Nỗi day dứt của nghịch tử giết cha

Nhờ pháp luật khoan hồng, y đang sống trong những ngày ăn năn và hi vọng.

LTS: Nghiêm Viết Thành là hung thủ của vụ án chặt xác cha vứt trôi sông ở Hải Dương gây xôn xao dư luận cả nước năm 2009, khi mới 18 tuổi 16 ngày. Được giảm từ án tử hình xuống chung thân trong phiên tòa phúc thẩm, với Nghiêm Viết Thành, đó thực sự là một giấc mơ. Pháp luật đã cho Thành một con đường sống để trở về với gia đình và làm lại cuộc đời. Nhưng đường về còn rất xa với kẻ “nghịch tử” này. Và trên con đường dài đó, cái khó khăn lớn nhất mà Thành phải đối mặt, chính là nỗi day dứt trong lòng mình. Thành đã kể lại câu chuyện riêng đầy đau đớn và ân hận với phóng viên, mong được tha tội với gia đình và lấy chính câu chuyện của mình làm bài học đắt giá để những người trẻ khác biết cách tránh lầm đường lạc lối.

Sự hối cải muộn màng

Bố mẹ tôi đi làm ăn ở nước ngoài từ bé, nên thời thơ ấu, tôi chủ yếu sống với ông bà ngoại và chị gái. Khi bố chưa về, ông bà và chị gái rất yêu thương và tâm lý với tôi. Tôi được sống trong sự yêu chiều của cả gia đình. Cũng có lẽ vì quá được chiều như thế nên việc bố trở về đúng lúc tôi đang ở tuổi vị thành niên thực sự là một cú sốc đối với tôi. Cái thiệt thòi lớn nhất của tôi là nhiều năm hai bố con sống xa nhau, tôi đã quen với việc không có được sự giáo dục đầy đủ của bố mẹ, không nhận được tình yêu thương, sự chăm sóc của các bậc sinh thành. Tôi đã quen với việc sống mà không có bố bên cạnh.

Khi tôi còn nhỏ, gia đình tôi sống rất hạnh phúc. Lúc bố mẹ còn chưa đi làm việc ở nước ngoài, bữa cơm của gia đình tôi lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Những ngày Tết, bố thường nâng tôi lên vai, đưa tôi sang nhà ông ngoại để chúc Tết. Bố chọc vài câu khiến tôi cười khanh khách. Nhưng mọi chuyện đã khác sau nhiều năm hai bố con sống xa cách. Khi bố trở về, tôi không sao có được sự ấm áp của một đứa con dành cho bố như những đứa con khác. Bố con tôi sống xa cách với nhau, cư xử với nhau khách sáo và không mấy hòa hợp. Sự xa cách lâu ngày làm tình cảm cha con trở nên hờ hững, mà cả tôi và bố đều không cố gắng xóa đi sự xa cách đó.

Bố tôi là người rất nóng tính. Những lúc có điều gì không vừa ý với tôi, bố thường mắng mỏ nặng lời và đánh đập tôi. Điều đó khiến cho cậu bé đang ở tuổi mới lớn có tâm lý phản kháng, chống đối. Tôi quen được ông bà và chị gái yêu chiều nên không chấp nhận sự nặng nề trong mối quan hệ với bố. Tôi lúc nào cũng nghĩ cách làm sao để chống lại bố, từ những cái nhỏ nhất, để chứng tỏ cho bố biết tôi không sợ bố.

Từ khi bố về, sự căng thẳng trong mối quan hệ cha con khiến tôi học hành giảm sút, ngày càng lầm lì, ít nói. Đó cũng là quãng thời gian mà ở Hải Dương bắt đầu mọc lên nhiều quán game, tôi chẳng muốn về nhà vì không muốn chạm mặt với bố, nên thường xuyên la cà ở quán game hết ngày. Sức học của tôi vì thế mà ngày càng sa sút. Bố tôi về Hải Dương sinh sống, trong khi mẹ tôi vẫn ở nước ngoài lao động, nên trong thời gian đó, bố tôi đã có tình cảm với một người phụ nữ khác. Tôi giận bố vì không chung tình với mẹ, cộng thêm với việc hai cha con thường xuyên mâu thuẫn, nên tôi đã vin vào đó để đòi bố mỗi tháng phải chu cấp cho tôi một khoản tiền tiêu. Tình cảm cha con của chúng tôi đã sứt mẻ đến cực điểm.

Dịp 30 tháng 4 năm đó, tôi cá độ bóng đá và bị thua dẫn đến nợ nần chồng chất. Trong lúc bí bách, tôi đã lấy trộm điện thoại di động của bố mang đi cắm. Bố phát hiện ra và mắng chửi tôi thậm tệ. Lúc đó tôi đã sai, bị bố mắng là hoàn toàn xứng đáng, nhưng sự bồng bột của tuổi trẻ khiến tôi đã mắc sai lầm. Bao nhiều ức chế dồn nén lâu ngày dịp đó đã được bùng phát. Tôi đã giết bố tôi một cách dã man đến mức mà chính tôi cũng không hiểu tại sao tôi có thể làm thế. Tôi không còn muốn nhắc lại chuyện này nữa, vì báo chí đã nói quá nhiều, dư luận cũng lên án tôi, pháp luật đã trừng phạt tôi. Nhưng tôi giờ đây chỉ muốn nói một điều rằng, sau khi gây án xong, tôi không máu lạnh đến mức không cảm thấy run rẩy, sợ hãi. Cái lúc tôi lấy xe máy của bố tôi chạy trốn, trong đầu tôi hoàn toàn không nghĩ ngợi được bất cứ điều gì. Tôi hoàn toàn tuyệt vọng và chìm nghỉm trong sợ hãi và ân hận. Tôi cứ đi mà không biết mình đang đi đâu. Đến lúc chạy đến Nam Định, dừng chân ở nhà nghỉ, tôi vào đó thuê phòng hoàn toàn theo một phản xạ tự nhiên, không có ý thức. Lúc tôi gọi điện thoại cho một người bạn để cân nhắc chuyện ra đầu thú, bạn tôi có hỏi tôi đang ở đâu, tôi thậm chí còn không thể biết nổi mình đang ở nhà nghỉ nào, nằm trên đường nào và ở thành phố nào. Tôi ở đó cho đến khi các chú công an đến bắt, đưa về Hải Dương.

Những ngày tháng nằm trong trại giam, tôi thường xuyên mơ thấy bố. Nhưng trong giấc mơ đó, tôi không thấy bố hiện về trách móc mình mà chỉ mơ thấy những kỉ niệm hai bố con có với nhau lúc tôi còn bé. Những giấc mơ đó cứ trở đi trở lại mỗi ngày. Sau mỗi lần tỉnh dậy, tôi đều khóc, vừa vì sợ hãi, vừa vì cảm giác ân hận khi đã gây ra tội lỗi quá lớn với bố.

Nước mắt của mẹ…

Tôi biết tội ác của tôi là tội ác mà tất cả dư luận xã hội đều lên án và pháp luật khó lòng dung thứ, nên trong phiên tòa sơ thẩm, tôi bị tuyên án tử hình. Tôi biết tội mình đáng chết. Lúc đó tôi thấy thương mẹ nhất. Tôi quay lại nhìn về phía mẹ, thấy mẹ đang sụp xuống, ngất lịm. Chắc mẹ suy sụp lắm. Bố đã bị tôi giết chết. Và giờ đây, tôi – đứa con trai duy nhất của mẹ lại đón nhận án tử hình. Có lẽ mẹ tôi là người phụ nữ bất hạnh nhất, khi vừa là đại diện của người nhà nạn nhân, vừa là nhân thân của bị cáo trong một vụ án giết người dã man. Mẹ tôi ngất lịm đi, sau khi kêu lên một tiếng kêu xé lòng: “Thành ơi!”.

Những ngày nằm trong trại giam với mức án tử hình là những ngày tôi sống trong trạng thái tuyệt vọng, suy sụp nhất. Bởi thời điểm đó, dù đã nộp đơn kháng cáo, nhưng chính tôi cũng không dám mơ về một bản án thể hiện sự khoan hồng của pháp luật. Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho cái chết của chính mình, chuẩn bị cho sự đền tội nặng nhất sau những gì đã gây ra. Trong những giây phút đó, người tôi thương nhất và biết ơn nhất là mẹ và chị gái. Sau tất cả những lỗi lầm đó, tôi vẫn được mẹ và chị chăm sóc, yêu thương, tha thứ.

Tôi là cháu đích tôn, là đứa con trai duy nhất nối dõi dòng họ. Vì thế dù rất giận tôi đã gây ra cái chết của bố, gia đình bên nội vẫn xin giảm án cho tôi, để dòng họ không rơi vào cảnh tuyệt tự. Nhờ những tình tiết giảm nhẹ đó mà tôi được tuyên giảm án từ tử hình xuống chung thân. Ngày tôi được tuyên giảm án, mẹ tôi nghẹn ngào nói trong nước mắt: “Cảm ơn sự khoan hồng của pháp luật”. Sau nhiều ngày sống trong nỗi đau mất chồng và nỗi sợ mất nốt đứa con trai, khi biết tôi đã được trao cho một cơ hội sống, bà gần như kiệt quệ và phải nhờ chị gái tôi dìu đi.

Ngày được giảm án, tôi đã cảm nhận được trọn vẹn giá trị và sự quý giá của những giây phút được sống trên đời, bên cạnh những người mình thương yêu. Sau đó, tôi được đưa về thụ án tại trại giam Hoàng Tiến (Chí Linh, Hải Dương), cách thành phố Hải Dương không xa. Tháng nào mẹ và chị gái cũng lên thăm tôi. Lần nào, mẹ cũng khóc. Lúc đó, mắt tôi cũng đỏ hoe. Mỗi lần lên thăm, mẹ đều nắm chặt tay tôi vừa khóc vừa nói: “Con thấm thía rồi chứ? Con hãy cải tạo thật tốt, để gia đình ta còn có hi vọng vào tương lai. Con đừng làm bất cứ điều gì sai làm và dại dột nữa nhé. Mẹ không thể chịu nổi thêm bất cứ nỗi đau nào nữa đâu”.

Sau khi bố tôi mất, tôi đi tù, không còn lòng dạ nào đi lao động nước ngoài nữa, mẹ tôi ở hẳn luôn tại thành phố Hải Dương, để có thời gian chăm sóc tôi. Mẹ sống trong chính ngôi nhà nơi thảm kịch của gia đình tôi đã xảy ra, để chờ đợi tôi trở về. Vì không có công ăn việc làm ổn định, nên bây giờ mẹ tôi chỉ còn biết cho người ta thuê tầng dưới kinh doanh, lấy chút tiền sống qua ngày. Số tiền đó, mẹ vừa lo chi tiêu trong gia đình, vừa lo lắng cho đứa con đang tù tội. Những khó khăn, vất vả, những cú sốc liên tiếp và những nỗi buồn chưa thể nguôi ngoai đã khiến mẹ tôi già hẳn đi. Có lần mẹ lên thăm, tôi đau đớn vô cùng, vừa vuốt tóc mẹ dịu dàng, tôi vừa khóc: “Tóc mẹ bạc đi này? Là vì con phải không?”. Hai mẹ con tôi chỉ biết nhìn nhau, mặc kệ cho nước mắt tuôn trào.

Không phải tất cả những người thân trong gia đình đều vị tha với tôi như mẹ và chị gái, bởi không phải ai cũng có thể quên đi được tội lỗi mà tôi đã gây ra. Từ khi tôi đi tù, ông bà và các cô, các bác bên nội không lên thăm tôi. Tôi biết dù ông bà đã làm đơn xin giảm án cho tôi, nhưng rất khó để ông bà có thể nhìn nhận một đứa cháu nghịch tử như tôi. Tôi chấp nhận điều đó trong một nỗi buồn khó tả. Tôi hiểu, tôi đã làm tổn thương ông bà, các cô, các bác quá nhiều. Điều duy nhất tôi có thể làm là cải tạo tốt, làm lại cuộc đời, để chuộc lỗi với mẹ và chị gái, với người cha đã mất và với gia đình hai bên nội ngoại. Đời tôi coi như đã hết. Tôi biết cố gắng để cải tạo để chờ ngày về. Tôi coi đó như sự trừng phạt dành cho mình và chấp nhận nó, không kêu ca gì. Nhưng tôi vẫn thấy lòng mình đau nhói khi nghĩ về mẹ và chị gái. Tôi biết mẹ và chị gái tôi đã phải hứng chịu những cái nhìn soi mói của dư luận trong suốt những năm qua và sẽ còn tiếp tục như thế trong nhiều năm sau này. Tương lai, hạnh phúc của chị gái tôi cũng vì tôi mà có lẽ sẽ bị ảnh hưởng không ít. Tôi ước mình được quay trở lại những ngày tuổi 18 ấy. Tôi sẽ không gây ra tội lỗi hồ đồ đó để đẩy cả gia đình mình vào một bi kịch khủng khiếp như thế này.

(Ghi theo lời kể của phạm nhân Nghiêm Viết Thành)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đang Yêu
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN