Nỗi ám ảnh của người chồng nát rượu đi tù vì giết vợ

Sự kiện: Tin pháp luật

Dường như 2 từ "ma làm" luôn chực sẵn cửa miệng Nguyễn Văn Sự (SN 1983, ở Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh) để anh ta thanh minh cho việc cầm dao đâm chết vợ. Có lẽ cũng phải thôi bởi với một người như Sự, hành động của anh ta chỉ có thể dùng hai từ đó để cắt nghĩa bởi vợ anh ta, một phụ nữ được đánh giá là đảm đang, vừa biết lo toan kinh tế gia đình vừa chăm chồng, nuôi con…

Hạnh phúc ngắn ngủi

Giờ thì người phụ nữ ấy đã an giấc ngàn thu được gần chục năm rồi, nhưng kẻ cướp đi mạng sống của chị, đồng thời cũng là người chồng, mới đi được nửa đoạn đường cải tạo. Sự bảo mới có 8 năm thôi nhưng từ lúc biết vợ mình đã chết, anh ta luôn sống trong dằn vặt, đau đớn nhất là mỗi khi nghĩ về 2 đứa con nhỏ dại. 

"Ngày tôi gây án, con trai lớn 6 tuổi, còn đứa bé mới được 8 tháng. Chúng còn bé quá đã mất mẹ", Nguyễn Văn Sự nói. Anh ta bảo ở "trong này", thi thoảng nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc là lại giật mình và rồi chuyện cũ lại hiện về, ám ảnh.

Nguyễn Văn Sự có dáng người nhỏ bé nhưng điểm đặc biệt khiến chúng tôi chú ý đó là đôi mắt của anh ta lúc nào cũng mở to, ngơ ngác đến thẫn thờ mà theo như nhận xét của Trung tá Phan Tiến Dũng, phụ trách phân trại 1, Trại giam Quảng Ninh thì đó là di chứng của việc nghiện rượu để lại. Nhắc đến Sự, quản giáo Dũng bảo đó là một phạm nhân thiên về sống nội tâm, nội quy chấp hành tốt nhưng tư tưởng rất dễ dao động.

Học hết lớp 9 thì bỏ vì khả năng không thể học lên cao nữa, Sự theo anh trai đi buôn bán mà cũng chỉ là chạy chợ bán những đồ lặt vặt như rau quả. Đất Hòa Bình như chuộng người khác xứ nên chỉ một thời gian sau, anh em Sự đã có chút vốn liếng. 

Hai anh em mỗi người một xe máy, thường vào các huyện vùng cao, mùa nào thức ấy, đưa hoa quả về thị xã Hòa Bình, nhiều khi còn đưa cả về Hà Nội để bán. Đang làm ăn được thì Sự đến tuổi đi nghĩa vụ quân sự. Năm 2002, ra quân, Sự định theo anh tiếp tục rong ruổi bán buôn nhưng một sự kiện đã đưa cuộc đời anh ta rẽ sang một trang mới.

Phạm nhân Nguyễn Văn Sự.

Phạm nhân Nguyễn Văn Sự.

Lần ấy, Sự đi dự đám cưới người em con chú ở Thuận Thành, chẳng biết duyên số thế nào đã khiến anh ta có cảm tình với chị Trần Thị Liên, một cô gái cùng xã hơn Sự 1 tuổi. Mặc dù chỉ hơn Sự có 1 tuổi nhưng cách ăn nói của chị Liên chín chắn rất nhiều và chính vẻ người lớn, dịu dàng nữ tính ấy của chị Liên khiến Sự mê mệt. 

Tìm bằng được đến nhà chị Liên, ngày nào Sự cũng trồng cây si trước cửa để được nhìn thấy mặt cô gái mà mình mê mẩn. Sau 3 tháng "ngồi lỳ, chai mặt", cuối cùng tình cảm của Sự cũng được chị Liên đáp lại. Họ yêu nhau, cũng thơ mộng, dỗi hờn như bao đôi lứa khác để rồi một năm sau cùng tràn đầy hạnh phúc với một đám cưới trong sự ủng hộ của hai bên gia đình và bạn bè. Năm 2004, chị Liên sinh con trai đầu lòng.

Có con, thêm nhiều khoản phải chi tiêu trong khi nguồn thu nhập của hai vợ chồng chủ yếu trông vào công việc buôn bán của Sự nên nhiều khi cũng chật vật. Sự bàn với vợ đợi khi nào cai sữa con thì gửi bà nội chăm hộ còn hai vợ chồng Sự ra Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh buôn bán.

"Tôi ra Móng Cái nhưng vì không có vốn làm ăn với bạn nên ban đầu, vợ chồng tôi buôn bán hoa quả, gọi là lấy công làm lãi, sau đó mới chuyển sang buôn bán quần áo", Nguyễn Văn Sự nhớ lại.

Do biết vun vén, tích góp nên 2 năm sau, vợ chồng Sự thuê được gian hàng trong chợ Kênh 12 để bán quần áo. Thu nhập trong sạp bán  quần áo thời ấy trừ hết chi phí thuê cửa hàng, điện, nước, hai vợ chồng Sự cũng để ra mỗi tháng 5 - 7 triệu đồng. Dù mức thu nhập ấy không quá cao, nhưng cũng là một khoản tiền đáng kể so với công việc trước kia, lại không phải nắng mưa, nặng nhọc. 

Theo lời Sự kể thì ngày đó vợ chồng rất vui vẻ hạnh phúc, lắm lúc rảnh rỗi, Sự lại đi bù khú với nhóm bạn cùng quê, rượu chè đến tối đêm mới mò về cửa hàng. Chẳng biết có phải vì rượu hay vì sức khỏe mà thần kinh của Sự có vấn đề. 

Theo lời Sự thì năm 2008, trong một lần đang đứng bán hàng, Sự bỗng thấy đầu óc choáng váng, mở mắt ra chỉ thấy một màn đen. Nghĩ chồng bị trúng gió, chị Liên đã mua thuốc cho chồng uống nhưng triệu chứng ấy vẫn tái diễn vào nhiều ngày sau. Lo sợ mắc bệnh hiểm nghèo, Sự bảo vợ đưa về Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Tại đây các bác sỹ cho biết, Sự bị rối loạn thần kinh do rượu. Nằm viện được 10 ngày, gia đình xin cho Sự ra viện và điều trị ở nhà.

Sự được đưa về quê còn chị Liên vì không thể đóng cửa hàng nên tiếp tục ra Móng Cái bán hàng. Vắng vợ, Sự lại lén lút uống rượu nên căn bệnh không thuyên giảm và thi thoảng Sự lại lên cơn co giật, bất tỉnh và "mù" tạm thời khoảng vài phút. Cho rằng Sự bị "ma", bố mẹ Sự đi mời thầy cúng về nhà cúng lễ nhưng bệnh tình của Sự vẫn không thuyên giản. 

Lo Sự có hành vi dại dột, bố mẹ Sự đưa anh ta lên tầng 2, cắt cử người chăm sóc, đến bữa mới mở cửa đưa cơm vào. Nghĩ cha mẹ kìm kẹp mình, Sự tìm cách chống đối và trong một lần trèo ra ngoài, Sự bị ngã, gãy chân, giập xương sườn, phải nằm điều trị tại Bệnh viện Việt Đức hơn 1 tháng.

Cuối năm 2009, sau khi xuất viện và đi lại được, Sự tiếp tục ra Móng Cái giúp vợ trông nom cửa hàng. Sự chăm chỉ làm việc, tối đến là ở nhà với vợ chứ không đi rượu chè với đám đàn ông trong khu nữa. Nhưng, khi đứa con thứ 2 được 8 tháng tuổi cũng là lúc Sự gây ra đại họa.

Theo bản án, tối 28-1-2011, Sự ra nhà bác ruột ăn giỗ, đến khoảng 20h thì nhận được điện thoại của chị Liên giục về nghỉ sớm để đêm còn đi lấy hàng. Trở về trong trạng thái bực bội, Sự bước chân vào nhà, thấy vợ đang ôm con nằm trên giường, quay lưng ra ngoài. Sự cất giọng gọi vợ dậy ăn cơm nhưng vì đang cố ru con ngủ nên chị Liên không trả lời. 

Cho rằng vợ không quan tâm đến mình, Sự mang rượu ra uống. Khi chị Liên đặt được con, trở dậy ăn cơm thì Sự đã uống hết nửa chai rượu. Lâu rồi không nhìn thấy chồng uống rượu nên khi thấy Sự uống, chị Liên đã can ngăn nhưng không sao giằng được chai rượu trong tay chồng. Sự uống thêm vài chén nữa thì đầu óc quay cuồng không biết gì nữa. 

Sự bảo anh ta cầm dao ra sao, đâm vợ như thế nào đều không nhớ được. Chỉ biết rằng Sự đã lăn ra ngủ đến 4h sáng hôm sau thì bị tiếng rên của chị Liên đánh thức. Nhìn thấy vợ bê bết trong vũng máu, hơi thở thoi thóp, Sự vội chạy sang ki ốt bên cạnh gọi hàng xóm đưa chị Liên đi cấp cứu nhưng tất cả đã muộn màng.

Cán bộ quản giáo hướng dẫn phạm nhân may công nghiệp.

Cán bộ quản giáo hướng dẫn phạm nhân may công nghiệp.

Cả đời day dứt "vì bản án lương tâm"

Bị kết án 18 năm tù về tội giết người song với Sự, hai đứa trẻ bơ vơ, thiếu hơi ấm tình mẫu tử mới khiến anh ta day dứt, đau khổ. Đến bây giờ, sau 8 năm thụ án về hành vi mất hết nhân tính của mình, Sự vẫn không hiểu vì sao hôm đó mình lại đâm vợ. Anh ta cho rằng chỉ có bị ma làm, bị rượu làm cho mất nhận thức mới đang tâm cướp đi mạng sống của vợ mình.

"Rất nhiều lần tôi tìm lời biện minh cho mình nhưng tìm mãi vẫn không có được một lý do chính đáng", Sự kể. Từ ngày về Trại giam Quảng Ninh cải tạo, Sự được người thân quan tâm, vài tháng lại lên thăm một lần. Lần nào lên, họ cũng mang theo 2 đứa nhỏ để bố con Sự được gặp nhau. Nhìn đứa lớn dỗ dành đứa em, Sự thấy trong lòng đau nhói. Anh ta bảo nhìn con mỗi ngày một đổi khác, từ biết nói bi bô, biết ôm cổ bố rồi đến thắc mắc sao công ty của bố có nhiều người mặc áo giống nhau thế, Sự chỉ biết khóc vì ân hận.

Trung tá Phan Tiến Dũng, quản giáo quản lý Nguyễn Văn Sự, bảo rằng Sự là phạm nhân luôn chấp hành tốt nội quy của trại. Tuy nhiên, Sự là người sống nội tâm nên lúc nào cũng buồn bã, ít nói. 

"Những phạm nhân mang tội giết người thường hay tự tổ chức giỗ nạn nhân bằng khẩu phần ăn của mình nhưng đó cũng là việc coi như một sự sám hối, tự giải thoát. Sự cũng không ngoại lệ nhưng tâm lý phạm nhân này nặng nề hơn nên chúng tôi thường xuyên phải gọi lên hỏi chuyện, động viên và nhắc các phạm nhân cùng buồng quan tâm, trò chuyện", Trung tá Dũng cho biết. 

Theo lời Trung tá Dũng thì Sự đã hai lần được giảm án. Vẫn đôi mắt to, ngơ ngác, Sự lặng lẽ bước từ nơi lao động về phòng cán bộ. Dường như đoán trước được câu hỏi của chúng tôi, Sự nói như thanh minh: "Cháu không có ý giết vợ, mà lúc ấy cháu bị ma làm".

"Chỉ vì rượu mà bàn tay tôi đã cướp đi hạnh phúc của các con. Bây giờ, chúng còn nhỏ, có lẽ chúng chưa hiểu hết chuyện nhưng sau lớn lên, chắc sẽ hận người bố bất nhân này. Nhiều đêm nằm nghe tiếng côn trùng, nhìn bức tường trại giam lạnh lẽo, nhiều đêm tôi không sao chợp mắt nổi. Cứ nghĩ đến cái chết của vợ, hình ảnh cô ấy nằm thoi thóp thở rồi ánh mắt trong veo đầy thắc mắc của các con, tâm can tôi luôn giằng xé. Tôi biết lương tâm tôi, bản án ấy còn nặng nề hơn cả 18 năm tù", Sự chia sẻ.

Phiên tòa đầy ám ảnh của những người con có bố sát hại mẹ

“Bố nhớ cải tạo tốt, chúng con sẽ chờ” là câu nhắn nhủ của các con trước khi bị cáo Lê Hải Châu bị áp giải vào...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vĩnh Hà ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN