ luật Hình sự, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Hưng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Như Hải về  tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Qua vụ án trên, Công an tỉnh Thái Bình khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo. Cho vay tiền là giao dịch dân sự trong đời sống xã hội, tuy nhiên đây cũng là giao dịch ẩn chứa nhiều rủi ro. 

Vì vậy, khi cho vay tiền, cần phải làm giấy vay tiền vì giấy vay tiền được xem như một hợp đồng ràng buộc quyền và nghĩa vụ của hai bên. Để hợp đồng vay tiền có hiệu lực pháp lý, các bên phải đáp ứng điều kiện như: có năng lực trách nhiệm dân sự phù hợp; hoàn toàn tự nguyện thực hiện giao dịch cho vay; mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm các quy định của pháp luật; hợp đồng vay tiền cần có nội dung rõ ràng về thông tin người vay, người cho vay, số tiền vay, lãi suất, thời hạn trả, có đầy đủ chữ ký của hai bên và của người làm chứng hoặc cơ quan có thẩm quyền.

Trước khi cho người khác vay tiền phải tìm hiểu kỹ về nhân thân, mục đích vay và điều kiện khả năng trả nợ của người vay; tránh việc nhẹ dạ, cả tin hoặc vì lý do mê tín dị đoan, ham lợi; nếu cho vay với lãi suất cao là hành vi vi phạm pháp luật.  Khi phát hiện cá nhân, tổ chức nghi là cho vay lãi nặng, người dân nên thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Cảnh báo nhóm người giả nhân viên y tế chống Covid-19 để lừa đảo

Công an thành phố Lạng Sơn vừa ban hành công văn số 16/CATP-HS cảnh báo và đề nghị các cấp, các ngành và nhân dân cảnh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Hưng ([Tên nguồn])
Những chiêu trò lừa đảo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN