Nộp tiền thoát án tử: Vẫn phải ngồi tù ít nhất 30 năm

Sự kiện: Tin pháp luật

Tử tù về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ đang chờ thi hành án có được nộp tiền để thoát án tử? Ngoài nộp tiền, họ cần thêm điều kiện gì? Ai có thẩm quyền đánh giá về “sự hợp tác tích cực” hay “lập công lớn” của họ?

BLHS (sửa đổi) vừa được Quốc hội (QH) thông qua cuối tuần trước có một quy định rất mới tại Điều 40: Không thi hành án (THA) tử hình với tử tù về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ nếu họ đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản do phạm tội mà có và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Quy định này mở ra cơ hội sống cho những quan tham dính vòng lao lý. Nhưng nên hiểu thế nào cho đúng về quy định này? Liệu nó có hiệu lực với những tử tù đang chờ ngày THA như Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc (trong đại án Vinalines), Vũ Quốc Hảo (trong hai vụ án lớn ở Công ty Cho thuê tài chính II)? Để giải đáp câu hỏi này, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng (người trực tiếp rà soát cuối cùng dự thảo BLHS (sửa đổi) và nghị quyết thi hành trình QH thông qua).

Hồi tố vì có lợi cho tử tù

Ông Hồng cho biết giống như các lần sửa BLHS trước đây, lần sửa đổi này có nhiều quy định có lợi hơn cho người phạm tội. Theo nguyên tắc chung thì không có hồi tố trong áp dụng pháp luật nhưng với những quy định có lợi thì nghị quyết về thi hành BLHS (sửa đổi) cho phép áp dụng với tất cả trường hợp phạm tội trước ngày luật có hiệu lực (1-7-2016) mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Từ tinh thần trên, Điều 40 BLHS (sửa đổi) cũng là một quy định có lợi cho người phạm tội tham ô, nhận hối lộ. Nghị quyết thi hành BLHS (sửa đổi) hướng dẫn rất rõ: Kể từ ngày công bố BLHS (sửa đổi), đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa THA mà có đủ các điều kiện nêu trên thì không thi hành và chánh án TAND Tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.

Ông Hồng cũng cho biết thêm là ông phải đợi tới khi Chủ tịch nước ký lệnh công bố BLHS (sửa đổi) (chậm nhất là 12-12-2015) thì mới biết liệu tử tù nào phạm tội tham ô tài sản, nhận hối lộ có đủ điều kiện để được xem xét áp dụng điều luật có lợi này.

Nộp tiền thoát án tử: Vẫn phải ngồi tù ít nhất 30 năm - 1

Theo nghị quyết thi hành BLHS (sửa đổi), Điều 40 BLHS có hiệu lực hồi tố đối với những tử tù như Dương Trí Dũng. Ảnh: CTV

Không thể thoái thác trách nhiệm dân sự

Trước đây, trong quá trình thảo luận tại QH về Điều 40 này, bên cạnh những ý kiến đồng tình vẫn còn không ít băn khoăn lo ngại. Bởi lẽ như hai vụ đại án xảy ra tại Vinalines và ALC II, thiệt hại gây ra cho Nhà nước, cho xã hội là vô cùng lớn. Bản thân các tử tù như Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Vũ Quốc Hảo phạm cùng lúc nhiều tội, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trách nhiệm dân sự mỗi người lên tới hàng trăm tỉ đồng. Trong khi đó phần phạt tiền về tội tham ô mỗi người chỉ 5-10 tỉ đồng, nếu họ chỉ phải nộp lại 3/4 số này thì quá nhỏ so với hậu quả của vụ án. Chưa kể họ được chuyển xuống tù chung thân thì liệu quá trình chấp hành án sau đó có được giảm án, tha tù trước thời hạn?

Giải đáp câu hỏi này, ông Hồng khẳng định: “Điều 40 chỉ trao cho họ cơ hội giữ mạng sống. Còn trách nhiệm bồi thường, phạt tiền, trách nhiệm dân sự trong bản án hình sự thì họ vẫn phải chấp hành”. Theo ông Hồng, bên cạnh điều, khoản mang tính nhân đạo ở Điều 40 BLHS (sửa đổi) còn quy định rất chặt chẽ về giảm án. Theo đó, với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp Điều 40 thì phải chấp hành được 25 năm tù trong hình phạt tù chung thân mới bắt đầu được xét giảm án lần đầu. Và dù được giảm nhiều lần thì vẫn phải đảm bảo thời hạn thực tế chấp hành hình phạt ít nhất là 30 năm. “Quan chức trên-dưới 50 tuổi, phạm tội tham nhũng đến mức chịu án tử hình, dù có được ân giảm thì có lẽ cũng hết đời trong tù rồi” - ông Hồng nói.

Chỉ nộp tiền, có đủ thoát án tử?

Điều 40 BLHS (sửa đổi) quy định bên cạnh việc chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản do phạm tội mà có, tử tù tham ô tài sản, nhận hối lộ phải hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Trong đại án xảy ra tại Vinalines, quá trình điều tra và diễn biến tại các phiên tòa cho thấy Dương Chí Dũng liên tục phủ nhận hành vi tham ô. Các bản án tử hình với các bị cáo tại Vinalines hay ALC II đều không có dòng nào ghi nhận thái độ tích cực hợp tác của họ. Như vậy, nếu những tử tù này nộp lại ít nhất 3/4 tài sản do phạm tội mà có thì có đủ điều kiện để miễn án tử?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại biểu QH Trần Văn Độ (nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao) nhận xét nên xem việc bị can, bị cáo “quanh co chối tội” trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử là bình thường. Vì trong tố tụng hình sự, một quyền cơ bản của bị can, bị cáo là không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Việc họ thực thi “quyền im lặng” hay phủ nhận tội trạng không được coi là tình tiết tăng nặng. Còn nếu họ thành khẩn khai báo, nhận tội thì đó là tình tiết giảm nhẹ, được tòa áp dụng ngay trong quá trình định khung hình phạt.

Cũng theo ông Độ, cần hiểu rõ mục đích của Điều 40 BLHS (sửa đổi) là không chỉ thu hồi tài sản do tham nhũng mà có mà còn khuyến khích những người đã bị tuyên án tử hình, cho tới trước khi THA có cơ hội lập công chuộc tội, giữ lấy mạng sống của mình. Quy định mới sẽ mở ra khả năng tử tù về tội tham nhũng muốn thoát chết sẽ phải khai báo thêm giúp lần ra đồng phạm khác hoặc vụ việc khác.

Vậy ai có thẩm quyền đánh giá về “sự hợp tác tích cực” hay “lập công lớn” của tử tù để miễn án tử? Dẫn Điều 367 BLHS (sửa đổi), ông Độ cho biết khi xuất hiện các căn cứ miễn án tử ở Điều 40, chánh án tòa án đã xử sơ thẩm không ra quyết định THA tử hình nữa mà báo cáo cho chánh án TAND Tối cao để xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho tử tù. “BLHS hiện hành đã có quy định không THA tử hình, chuyển xuống tù chung thân với tử tù là nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Thực tiễn đã có trường hợp trong thời gian chờ THA, nữ tử tù tìm cách có thai và chánh án TAND Tối cao làm thủ tục quyết định cho chuyển xuống tù chung thân. Nhưng tội phạm tham nhũng phức tạp hơn. Tôi cho là sẽ phải có hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Nhiều khả năng sẽ phải có hội đồng liên ngành để đánh giá các tình tiết, căn cứ miễn tử hình nhằm đảm bảo thật chặt chẽ” - ông Độ bình luận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghĩa Nhân (Pháp Luật TPHCM)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN