Những vụ án ma túy "khủng": Ma lực đồng tiền

Nhiều án tử hình vì buôn bán ma túy được thực thi nhưng vẫn nhiều kẻ lao đầu vào.

Đã có nhiều "anh chị" trong giới buôn ma túy phải gánh chịu những mức án cao nhất. Tuy nhiên, như những con thiêu thân lao vào món lợi khổng lồ, tội phạm ma túy hoạt động ngày càng manh động và lạ là khi bị bắt, chúng lộ ra dáng dấp của những “ông trùm”. Câu hỏi đặt ra là hình phạt cao nhất liệu đã đủ mạnh để ngăn chặn dạng tội phạm này, hay còn cần những yếu tố kết hợp khác...

Những vụ án nhức nhối dư luận

Thời gian qua, cơ quan công an đã bắt quả tang, bóc gỡ nhiều đường dây mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy mà khi nhắc đến số lượng, nhiều người phải giật mình, còn dư luận thì vô cùng nhức nhối. Gần đây nhất, công an tỉnh Bắc Giang vừa phối hợp với Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) bắt quả tang 2 đối tượng đang vận chuyển trái phép 62 bánh heroin. Đây là kết quả sau nhiều ngày tháng các trinh sát đã dày công thu thập tài liệu, theo dõi mọi quy luật hoạt động của đối tượng.

Những năm qua, địa bàn huyện Tân Yên và Hiệp Hòa (Bắc Giang) vốn được đánh giá có tình hình tội phạm ma túy phức tạp. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an phát hiện thời gian gần đây xuất hiện một số đối tượng ở các địa bàn khác tìm cách móc nối, cấu kết với các đối tượng người địa phương để buôn bán, vận chuyển ma túy từ khu vực biên giới về Bắc Giang để tiêu thụ. Từ những thông tin ban đầu, chuyên án mang bí số 270H được xác lập để triệt phá đường dây ma túy khủng này.

Khoảng 1h sáng 10/6/2012, tại khu vực cầu Vát, thuộc xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa xuất hiện một chiếc xe ô tô tải, mang BKS 29C - 081.69 có dấu hiệu khả nghi. Lực lượng làm nhiệm vụ nhanh chóng triển khai đội hình chặn chiếc xe lại để kiểm tra. Qua biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát nắm được trên chiếc xe này chắc chắn có ma túy. Tuy nhiên, phải mất đến 3 tiếng đồng hồ xem xét kỹ lưỡng từng chi tiết, đến 5h sáng cùng ngày, lực lượng công an mới phát hiện 62 bánh heroin bọc trong túi nilon đen, được cất giấu rất kỹ trong các vách ngăn cabin của chiếc xe tải 1,5 tấn.

Hai đối tượng khai là Sồng A Lư (37 tuổi) và Tráng A Chu (46 tuổi) cùng trú tại bản Cồ Tang, xã Loóng Luông, huyện Mộc Châu, Sơn La. Hai đối tượng này khai nhận, trước đây đã nhiều lần vận chuyển ma túy về Bắc Giang với số lượng lớn, mỗi chuyến có ít nhất vài chục bánh heroin. Trước khi bị bắt, Sồng A Lư từng là công an viên của xã Lóng Luông và đã từng có thành tích trong đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy. Chính vì vậy, thủ đoạn mà bọn chúng dùng để đối phó với lực lượng chức năng cũng rất tinh vi, xảo quyệt. Chúng không thể ngờ rằng, mọi hành vi phạm pháp của mình dù được che đậy kín đáo đến đâu cũng không qua được con mắt của các trinh sát dày dạn kinh nghiệm.

Đến trưa cùng ngày, tổ công tác do thiếu tá Thân Văn Lợi, phó trưởng phòng PC47 Công an Bắc Giang dẫn đầu đã bắt giữ được đối tượng Nguyễn Tiến Dũng (60 tuổi, trú tại tỉnh Thái Nguyên). Đây là một mắt xích quan trọng trong đường dây ma túy siêu khủng, được phân công nhiệm vụ trực tiếp nhận ma túy từ hai đối tượng Chu và Lư, sau đó bàn giao cho trùm ma túy Lưu Thị Thuần (46 tuổi, ở Hiệp Hòa, Bắc Giang) phân phối. Ngay lập tức, Thuần đã bị bắt khẩn cấp khi thị đang lang thang ở khu vực bến xe Giáp Bát, chuẩn bị bắt xe bỏ trốn. Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận số lượng ma túy mua bán trái phép tổng cộng là 168 bánh heroin. Hiện, vụ án đang tiếp tục được điều tra, mở rộng.

Thoát án tử mà vẫn... chết

Trước đó, khoảng 11h30 ngày 8/4/2012, trên Quốc lộ 8, thuộc địa phận tỉnh Bôlykhămxay (Lào), lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam phối hợp với công an tỉnh Bôlykhămxay (Lào), bắt quả tang đối tượng Xiêng Phênh (53 tuổi, trú tại bản Đông Cà Lau, quận Xỉ Khọt Tạ Poong, TP. Viêng Chăn, Lào) đang vận chuyển 39 bánh heroin (tương đương khoảng 15kg heroin). Đây là kế hoạch vây bắt trong chuyên án đấu tranh bóc gỡ đường dây vận chuyển, tiêu thụ ma túy quy mô rất lớn từ Lào vào Việt Nam, đã được lực lượng phối hợp giữa các đơn vị của Lào và Việt Nam lập chuyên án đấu tranh.

Được biết, Xiêng Phênh chính là một mắt xích quan trọng trong vụ án Vũ Xuân Trường, từng gây chấn động dư luận vào những năm 90 của thế kỷ trước. Xiêng Phênh bị bắt năm 1995 khi đang vận chuyển một lượng ma túy khủng vào Việt Nam và bị kết án tử hình. Trước khi ra pháp trường, tử tù này đã khai ra đối tượng cầm đầu đường dây ma túy là Vũ Xuân Trường nên được hoãn thi hành án tử hình, phục vụ cho công tác điều tra. Sau đó, Xiêng Phênh được Chủ tịch nước ân xá, giảm án từ tử hình xuống chung thân, và ra tù vào năm 2010.

Những tưởng sau một lần chết hụt, đối tượng này sẽ thực sự biết trân trọng cuộc sống, thế nhưng chỉ chưa đầy 2 năm sau ngày được đặc xá, ra tù, hắn ta lại sa chân vào con đường cũ và lần này cũng không thể thoát khỏi lưới pháp luật. Theo Điều 146, Luật Hình sự nước CHDCND Lào thì người nào sản xuất, buôn bán, phân phối, tàng trữ, vận chuyển heroin, morphin, cocain từ trên 500g sẽ bị tử hình.

Không chỉ là việc của công an...

Một tiến sĩ xã hội học cho rằng, nhận thức của nhiều người, thậm chí là nhận thức của một số cán bộ chủ chốt ở chính quyền các địa phương về tác hại ma túy còn nhiều hạn chế. Họ cho rằng, việc phòng chống tội phạm ma túy là của ngành công an và Bộ đội Biên phòng, chứ không phải việc của mình, vì thế mà trong công tác quản lý nhà nước ở cấp cơ sở bị buông lỏng ở một số lĩnh vực như: Quản lý nhân khẩu, quản lý văn hóa phẩm, giáo dục tại địa phương hoặc quản lý các dịch vụ kinh doanh đặc biệt. Đó chính là những kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo các thành phần tham gia vào đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, đặc biệt là những thanh thiếu niên bị buông lỏng quản lý. Cũng theo vị chuyên gia này, do siêu lợi nhuận từ sản xuất, buôn bán, vận chuyển, nhiều đối tượng đã bất chấp pháp luật, tìm mọi thủ đoạn để mua chuộc và lôi kéo một số cán bộ biến chất đứng ra bao che, hoặc làm ngơ cho các hoạt động phi pháp có liên quan đến ma túy.

Đại tá Phạm Văn Chình - phó cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy nhận định: “Các đường dây ma túy xuyên quốc gia luôn hoạt động theo quy trình khép kín để đảm bảo bí mật, tránh bị lộ diện. Bên cạnh đó, tội phạm ma túy thường mang theo vũ khí nóng để chống trả quyết liệt lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.”

Có một đặc điểm là trên các địa bàn vùng biên giới nước ta vẫn còn nhiều người nghiện ma túy. Họ không có tiền để mua ma túy sử dụng, vì thế, các đối tượng đã lôi kéo họ tham gia, gắn kết chặt chẽ vào đường dây tội phạm. Chúng trả công bằng cách cấp ma túy trực tiếp cho những người này sử dụng. Ngoài ra, sau mỗi chuyến trót lọt, chúng còn cho họ chút tiền gửi về cho gia đình, để họ trung thành xách hàng cho chúng qua biên giới. Điều đó đã khiến tình hình vận chuyển ma túy vùng biên diễn ra ngày càng phức tạp, thành phần hoạt động đa dạng, khó kiểm soát hơn. Vì thế, cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ban ngành với chính quyền các cấp làm tốt công tác cai nghiện và quản lý người sau cai nghiện.

Theo đánh giá của lực lượng Bộ đội Biên phòng, trên các tuyến biên giới đất liền của Việt Nam, đặc biệt là khu vực biên giới Việt - Lào, Việt - Trung, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy diễn ra phức tạp và có xu hướng gia tăng. Một cán bộ Cục phòng, chống tội phạm ma túy (Bộ đội Biên Phòng) đánh giá, các tỉnh phía Bắc của Lào luôn chịu áp lực rất lớn về ma túy từ khu vực Tam giác vàng, với số lượng nguồn cung rất nhiều, giá cả chênh lệch cao giữa việc mua ma túy tại Lào và bán tại Việt Nam. Chính vì thế, các đối tượng ở phía Bắc Lào và thủ đô Viêng Chăn đã tìm mọi cách móc nối với các đối tượng ở Việt Nam, tổ chức hình thành lên những đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ vùng Tam giác vàng về tập kết tại khu vực trọng điểm sát biên giới nước Lào. Từ đó, các đối tượng sẽ lợi dụng mối quan hệ thân quen, họ tộc, dân làng của cư dân vùng giáp ranh, họ có thể đã gắn bó lâu nay, thường xuyên qua lại thăm hỏi nhau rồi mua bán, trao đổi hàng hóa, để lừa phỉnh, lôi kéo, mua chuộc họ tham gia hoạt động vận chuyển ma túy qua biên giới từ Lào về Việt Nam. Những người này thường rất thông thạo địa hình vùng biên, kể cả những con đường tắt, không chính ngạch. Ma túy thường cất giấu lẫn trong hàng nông sản, gỗ tròn, hàng phế liệu chuyên chở bằng ô tô, hoặc lợi dụng các đoàn xe quá cảnh, xe khách để vận chuyển ma túy qua cửa khẩu, biên giới vào Việt Nam. Với phương thức thủ đoạn này, rất khó để phát hiện, triệt tiêu.

Trao đổi với PV khi nói về tội phạm ma túy, thượng tá Đỗ Văn Hồng – trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Hà Nam từng nói: “Việc quan trọng là mỗi người dân phải hiểu rõ tác hại của ma túy. Bất kỳ ở dạng nào dù là heroin, hay ma túy đá tổng hợp. Tất cả chúng đều gây tác hại khôn lường. Chống tội phạm ma túy, ngoài lực lượng chuyên trách cần có cả sự phối hợp của các cấp chính quyền, mọi tầng lớp nhân dân”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chí Công – Đông Phương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN