Nỗi giày vò của mẹ ép con uống thuốc sâu

Sự kiện: Đằng sau song sắt

Hàng đêm trong trại giam, tôi hết mê sảng lại khóc lóc, hết gọi tên con lại ôm cái gối và hát những bài ru con bằng tiếng Tày. Hết tự hành hạ, tự chửi bới rồi lại đập đầu vào tường tìm cách tự tử...

LTS: Ngày ngày, nhìn những đứa trẻ con phạm nhân đang tíu tít vui đùa bên mẹ luôn là một sự tra tấn khủng khiếp đối với chị. Đêm nào chị cũng ngồi ôm gối khóc, tưởng tượng ra đó là đứa con bé nhỏ mà mình đã nỡ giết hại trong một phút giây ngu muội, nông nổi. Chị chỉ ước giá mọi việc chỉ là cơn ác mộng, giá con chị còn sống, hai mẹ con có nhau, thì dù là sống trong trại giam hay trên sa mạc khắc nghiệt, dù ở tận cùng dưới bể khổ hay phải chịu đọa dày ở nơi cùng trời cuối đất, thì với chị nơi đó vẫn là thiên đường hạnh phúc.

Tôi là con gái Tày, sinh ra ở một xã vùng cao của huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Bố mẹ đều là nông dân, gia cảnh nghèo khó, nên từ bé, tôi đã không được đi học. Nhà nghèo, lại mù chữ, thất nghiệp, từ bé cho đến lúc lấy chồng, tôi chưa có một ngày sung sướng, cho dù với tôi, hạnh phúc chỉ đơn giản là được ăn một bữa cơm no, mặc một manh áo ấm. Cuộc sống vất vả khiến tôi già đi trước tuổi, 20 tuổi tôi đã mang dáng dấp của một người phụ nữ lam lũ, bộn bề lo toan cho chồng con. Phải đến gần 30 tuổi, tôi mới lấy chồng. Nhưng tôi và chồng tôi đến với nhau vì cảm thấy đến lúc bắt buộc phải xây dựng gia đình nhiều hơn là cảm thấy rung động vì tình yêu. Chúng tôi chẳng hề có những kỷ niệm đẹp của cuộc sống vợ chồng.

Lấy nhau xong, cả hai vợ chồng tôi đều không có công ăn việc làm, cuộc sống mưu sinh của chúng tôi ngày càng trở nên khó khăn đến tuyệt vọng giữa cái thời buổi mà bất cứ cái gì, dù nhỏ nhất cũng phải mua bằng tiền. Hai vợ chồng tôi dắt díu nhau về Hà Giang, quê chồng, vì chồng tôi bảo ở đó có những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, nơi người dân có thể dựa vào rừng mà sống, chẳng bao giờ lo thiếu cái ăn, cái mặc. Ở Hà Giang, kế sinh nhai duy nhất của vợ chồng tôi là đi kiếm củi trong rừng rồi đi bộ xuống chợ huyện bán. Cứ buổi sáng tinh mơ, tôi lại vào rừng cắm cúi tìm từng thanh củi mục, nhặt nhạnh từng cành cây gẫy, cứ thế cho đến hết ngày. Cứ kiếm được đầy củi vừa một gùi địu, tôi lại bước thấp bước cao, tất tả gùi củi xuống chợ trung tâm huyện.

Củi tôi bán không đắt lên được, nhưng gạo nước thì tăng giá chóng mặt. Có thời điểm, tiền kiếm được từ một ngày lao động cực nhọc, nếu may mắn thì đủ để tôi đong được cân gạo, mua được chai dầu về thắp sáng, còn nếu không thì chỉ mua được một nhúm gạo, nấu thành mấy bữa cháo chia đều cho mấy ngày. Ngẫm lại, tôi thấy cuộc sống của tôi trong tù còn sướng hơn rất nhiều.

Trong lúc cuộc sống vẫn chưa hề có lối thoát thì tôi sinh đứa con đầu lòng. Nhà thêm một miệng ăn, lại bớt đi một lao động, cuộc sống của hai vợ chồng tôi gần như bị đẩy vào bước đường cùng. Có những hôm, nhà chẳng còn hột gạo để nấu cháo cho con, tôi ôm con trên giường, nước mắt trào ra, xót xa cho đứa con mới lọt lòng mẹ đã phải chịu cảnh thiếu thốn. Không chịu đựng được cuộc sống cơ cực, chồng tôi quyết định vào miền Nam kiếm kế sinh nhai, với ước mơ đổi đời.

Nhận được những đồng tiền do chồng gửi về, cuộc sống của hai mẹ con tôi bắt đầu đỡ cơ cực hơn. Nhưng đó cũng là lúc gia đình tôi bắt đầu rạn nứt. 3 năm đi biền biệt, không về thăm vợ thăm con, chồng tôi tỏ ra càng ngày càng lạnh nhạt. Ngoài những đồng tiền mà anh ta gửi về để hoàn thành trách nhiệm, tuyệt nhiên chẳng có một dòng thư thăm hỏi, yêu thương hay động viên mẹ con tôi ở nhà. Tôi như hòn vọng phu, cứ mòn mỏi nuôi con, đợi chồng trong sự cô đơn, hờn tủi từ ngày này qua ngày khác, lòng vẫn tự nhủ phải luôn tin tưởng và trọn vẹn với chồng.

Nhưng sau 3 năm đi lao động trong Nam, ngoài Bắc, được tiếp xúc với đủ các thành phần người, chồng tôi trở về, vẫn là xương thịt đó, thân xác đó, nhưng tâm hồn thì hoàn toàn xa lạ. Anh ta như biến thành một con người khác, lạnh lùng hơn, xa cách hơn: "Những lúc vợ chồng gần gũi, anh ta giày vò tôi, bắt tôi phải chiều theo những sở thích quái đản, bệnh hoạn mà trước đây tôi chẳng thể tưởng tượng ra. Nếu không đáp ứng được yêu cầu đó, anh ta sẽ đánh. Tôi cả đời chẳng bao giờ bước chân ra khỏi cái thế giới nhỏ bé của mình, nên chẳng biết làm cách nào khiến chồng vừa lòng.

Những lúc đó, anh ta đạp tôi vào góc giường, nhìn tôi như một thứ đồ bỏ. Với con trai của chúng tôi, anh ấy cũng ghẻ lạnh không kém. Từ hồi về, anh ấy hầu như không bao giờ bế con. Mỗi lần bế đều cáu gắt, chửi bới, đá thúng đụng nia.

Được vài tháng thì chồng tôi lại bỏ đi, không một lý do, không một lời giải thích. Tôi rơi vào nỗi tuyệt vọng, chán chường và bắt đầu nảy sinh những ý nghĩ tiêu cực. Lúc đó tôi tuyệt vọng lắm, hoang mang lắm. Bị chồng bỏ rơi, với tôi cuộc đời thế là kết thúc. Tôi chẳng nghĩ được gì ngoài cái chết. Nhưng trong lúc mụ mẫm vì đau khổ, tôi lại nghĩ rằng, nếu tôi chết, chồng tôi đi lấy vợ lẽ, đứa con trai 4 tuổi của tôi hẳn sẽ khổ. Thế là tôi nghĩ, chi bằng để cho nó chết cùng tôi, hai mẹ con sống chết có nhau, để ở dưới suối vàng, tôi lại tiếp tục chăm sóc nó.

Nghĩ là làm, ngày hôm sau tôi đi mua 2 chai thuốc sâu, rồi đợi lúc đứa con trai 4 tuổi đang say ngủ, tôi dốc một chai thuốc sâu vào miệng con, chai còn lại tôi uống. Nhưng số phận đã trừng phạt tôi. Hàng xóm phát hiện ra, đưa hai mẹ con tôi đi cấp cứu. Tính mạng tôi được cứu, nhưng đứa con trai bé bỏng của tôi thì không. Tôi bị bắt vì tội giết con. Tôi không còn nhớ công an đã đến, giải tôi đi như thế nào, tòa đã xử tôi ra sao, rồi tôi đã được đưa vào trại giam Quyết Tiến như thế nào. Vì lúc đó, tôi hoàn toàn hoảng loạn, chẳng nghĩ được gì khác, ngoài việc mình là một người mẹ tội đồ, đang tâm giết chết đứa con thơ non dại. Lúc đó, chỉ nghĩ đơn giản là con sống mà không có mẹ thì đau khổ vô cùng. Chi bằng để hai mẹ con lúc nào cũng có thể gần nhau. Thế mà cuối cùng con tôi chết, mà tôi không chết. Nó còn nhỏ dại như thế, ai sẽ là người chăm sóc nó dưới suối vàng? Những nỗi ám ảnh đó khiến lòng tôi đau đớn khôn cùng.

Suốt mấy năm trong trại giam Quyết Tiến, tôi vẫn chưa hết hoảng loạn. Với tôi, 4 bức tường trại giam không đáng sợ bằng một phần nhỏ nỗi ám ảnh về tội lỗi của mình, về hình ảnh đứa con thơ mà tôi đã đang tâm giết hại vì tình yêu mù quáng. Cứ nhìn thấy một đôi dép trẻ con, một con búp bê hay một chiếc quần của trẻ nhỏ là tôi lại khóc nức nở và rơi vào trạng thái hoàn toàn hoảng loạn. Tôi là mẹ mà còn đáng kinh tởm hơn một con quỷ. Hổ dữ còn không ăn thịt con. Thế mà, tôi lại đang tâm giết chết đứa con báu vật của đời mình.

Hàng đêm trong trại giam, tôi hết mê sảng lại khóc lóc, hết gọi tên con lại ôm cái gối và hát những bài ru con bằng tiếng Tày. Hết tự hành hạ, tự chửi bới rồi lại đập đầu vào tường tìm cách tự tử. Không đêm nào tôi không mơ thấy đứa con 4 tuổi của mình trở về, mỗi đêm lại một hình ảnh khác nhau. Có đêm, tôi mơ thấy con được lên trên trời, được các cô tiên, bà tiên yêu thương, chăm sóc. Có đêm, tôi mơ thấy con được đầu thai vào một gia đình giàu có, hạnh phúc. Những giấc mơ như thế an ủi tôi rất nhiều. Nhưng cũng có đêm, tôi mơ thấy con, vẫn mặc bộ quần áo cuối cùng đó, nhưng đã rách rưới, cũ nát, gương mặt mệt mỏi, cứ đăm đăm nhìn tôi nói: : "Mẹ ơi, con đói. Mẹ đi kiếm cơm cho con ăn". Lúc đó, dù có phải cắt thịt mình ra cho con ăn, tôi cũng sẵn lòng. Nhưng tỉnh dây thì con tôi lại biến mất rồi. Tôi lại khóc, lại nhớ con đến nỗi trái tim mình tưởng như lúc nào cũng trực nổ tung.

Nỗi đau vẫn còn đó, nhưng giờ tôi đã nghĩ thông suốt. Được các cán bộ quản giáo động viên, tôi không tìm cách tự tử nữa. Tôi muốn hết án tù sẽ được trở về thăm mộ con. Con trai tôi rất thích ăn bột mì rán. Đợi ngày ra tù, tôi sẽ mang bánh bột mì rán lên mộ con mỗi ngày. Tôi mong sẽ không một người mẹ nào phạm phải lỗi lầm như tôi, để không phải suốt đời ân hận, giày vò với tội lỗi mình đã gây ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ANTĐ/Đang yêu
Đằng sau song sắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN