Nỗi lòng sau song sắt của người đàn bà giết bạn tình đồng giới

Sự kiện: Tin pháp luật

Sau ngày ly hôn chồng, Nga dắt hai con nhỏ về TP.HCM mưu sinh. Cuộc sống mới khó khăn, buộc Nga gán nghĩa làm “người yêu” người phụ nữ đồng tính. Chỉ vì bị ghen tuông, Nga đã dùng dao đâm chết người.

Kết cục cuộc tình của hai người đàn bà

Phiên tòa xét xử ngày 22/7/2011 tại TP.HCM đã trôi qua hơn bốn năm nhưng dư âm vụ án còn được người dân nhắc tới rất nhiều. Đây là vụ án giết bạn tình đồng giới do người phụ nữ tên Nguyễn Thị Hồng Nga (SN 1977, tạm trú quận Bình Thạnh, TP.HCM) làm thủ phạm. Cuối phiên tòa, ngay lúc nghe chủ tọa đọc kêt luận bản án chung thân, bị cáo Nga đã khóc to rồi ngã xỉu.

Sau khi Nga được dìu lên xe bịt bùng đi khuất, nhiều người thân, gia đình bị hại và người chứng kiến cũng bật khóc bất ngờ. Bởi lẽ, những người theo dõi vụ án trước đó và phiên tòa hiểu rõ hoàn cảnh éo le của người phụ nữ bất hạnh, vướng vào lao lí chỉ vì cách nhìn ngộ nhận, sai lệch tình cảm đồng giới và hận thù đàn ông.

Nỗi lòng sau song sắt của người đàn bà giết bạn tình đồng giới - 1

Phạm nhân Nga trò chuyện cùng PV tại trại giam Thủ Đức.

Tháng 10 vừa qua, chúng tôi có dịp gặp lại Nga tại trại giam Thủ Đức (trại giam Z30D, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) thuộc tổng cục VIII – Bộ công an. Điều nhận rõ nhất bây giờ, Nga thay đổi nhiều về tư tưởng sống, chỉ có tính cách yếu đuối, hay khóc vẫn còn giữ lại của bản chất người phụ nữ.

Nhắc lại về vụ án do minh gây ra, Nga lấy tay lau nước mắt xong rồi chậm chạp từng lời trong tiếng nấc “Em mang bản án chung thân vì tội giết người chị ạ. Người em giết vừa là “người yêu” em, và cô ấy còn là ân nhân của ba mẹ con em nữa”. Nghe xong lời của Nga, ít ai dám tin người phụ nữ này lại hung thủ trong một vụ án tình đồng tính. Bởi lẽ, trước mắt chúng tôi, từ ngoại hình đến thái độ, cách xưng hô trò chuyện của Nga là một người đàn bà thực thụ, con người còn đậm chất quê mùa, lam lũ.

Như hiểu được suy nghĩ phân vân của chúng tôi, Nga run run từng lời giải thích: “Bản chất em là một về người phụ nữ bình thường. Khi lớn lên 18 tuổi thì em lấy chồng. Sau đó, em sinh liền hai con gái xong thì chồng em chê vợ không biết đẻ con trai nên đi ngoại tình. Biết chuyện, em buồn lắm, khóc ròng cũng nhiều, khuyên bảo chồng cũng nhiều. Nhưng anh ta không thay tính đổi nết mà con đánh đập mẹ con em nữa…”.

Chịu không nổi cuộc sống bạo lực, cuối năm 2008, Nga làm đơn ly hôn chồng rồi đưa hai con từ dưới tỉnh Long An về sống với mẹ ruột (năm nay 78 tuổi) tại quận Bình Thạnh (TP.HCM). Tại nơi ở mới, em quen với chị Mariyas (SN 1975, người gốc Chăm). “Trải qua một thời gian trò chuyện thân mật, em biết Mariyas là người đồng tính. Dù vậy, vốn bị cô đơn, chán ghét đàn ông nên em siêu lòng, ngộ nhận mình yêu Mariyas khi cô ấy quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ cuộc sống của mẹ con em…”, Nga kể tiếp.

Theo đó, trước khi về sống chung nhà với Mariyas, Nga làm nghề bán nước dạo tại công viên gần nhà thờ Đức Bà (quận 1). Qua đó, Nga quen chị Võ Thị Tuyết L. (SN 1973, ngoại hình giống con trai) cùng bán hàng nước. Sau nhiều lần Mariyas ra phụ Nga dọn hàng bán thì phát hiện chị L. thể hiện tình cảm mến Nga hơn mức bình thường. Từ đây, mỗi lần ngồi ăn cơm tối cùng nhau, Mariyas đều chửi Nga “hai lòng”.

Tới tối ngày 19/12/2010, Mariyas đi nhậu say về phòng rồi tiếp tục chửi Nga vì tội ngoại tình. Sau đó, hai bên lời qua tiếng lại rồi dùng tay chân đấm đá nhau. Trong lúc giằng co, Mariyas đạp một phát thật mạnh vào bụng Nga. Vừa lãnh nhận cá đạp đau điếng người, cơn giận bốc hỏa Nga giật con dao gọt trái cây trên tay Mariyas rơi xuống đất. Nhanh như cắt, Nga dùng dao đâm một nhát chí mạng vào người “bạn tình”.

Thấy nạn nhân ngã gục bất tỉnh, hơi thở yếu ớt, Nga gọi hàng xóm giúp đỡ đưa đi cấp cứu. Thế nhưng, do mất máu quá nhiều, nạn nhân đã tử vong.

Những ngày tháng day dứt và ân hận lương tâm

Theo Nga tâm sự, dù biết rõ mối quan hệ đồng tính của mình sai lệch về tư tưởng nhưng cô vẫn đồng ý thuê phòng trọ riêng chung sống “bạn tình” như “vợ chồng” chỉ vì muốn trả ơn và giải tỏa nỗi cô đơn. Giai đoạn đầu, họ chung sống như một gia đình nghèo mà hạnh phúc. Nhưng thời gian sau đó, Mariyas liên tục ghen tuông vô cớ. Để rồi, mâu thuẫn tình cảm hai bên bắt đầu chồng chất nhiều hơn .

Vừa hồi lại kí ức đã qua, Nga đưa tay lau nước mắt liên tục. Một lúc sau, cô lại cười nhoẻn để xua tan bầu không khí tĩnh lặng: “Cuộc đời con người không ai ngờ trước được gì, đã nhiều đêm em thức trắng để ngẫm nghĩ cuộc đời chính mình. Giá như em tỉnh táo hơn trong mối quan hệ với người ấy (Mariyas – PV) thì không đến nỗi nào. Chỉ vì không tỉnh táo hành động mà giờ lương tâm em phải sống trong chuỗi ngày giày vò, day dứt…”.

“Trước lúc Mariyas tắt hơi thở cuối cùng tại bệnh viện, em chỉ khóc và nắm chặt tay cô ấy mà nói “Mày chết rồi, tao cũng sẽ đi tù hoặc chết theo (cách xưng hô thân mật ở nhà của Nga và bạn tình). Có khổ thì hai đứa con tao mất mẹ và mẹ tao mất con. Giá như mày đừng ghen tuông tao như vậy thì mình vẫn sống với nhau…”. Nghe em nói tới đó, Mariyas vẫn bấu chặt tay em, ánh mắt nhìn không chớp. Hình ảnh cuối cùng của cô ấy để lại trong kí ức em là hai dòng lệ hoen ra hai khóe mắt. Sau một hồi lâu, cô ấy buông tay ra và đi mãi…”, Nga nói trong sự bình tĩnh đến lạ.

Nữ phạm nhân cho biết, bây giờ nhắc lại chuyện cũ chỉ để thêm một lần thắp nén nhang lòng cho người đã khuất. Ngay khi ra vành móng ngựa, Nga đã nhận lỗi về mình và nhận mối quan hệ với nạn nhân là không đúng đắn. Để rồi từ cái ơn, cái ân nay đã thành nỗi oán hận sâu trong lòng nhau.

Những lời cuối cùng cho cuộc gặp gỡ với PV, Nga nén nặng tâm tư: “Em hối hận lắm chị, hối về việc đã làm sai, đã giết người, còn hận về bản thân mình không làm tròn vai trò người con với mẹ già, với các con thơ. Đó là những điều khiến em phải ý thức việc mình cần phải sống tốt ngay cả nơi tù giam, để xóa bỏ sự hối hận trong lòng. Có như vậy, lúc chết đi kiếp sau mới được làm người tốt được”.

Bộc bạch về ước mơ tương lai, Nga cho biết, vẫn đang cố gắng để vượt qua những ngày tháng cải tạo khó khăn. Dù biết rõ, bản án chung thân còn dài đàng đẵng nhưng mỗi ngày còn được sống, vẫn phải tích cực làm việc. Với Nga, suy nghĩ về tương lai được tự do là một giấc chiêm bao. Nhưng chúng tôi vẫn hy vọng cho giấc chiêm bao của Nga thành hiện thực. Như vậy, cũng là quả ngọt mà Nga được hưởng khi đang ngày ngày gieo mần nơi mảnh đất Bình Thuận đầy nắng gió này.

Phạm nhân Nga là người cải tạo tốt

“So với những phạm nhân có án dài, phạm nhân Nguyễn Thị Hồng Nga có sự nỗ lực cải tạo rất tốt. Đối với tâm lí các phạm nhân mang án dài thường lì lợm, chai lì khi nghĩ không còn ngày về, nhưng Nga lại khác hẳn. Nga luôn chấp hành tốt nội quy của trại, làm việc tích cực… Khi tâm sự cùng cán bộ quản giáo, Nga cũng nói về khát vọng trở về để chăm mẹ già cùng các con… Sắp tới, nếu có các đợt giảm án, chúng tôi sẽ tạo mọi cơ hội cho Nga được giảm án ”, đại diện cán bộ quản giáo nơi Nga thụ án cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Trần (Người đưa tin)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN