Nỗi đau sau án mạng vì bạo hành gia đình

Bi kịch đã không xảy ra nếu người trong cuộc và chính quyền địa phương không nương tay, xử lý triệt để hành vi bạo lực gia đình.

Bị cáo ngồi cúi gằm mặt sau vành móng ngựa chờ HĐXX vào làm việc. Phía sau, đại diện hợp pháp của người bị hại, cũng là con của bị cáo, thẫn thờ nhìn về phía cha. Ánh nhìn trống rỗng, vô hồn…

Người chồng vũ phu

Sau 17 năm chung sống và có với nhau đến 6 đứa con, N.V.T (SN 1962, ngụ tỉnh Long An) trở chứng, đam mê rượu chè, ghen tuông vô cớ và thường xuyên đánh đập vợ (chị N.H, SN 1968). Công an địa phương đã nhiều lần xử phạt hành chính về hành vi bạo lực gia đình, T. vẫn chứng nào tật nấy.

Một lần, T. đánh vợ vỡ đầu, phải về nhà mẹ ruột tại tỉnh Bình Phước để điều trị. Vết thương chưa lành nhưng thương các con, chị H. trở về nhà và lãnh tiếp những trận đòn đến mức gãy tay, phải đi bó bột. Đứa con trai vào can ngăn cũng bị cha dùng dao chém thẳng vào đầu và cổ, phải nhập viện cấp cứu.

Ngày 10/2/2013, T. lại nổi ghen, mài dao định chém vợ. Hoảng sợ, chị H. sang nhà con gái thứ ba cách đó khoảng 500 m ngủ lại.

Đêm 12/2/2013, T. gọi điện thoại cho chị H. nhiều lần không được, cho rằng vợ qua đêm với người đàn ông khác, T. nảy sinh ý định giết vợ rồi tự tử. T. chuẩn bị 1 khúc cây tràm, 1 cây búa, xăng, quẹt gas để làm hung khí, đồng thời lấy 100 viên các loại thuốc tây đâm nhuyễn.

Khoảng 5h30 sáng hôm sau, khi vợ vừa về, T. dùng cây tràm đánh vào đầu rồi dùng búa chém liên tiếp. Trong cơn cuồng ghen, T. lấy chai xăng tưới lên đầu vợ rồi đốt. Sực nhớ chưa uống thuốc tự tử, T. dập tắt lửa rồi tìm thuốc uống. Sau đó, T. ôm vợ lên giường rồi đến nằm bên cạnh. Khi các con phát hiện đưa cả hai đi cấp cứu, chị H. đã chết.

TAND tỉnh Vĩnh Long xử sơ thẩm tuyên phạt T. mức án tử hình về tội “Giết người”.

Nỗi đau chồng chất

Tại phiên tòa phúc thẩm, khi HĐXX hỏi về động cơ giết người, T. lặp đi lặp lại câu nói: “Tôi quá thương vợ nên mới làm như vậy”. Vị chủ tọa nghiêm giọng hỏi: “Vì sao bị cáo hay đánh vợ?”, T. lí nhí biện hộ: “Tại vợ bị cáo bỏ đi, bị cáo tìm không được, gọi điện không bắt máy nên bị cáo nóng giận quá…”. Bức xúc, vị chủ tọa lớn tiếng: “Hành vi đánh vợ của bị cáo kéo dài, không phải là nhất thời. Bị cáo dùng cây tràm đánh vợ rồi còn tiếp tục sử dụng búa và xăng, kiên quyết tước đoạt mạng sống của vợ đến cùng...”. Bất ngờ, T. lớn tiếng phân trần: “Vợ chồng là phải sống trọn đời, trọn kiếp với nhau. Bị cáo quá thương vợ. Con bị cáo, bị cáo còn không thương bằng vợ. Nhưng vợ bị cáo làm khổ bị cáo quá đi…”.

Nghe T. nói, vị thẩm phán cắt ngang: “Quá trình điều tra vụ án chưa phát hiện dấu hiệu nào thể hiện vợ bị cáo ngoại tình hay làm điều gì có lỗi với bị cáo. Bị cáo nói thương vợ mà lại đánh đập tàn nhẫn, thương mà tước đoạt sinh mạng của vợ?...”. Đôi tay vò vạt áo, T. cúi đầu bối rối. Im lặng hồi lâu, T. ngập ngừng: “Bị cáo thấy việc làm của mình rất dại dột khiến các con phải đau khổ. Quá nhục nhã cho bị cáo!”.

Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt các con bị cáo. Ngồi lặng lẽ nơi hàng ghế dự khán đầu tiên, người con đầu N.T.K.Tr (cũng là đại diện hợp pháp của người bị hại, SN 1987) thẫn thờ nhìn về phía cha.

Được mời lên, Tr. rưng rưng chia sẻ: “Mất mẹ rồi, chúng tôi rất đau đớn. Cha có tội rất nhiều trong chuyện này nhưng chúng tôi vẫn mong cha được sống dù phải sống suốt cuộc đời còn lại trong tù cũng được. Bởi dù sao như thế, chúng tôi còn có cơ hội được gặp cha, không phải mang thân phận mồ côi cả cha lẫn mẹ…”. Lời nói nghẹn ngào của người con như cứa vào tim T. khiến đôi vai ông ta rũ xuống, đôi mắt đỏ hoe. Những người dự khán cũng xót xa cho bi kịch của gia đình họ. Cái bi kịch xuất phát từ sự ích kỷ, bê tha của người chồng; sự cam chịu của người vợ và những đứa con cũng như việc giải quyết, xử lý thiếu kiên quyết, hiệu quả của chính quyền địa phương khi mà trước đó, ông T. đã có hàng loạt những hành vi bạo lực làm ảnh hưởng đến sức khỏe của vợ và con.

Mặc dù có đơn xin tha tội chết của các con bị cáo nhưng HĐXX nhận định bị cáo đã mất hết tính người, không còn khả năng giáo dục, cải tạo, giữ nguyên mức án tử hình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kha Miên (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN