Nỗi niềm của cô giáo đi tù vì tội lừa đảo
Từng là một giáo viên giỏi, nhưng vì tham vọng làm giàu nhanh bằng cách buôn tiền, Vũ Thị Thu Hương, sinh năm 1966, trú tại Kiến Xương, Thái Bình đã vay mượn bạn bè, đồng nghiệp gom được gần 2 tỷ gửi tín dụng đen mà không ngờ chỉ được vài tháng thì chủ hụi bể nợ, bỏ trốn.
Biết là khó thoát tội, Hương chủ động ra trình diện. Giờ đây, khi đang thi hành bản án 17 năm tù vì tội lừa đảo ở Trại giam Ninh Khánh, người tới thăm chỉ có mẹ già tuổi ngoài 70 mà lần nào gặp mặt, Hương cũng chỉ biết khóc, bất lực và tự gặm nhấm nỗi giày vò.
Chỉ vì tham hụi họ
Ngoài tuổi 50, Hương bắt đầu có cái chậm chạp của người có tuổi, cái đủng đỉnh của người biết rằng không thể làm gì khác ngoài việc phấn đấu cải tạo tốt. Âu cũng là một cách "sống chậm" để chiêm nghiệm và nhìn nhận lại mình. Tâm sự với chúng tôi, chị ta luôn hướng cái nhìn ra ngoài, như thể muốn vượt qua khung cửa sổ tầng hai phòng họp của trại giam này để về với mảnh đất quê lúa Thái Bình. Hồi ức và những kỷ niệm cứ đan xen.
Tội lỗi mà Hương đang gánh xuất phát từ việc ôm đồm và thích thể hiện. Cũng đúng thôi, bởi khi người ta đang ở độ tuổi chín cả trong công việc thì ai cũng muốn thể hiện rằng mình là người giỏi giang, có khả năng bao bọc được người thân và bè bạn.
Phạm nhân Vũ Thị Thu Hương.
Là giáo viên tiểu học, lại ở quê nên ngoài đồng lương cố định, Hương chẳng có nguồn thu nhập nào khác ngoài số tiền ít ỏi kiếm được từ việc phụ đạo thêm cho học sinh. Tuy nhiên, so với nhiều đồng nghiệp khác thì cuộc sống của gia đình Hương vẫn còn yên tâm hơn rất nhiều bởi chồng là cán bộ nhà nước. Để giúp chị em và cũng là để giúp cho bản thân có một khoản tiền tiết kiệm, Hương rủ mọi người chơi họ theo kiểu hàng tháng bớt một khoản tiền lương nhất định, gom thành một món tiền cho lần lượt từng người nhận.
Theo lời Hương thì ngày đầu chơi họ, chỉ mang tính chất là chị em giúp nhau có một khoản tiền tiết kiệm chứ không hề có chuyện lời lãi nên phạm vi chơi chỉ là các đồng nghiệp trong trường. Một thời gian sau, thấy ngoài xã hội người ta cũng chơi họ nhưng có lãi, Hương đã tham gia. Hám đồng tiền chênh lệch, Hương rủ rê các đồng nghiệp cùng chơi tham gia.
Nếu như chỉ có vậy thì có lẽ đã không phạm tội lừa đảo như bây giờ. Tiếc rằng vì hám lợi, Hương đã đứng ra vay tiền của đồng nghiệp, của người thân và của nhiều người khác nữa từ các mối quen biết và bạn bè của chồng, sau đó đem đóng cho một hụi họ to hơn chỉ vì thấy lãi xuất ở đấy hơn hẳn. Giữa năm 2007, chủ hụi bỏ trốn, ẵm theo gần 2 tỷ đồng tiền do Hương gom của mọi người. Không có tiền bù vào khoản bị xù nợ, Hương bị bắt.
"Khi chủ nợ bỏ trốn, tôi đã cố xoay xở để thanh toán cho những người đã đóng tiền cho tôi nhưng chỉ lo được một nửa. Không còn khả năng thanh toán, nếu trốn tránh sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình, tới công việc của chồng và hai con nên tôi quyết định ra cơ quan công an trình báo", Hương tâm sự.
Mặc dù bản thân cũng là một nạn nhân, bị lừa hết tiền nhưng Hương đã khai nhận tất cả những việc mình làm với thái độ thành khẩn và chi tiết tới mức một số đồng nghiệp, người quen khi được gọi lên làm việc, đã quyết định xóa nợ vì "không đáng kể".
"Sai lầm của tôi chính là cầm tiền của đồng nghiệp đem ra ngoài chơi hụi họ để lấy lãi suất. Đồng tiền kiếm được quá dễ và nhẹ nhàng khiến tôi lao vào như con thiêu thân, không còn đủ tỉnh táo mà nghĩ tới việc nếu rủi ro xảy ra thì mình sẽ như thế nào". Dường như với Hương, những biến cố cuộc đời từ việc đi tù, chồng bỏ lấy vợ khác… là điều tất yếu xảy ra nên không hề oán trách.
Các phạm nhân trại giam Ninh Khánh xếp hàng đi lao động.
Nghĩ đến cha mẹ già là lòng day dứt
Sau khi lĩnh mức án 17 năm tù, Hương quyết định giải phóng cho chồng vì "không muốn làm khó anh ấy bởi chẳng ai có thể chờ đợi một khoảng thời gian đằng đẵng như vậy". Kể về điều đó, Hương cứ nhẹ nhàng nói nhưng ẩn sâu bên trong là một nỗi đau khó diễn tả. Không đau sao được khi phải chia sẻ người mình yêu thương cho một người khác. Tôi bảo chị thật dũng cảm và không phải người phụ nữ nào cũng làm được điều đó. Hương cười: "Cuộc đời có được bao nhiêu đâu, tôi vẫn còn may mắn là anh ấy rất có trách nhiệm với các con. Chúng trưởng thành được như ngày hôm nay đều nhờ vào công sức nuôi dạy của anh ấy".
Hương đi tù khiến hai cô con gái đang tuổi ăn học hẫng hụt. Trước đây chúng tự hào về bố mẹ bao nhiêu thì nay mặc cảm, tự ti bấy nhiêu. Ngay cả người chồng cũng sốc vì trong mắt anh, Hương từ trước tới nay là người phụ nữ giản dị và hết mực yêu thương chồng con. Anh không bao giờ tin vợ mình lại gan to đến vậy. Thế nhưng điều không ngờ lại xảy đến mà người hứng chịu chính là người thân. Chỉ đến khi hai tay tra vào còng, Hương mới nhận ra rằng mọi cố gắng kiếm tiền trước đây của mình đều là hư vô.
Có ai bắt Hương phải kiếm thật nhiều tiền đâu mà chỉ tại Hương vì không muốn lép vế trước người chồng giỏi giang, muốn "ghi điểm" trong mắt người thân hai bên nội ngoại nên đã kiếm tiền một cách bất chấp. Hương đi tù nhưng ở bên ngoài, người thân phải gánh chịu tai tiếng.
"Tôi là người rất may mắn vì chồng tôi đã dìu dắt các con vượt qua những điều tiếng, tủi hổ do tôi đưa đến. Chúng vươn lên trong học tập cũng là động lực để tôi yên tâm cải tạo". Con gái lớn của Hương sau khi tốt nghiệp đại học đã đi làm, hiện đã xây dựng gia đình. Con gái thứ hai cũng đang học năm cuối đại học sư phạm. Biết con đi theo nghề giáo viên của mẹ, Hương mừng lắm, "Tôi tự hào về các con mình, tự hào về cách dạy con của bố chúng và luôn cảm thấy mình quá may mắn vì được các con hỏi thăm. Đó là cái đích để tôi phấn đấu và quay về".
Chồng lấy vợ mới, Hương học hỏi bạn tù làm lẵng hoa gửi về chúc mừng. Hương mừng vì chồng tìm được người sớm hôm bầu bạn, mừng vì anh có thêm đứa con trai mà chị đã không thể làm được. Hẳn trong tâm Hương đã có những giằng xé vì đau khổ kìm nén đan xen với bất lực, buông xuôi để rồi bây giờ là bằng lòng và chấp nhận. Hương không nhắc nhiều đến chồng bởi anh đã hoàn thành trách nhiệm với chị khi quyết định chia nửa tài sản của hai vợ chồng để trả nợ.
"Điều khiến tôi trăn trở nhất chính là bố mẹ già, đã vì tôi mà chục năm nay vất vả, khó nhọc", Hương tâm sự.
Nhà có hai chị em gái, Hương là lớn thì đang ở tù còn cô em gái công tác trong Nam thế nên đã ngoài tuổi 70 nhưng bố mẹ vẫn phải tự lo liệu cho bản thân mọi thứ. Hương bảo bố già rồi nên không đi xa được, chỉ có mẹ nhưng cũng vài tháng mới đến thăm một lần, đem theo những món quà quê, dân dã mà sâu lắng.
"Mỗi lần lên thăm tôi, bà lại mang theo muối vừng, tép khô và cả gói cơm nếp mật, thứ mà ngày bé tôi rất thích. Trong mắt mọi người, những món quà quê ấy chẳng có giá trị gì nhưng với tôi nó là cả một thời thơ ấu. Với mẹ, con cái chẳng bao giờ lớn cả", Hương kể.
Các phạm nhân Trại giam Ninh Khánh cải tạo lao động ở xưởng đan cói.
Là một người mẹ, Hương hiểu nỗi lòng mẹ mình, hiểu cả những nỗi đau đang đè nặng trong tâm trí mẹ. Hương bảo không gặp mẹ thì nhớ mà gặp rồi thì day dứt không yên. Quy định của trại mỗi tháng được gọi điện về nhà một lần, Hương dành để hỏi thăm bố mẹ vì "người già cần được ưu tiên hơn".
"Tôi chưa có quyết định gì cho tương lai sau này bởi sống cách ly xã hội hơn chục năm rồi nhưng tôi sẽ cố gắng kiếm một công việc phù hợp để có thu nhập, trước là tự lập, nuôi sống bản thân, báo hiếu cha mẹ và bồi hoàn cho những người vì tin tưởng mà đưa tiền cho tôi. Tôi chỉ mong đến lúc mình về vẫn còn cơ hội báo hiếu bố mẹ", Hương nói nhỏ trước khi chia tay.
Bắt đầu được giảm án từ mấy năm trước, ngày trở về đoàn tụ với gia đình của người phụ nữ này không còn bao xa nữa. Chắc hẳn Hương đã có dự định cho riêng mình nhưng không muốn thổ lộ vì sợ "nói trước bước không qua". Cũng có thể Hương còn chưa đủ tự tin bởi hơn chục năm sống trong trại cải tạo, đâu biết cuộc sống bên ngoài đổi thay thế nào mà dám tự tin rằng mình có thể nhanh chóng hòa nhập.
Con người ta khi đau ốm, chỉ mong được khỏe mạnh thì chắc chắn niềm khao khát của người sắp được cởi bỏ bộ quần áo phạm nhân là tìm được một công việc gì đó để nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống hiện tại, đủ sức đứng vững trên đôi chân của mình để làm được một công việc tưởng như rất đơn giản và mộc mạc ấy là báo hiếu cha mẹ cho dù chỉ là một bữa cơm ngon.
Bị người tình rủ rê đi buôn ma túy, Ly Thị Mai, sinh năm 1987, ở xã Na Ư (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) không ngờ...