Nỗi đau người mẹ già đằng sau thảm án
Một tối, thấy xưởng cơ khí cạnh nhà bốc cháy, bà Đính lật đật chạy ra gọi hàng xóm dập lửa. Thấy cậu con trai cả bị lửa bén phải nhảy xuống ao làng, bà Đính chỉ nghĩ con vào dập lửa bị lửa bén. Chỉ sau khi công an đến còng tay con trai và con dâu, bà Đính mới xây xẩm mặt mày khi biết sự thật.
Hết nuôi con lại nuôi cháu
Trong căn nhà mục nát, bà Đỗ Thị Đính (xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đang hí húi tìm mấy vỉ thuốc tây để uống. Gần 30 năm từ ngày chồng mất, bà một mình nuôi các con khôn lớn trưởng thành. Tưởng khi về già sẽ có nơi nương tựa thì tai họa cứ liên tục ập xuống. Sau đúng 10 năm ngày chồng mất, tin đứa con trai cả tưới xăng đốt chết hàng xóm khiến bà suy sụp. Thời điểm ấy là năm 1996, một buổi tối, bà thấy xưởng cơ khí của anh Đ.V.H bên cạnh nhà cháy. Bà gọi hàng xóm múc nước dập lửa. Cùng lúc đó, người con trai cả là N.T.T (SN 1967) của bà cũng bị lửa bén toàn thân, phải chạy xuống ao làng để thoát nạn. Ban đầu bà cứ nghĩ là con trai vào chữa cháy nên bị dính lửa. Sau này, khi công an vào đọc lệnh tạm giam và còng tay người con trai cả cùng con dâu thì bà mới hiểu rõ cơ sự.
Vụ án kinh hoàng đó một thời gây sự căm phẫn đối với người dân không chỉ trong xã Liên Hiệp mà cả huyện Phúc Thọ. Nguyên nhân xuất phát từ việc tình ái, lăng nhăng của vợ anh T. với nạn nhân xưởng cơ khí. Khi phát hiện sự việc của vợ, đáng lẽ ra tìm cách giải quyết cho êm đẹp thì anh này lại nghe vợ đổ xăng vào nhà hàng xóm để đốt. Hậu quả, hai cha con người hàng xóm chết cháy, xưởng cơ khí tan hoang. Tòa xử T. tử hình còn vợ thì tù 18 năm, ngoài ra còn phải đền bù 65 triệu đồng cho gia đình nạn nhân.
Bà Đính cho biết sau sự việc trên, bà đã sang xin gia đình nạn nhân tha thứ. Giờ đây, bà vẫn qua lại gia đình họ như những người hàng xóm, láng giềng thân thiết.
Con trai, con dâu dính vào vòng lao lý, bà lại phải còng lưng chăm nuôi các con của T cho đến ngày trưởng thành. Suốt ngày cặm cụi ngoài đồng ruộng, kiếm gạo, kiếm tiền nên bà chẳng lo được cho mấy đứa đầy đủ. Đứa học đến lớp 11 thì bỏ, đứa học đến lớp 8 thì nghỉ. Giờ cả mấy đứa con của T đã lấy chồng, kiếm được công việc nhưng chả giúp được gì cho bà. “Đứa nào cũng vất vả, tiền kiếm để nuôi cái miệng còn chưa đủ thì lấy gì giúp tôi. Chỉ mong nó đừng hư hỏng, đừng dính vào nghiện hút, rượu chè là hạnh phúc rồi”, bà nói trong cơn ho sặc sụa.
Nhắc đến rượu, bà lại nhớ đến người con trai thứ hai vừa mất được mấy năm trước cũng vì uống rượu nhiều quá. Anh L, người con trai thứ hai của bà Đính sau biến cố từ người anh trai cả đâm ra chán nản, suốt ngày rượu chè rồi sinh đủ thứ bệnh. Vợ anh L đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan nhưng làm ăn khó khăn nên chẳng có nhiều tiền. Thậm chí lúc chồng mất, chị cũng không về, chỉ gửi ít tiền về nhờ bà lo ma chay.
Con trai chết, con dâu đi xa, hai năm nay bà cụ Đính lại phải lo cho hai đứa cháu ăn học.
Khổ nhưng chưa muốn chết!
Mặc dù đã 86 tuổi nhưng bà Đính chỉ mới được ngơi nghỉ hơn năm nay, chứ năm trước, cái giờ mà người ta đang chuẩn bị cơm tối thì bà đang lúi húi ngoài đồng. Ông Nguyễn Khắc Đức, Cụm trưởng Cụm 4, xã Liên Hiệp cho biết, ở xã này, hoàn cảnh bà Đính là đặc biệt nhất và vất vả nhất.
Những năm 90, khoản tiền phải đền bù cho bị hại 65 triệu là rất lớn nên cả bà và gia đình phải làm lụng đủ thứ để có tiền thi hành án. “Con thì người phải trả giá vì phạm tội, người mất sớm vì bệnh tật. Mấy đứa cháu của người con trai thứ hai thì đang tuổi ăn, tuổi lớn nên bà vẫn phải tự lo”, ông Đức nói.
Trước hoàn cảnh của bà Đính, xã Liên Hiệp cũng làm chính sách để hỗ trợ cho bà mỗi tháng 350.000 đồng. Khoản tiền này, bà Đính dùng để mua thức ăn và những sinh hoạt tối thiểu. Những người hàng xóm ở đây cho biết, bà Đính mặc dù nghèo nhưng sống chân chất và hiền hậu nên hàng xóm ai cũng quý mến. Lúc thì người này cho mấy quả trứng, lúc thì cho bộ quần áo, lúc lại cho bà ít đồng mua thức ăn. “Hôm trước có người cho mấy quả trứng, về luộc ăn được mỗi quả. Mấy hôm nay đau chân, lên trạm y tế xã khám, họ bảo phải lên viện để điều trị. Nhưng vì không có tiền nên tôi chả đi nữa”, bà Đính kể về bệnh tật.
Khổ cực là vậy, nhưng chưa lúc nào bà suy nghĩ tiêu cực. Căn nhà ẩm thấp, cứ mưa lại phải che chỗ này, đậy chỗ khác, cơm thì bữa mắm, bữa rau nhưng bà vẫn sống lạc quan vui vẻ. Lúc chia tay, bà bảo: “Khổ thế này chứ tôi chưa muốn chết đâu. Sống một ngày trên trần gian cũng gấp vạn ngày dưới âm phủ. Nên tôi cứ sống, vượt qua khó khăn, được ngày nào quý ngày đó thôi”.