Nước mắt người cha của tử tù

“Tôi phải đi đến đâu để cầu xin cho con được thoát án tử? Nó là đứa trẻ sinh ra đã không được bình thường...”- người cha của tử tù nghẹn ngào

Án tuyên xong, hai cha con gục ngã bên sân tòa, họ gào khóc gọi tên con trai - em trai trong vô vọng. Niềm hy vọng duy nhất giúp họ đủ sức đón xe về Hà Nội đó là “viết thư xin Chủ tịch nước ân giảm án tử”.

Giết người, cướp tài sản

Phiên tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM chiều 19/9 khép lại với bản án tử hình dành cho Hà Văn Thắng (24 tuổi, ngụ tỉnh Phú Thọ) với tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản”.

Tháng 1/2011, Thắng cùng Phạm Huy Thọ, Nguyễn Phan Thành rủ nhau uống rượu. Anh Thọ mời Thắng và Thành uống rượu bằng ly lớn nhưng cả hai từ chối vì không uống được nhiều. Thọ lớn tiếng chửi, dùng tay đánh Thành. Sau khi Thành và Thắng bỏ vào quán, Thọ đứng bên ngoài tiếp tục chửi. Tức giận, Thắng cầm dao chém Thọ, gây thương tích hơn 65%.

Sau khi gây án, Thắng bỏ trốn sang Trung Quốc. Tháng 3/2011, Thắng quay về Việt Nam, vào TPHCM làm nhân viên phục vụ tại quán karaoke. Tại đây, Thắng chơi thân với anh Bùi Anh Đức - nhân viên của quán. Biết Thắng có thời gian ở Hà Nội, Đức rủ Thắng ra Hà Nội làm ăn.

Ngày 16/3/2011, Đức chở Thắng về phòng trọ chuẩn bị đồ đạc, Thắng đưa Đức 1,5 triệu đồng mua vé tàu nhưng sau 1 giờ ra ngoài, Đức nói không mua được vé tàu và cũng đã xài hết tiền. Tức giận, Thắng lấy dao đâm Đức tử vong rồi lấy bóp tiền, xe máy của Đức đón xe đi Hà Nội. Tháng 4/2012, Thắng bị Công an Hà Nội bắt theo lệnh truy nã.

“Tôi phải làm sao để cứu con?”

Tại phiên tòa phúc thẩm, Thắng không trả lời bất cứ câu hỏi nào của HĐXX mặc cho chủ tọa nhiều lần nhắc nhở. Đến khi HĐXX cho bị cáo nói lời sau cùng trước khi nghị án, Thắng vẫn câm lặng. Thấy con như vậy, cha Thắng bật khóc, xin được nói vài lời thay con: “Xin HĐXX xem xét giảm án cho con tôi, nó không được bình thường…”. Tuy nhiên, lời thỉnh cầu của ông đã bị HĐXX bác bỏ do không có bất cứ giấy tờ nào của cơ sở y tế chứng minh bị cáo có vấn đề về thần kinh, không thể xem xét để giảm nhẹ hoặc cho bị cáo đi chữa bệnh.

Ngồi bệt ở sân tòa, ông Hà Văn Nghiệp, cha của Thắng, bặm chặt môi, cố nuốt những giọt nước mắt vào lòng. “Gia đình tôi ở vùng quê nghèo thuộc xã Thọ Văn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Năm 1988, vợ tôi mang song thai, lúc thai được hơn 3 tháng, bà bị sốt rét nặng, phải tiêm thuốc cắt sốt rét.

May mắn, bà vẫn giữ được thai, tuy nhiên, đến tháng thứ 8, một thai chết lưu, Thắng sinh non, quấn trong chiếc chăn bông cân hết được 0,7 kg. Tôi tưởng nó không sống nổi, ai ngờ trời thương...” - ông kể cho chúng tôi nghe trong tiếng nấc nghẹn ngào.

Thắng lớn lên dù hình hài trọn vẹn nhưng tính tình không như những đứa trẻ khác. Thắng lầm lì, ít nói, sống khép kín, trí tuệ chậm phát triển hơn những đứa trẻ cùng lứa. Thắng hầu như không chơi với bất kỳ một người bạn nào và rất sợ đi học. “Năm 1993, vợ tôi sinh tiếp một cháu trai. Cũng năm đó, chúng tôi bị lừa gạt đến vỡ nợ, gia đình lục đục, con cái cũng tan đàn xẻ nghé mất hơn một năm mới hàn gắn được.

Thời điểm ấy Thắng càng lầm lì, ít nói. Hàng xóm khuyên vợ chồng tôi đưa con đi kiểm tra sức khỏe nhưng vì mải lo ổn định lại gia đình sau bao biến cố, chúng tôi cứ lần lữa mãi...” - ông Nghiệp quệt nước mắt kể tiếp.

Theo lời ông Nghiệp, Thắng học xong lớp 6 hệ xóa mù chữ thì nghỉ học. Ở nhà, càng lúc Thắng càng dễ trở nên cáu giận vô lối. Thắng từng đánh cả mẹ và chị vì không hài lòng khi bị mắng dù bình thường Thắng rất yêu mẹ và chị. Tức giận điều gì, Thắng mang dao trút giận lên cả trâu, bò của hàng xóm khi chúng vô tình đi ngang qua để rồi bình tĩnh lại, Thắng lại tỏ ra sợ hãi, rối rít xin lỗi...

Đang trò chuyện với chúng tôi, nghe tiếng ồn ào, ông vội ngó qua cửa sắt của tòa án để tìm bóng dáng con: “Tội con tôi gây ra có phần bỏ bê của đấng sinh thành, do mải mê lo sinh kế, không chữa bệnh cho con nên ra nông nỗi... Người ta nói nó bị tự kỷ, tôi cũng không biết tự kỷ là cái gì, ở quê tôi chưa nghe bệnh đó bao giờ. Tôi phải làm sao để cứu con trai...?” - ông nói trong nước mắt.

Thắng được dẫn ra xe về trại giam. Người cha lật đật bước theo gọi tên con. Thắng quay nhìn cha và chị lần cuối rồi bước vào xe. Anh ta vẫn câm lặng, không thốt một lời nào...

Chỉ đến khi mất con, họ mới hối hận nhận ra vì lo kiếm sống mà họ đã thiếu trách nhiệm, bỏ bê việc quản lý, giáo dục con. Nhưng tất cả đã quá muộn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hồng (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN