Những vụ án "dở khóc dở cười"

Sự kiện: Tin pháp luật

Trong năm 2023, không ít vụ án khi dư luận nghe lý do, thủ đoạn gây án đã không biết nên khóc hay nên cười.

1. Nhờ bạn thân "nhập vai" bắt cóc

Vụ án có phần hy hữu này xảy ra tại quận Bình Tân, TP HCM. Ngày 8-3-2023, TAND quận Bình Tân đưa ra xét xử đối với Nguyễn Thanh Hiếu, Nguyễn Mạnh Trung về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo hồ sơ vụ án, Hiếu và Trung là bạn bè. Hiếu kể với Trung rằng Hiếu đang thiếu nợ nhiều người nhưng không có khả năng chi trả. Do đó, Hiếu nhờ Trung phối hợp diễn một màn kịch với gia đình Hiếu.

Cụ thể, Hiếu nhờ Trung giả vờ bắt cóc Hiếu rồi quay, chụp cảnh trói tay, bịt miệng gửi cho gia đình Hiếu để "lấy tiền chuộc".

Nghe lời bạn, Trung đồng ý. Cả hai thuê một phòng ở khách sạn tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân rồi dựng hiện trường như đã bàn bạc. Tại đây, Hiếu tự trói chân vào ghế, nhét khăn vào miệng để Trung chụp hình, quay phim.

Sau đó, Hiếu lấy điện thoại của Trung gửi hình ảnh và video cho anh họ của Hiếu, yêu cầu gia đình chuyển 40 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng của Hiếu.

Người anh họ nhận được tin nhắn, liên hệ lại thì gặp Trung. Trung đe dọa, yêu cầu gia đình phải đưa tiền chuộc, nếu không sẽ "xử lý Hiếu". Để tăng phần chân thực cho màn kịch, Hiếu còn nhờ Trung đạp lên đầu mình rồi quay phim gửi cho anh họ. Người anh họ lo lắng nên chuyển trước 5 triệu đồng. Sau đó, người này đến Công an TP HCM trình báo. Sau khi nhận được tiền, Hiếu mang đi xài thì bị công an triệu tập.

Xem xét vụ án, HĐXX tuyên phạt Hiếu 9 tháng tù và Trung 6 tháng tù cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

2. Lừa hàng chục tỉ đồng nhờ "nổ" giỏi

Ngày 9-1-2023, TAND TP HCM đưa Nguyễn Ngọc Thiện (tên gọi khác là Long; SN 1981, ngụ TP HCM) ra xét xử về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Chỉ "nổ" là phó chánh thanh tra Bộ Công an, Thiện đã dễ dàng chiếm đoạt hơn 40 tỉ đồng của nhiều nạn nhân.

Dù thất nghiệp nhưng gặp ai Thiện cũng "nổ" mình là phó chánh thanh tra Bộ Công an. Một lần, bà Đ.M.L. nhờ Thiện giúp người em họ của mình đòi lại tiền dịch vụ làm visa đi nước ngoài tại một công ty. Thiện gọi điện đến công ty, xưng tên Long, làm trong ngành công an và yêu cầu giám đốc công ty trả lại tiền nếu không sẽ bị xử lý. Sau đó, công ty này đã trả lại tiền.

Nguyễn Ngọc Thiện trước toà

Nguyễn Ngọc Thiện trước toà

Tối ngày 16-7-2018, bà L. cùng em họ gặp Thiện để cám ơn. Qua trò chuyện, Thiện "nổ" nơi công tác, thanh tra Bộ Công an, đang bán thanh lý 12 ô tô hiệu Lexus, Camry giá rẻ. Tin tưởng Thiện, bà L. không chỉ đưa 2,8 tỉ đồng để mua 2 ô tô Lexus mà còn giới thiệu cho người thân, bạn bè cùng mua.

Thiện còn "nổ" là mua được nhà đất, căn hộ, biệt thự của Bộ Công an "giá nội bộ" để lừa nhiều người.

Cơ quan điều tra xác định, Thiện đã nhận hơn 15 tỉ đồng nhưng không có nhà, không có xe giao cho những người đã đưa tiền.

Cũng với thủ đoạn "nổ" là phó chánh thanh tra Bộ Công an để xử lý vụ tranh chấp nhà; hoặc có suất mua thanh lý một căn nhà mặt tiền, nhưng do là công an nên không thể đứng tên giao dịch, Thiện đã lừa 6 nạn nhân với tổng số tiền là 12,5 tỉ đồng.

Ngoài việc lừa bán nhà, bán xe, Thiện còn lừa làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng… để chiếm đoạt nhiều tỉ đồng của các nạn nhân.

Xem xét vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Thiện tù chung thân. 

3. Mua súng nhựa đi cướp ngân hàng

Ngày 25-1-2023, TAND quận 8 (TP HCM) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 3 bị cáo trong vụ cướp ngân hàng Sacombank xảy ra trên địa bàn hồi tháng 3-2023.

Tại toà, các bị cáo thừa nhận ngày 1-3-2023, Trương Minh Thiện (35 tuổi) rủ Trương Vĩnh Xương (35 tuổi) và Hà Vỹ Toàn (34 tuổi; cùng ngụ quận 5, TP HCM) đi cướp ngân hàng Sacombank trên đường Trần Hưng Đạo, phường 5, quận 5.

Các bị cáo tại toà

Các bị cáo tại toà

Thiện phân công Xương vào phòng giao dịch xem có người rút tiền thì thông báo cho Thiện và Toàn dàn cảnh cướp. Xương vào ngân hàng chờ nhưng không thấy có người rút tiền nên cả ba bỏ đi.

Khoảng 14 giờ ngày 3-3-2023, nhóm này đến ngân hàng Sacombank trên đường Phạm Thế Hiển, phường 7, quận 8. Thiện để Xương đứng cảnh giới rồi cùng Toàn vào ngân hàng lấy số thứ tự khách hàng và ngồi chờ.

Sau đó Thiện đứng dậy, rút khẩu súng, giơ lên nói: "Mọi người đứng im, đưa hết tiền đây".

Hai bảo vệ và một số nhân viên ngân hàng làm theo, Thiện nói Toàn vào bên trong lấy tiền. Toàn thực hiện nhưng không tìm thấy tiền nên Thiện và Toàn bỏ chạy. Hôm sau, Thiện và Xương bị công an bắt. Toàn ra đầu thú ngày 7-3-2023.

Khám xét nhà của Thiện, công an thu giữ một cây súng nhựa. Cơ quan điều tra xác định khẩu súng sử dụng đạn bi nhựa, là đồ chơi nguy hiểm bị nghiêm cấm. Thiện nói mua khẩu súng này giá 200.000 đồng để bắn chuột, sau đó mới nảy ra ý định dùng để cướp ngân hàng.

Tại toà, Thiện khai ý định cướp ngân hàng nảy sinh do đã "đi vào đường cùng". Bị cáo này kể từng mở một tiệm kinh doanh bida và xăm hình nhưng do dịch COVID-19 khiến việc làm ăn thất bại và mắc nợ một khoản tiền lớn. Do đó, bị cáo muốn kiếm tiền trả nợ để quay lại cuộc sống bình thường.

Bị cáo Xương thì khai do không có tiền cho mẹ chữa bệnh nên khi Thiện rủ đi cướp ngân hàng, Xương đã đồng ý. Phần Toàn thì nói tham gia vụ cướp vì lòng tham, muốn kiếm tiền nhanh.

Xem xét vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Minh Thiện 9 năm tù, Trương Vĩnh Xương 8 năm 6 tháng tù và Hà Vỹ Toàn 9 năm tù cùng về tội "Cướp tài sản".

4. Mất tiền tỉ vì "kho báu"

Ngày 19-6-2023, TAND TP HCM vừa xét xử vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Hồ sơ thể hiện chỉ trong 6 ngày, nhóm bị cáo đã lừa của nạn nhân 1,5 tỉ đồng thông qua lời mời gọi đầu tư siêu lợi nhuận.

Theo đó, bà A. (ngụ huyện Củ Chi, TP HCM) vừa bán đất, có nhiều tiền và được người em họ ngỏ ý giúp kết nối với nhóm bạn "cán bộ Chính phủ" của mình để cùng làm ăn.

Các bị cáo tại toà

Các bị cáo tại toà

Ngày 19-4-2021, bà A. đến nhà trọ của Lê Văn Tiến (ngụ quận Tân Bình, TP HCM). Tiến "nổ" mình "có mối quan hệ mật thiết với những người công tác trong Chính phủ, công an và quân đội được giao cho khai thác các kho báu quốc gia. Tiến mở điện thoại cho bà xem hình ảnh các kho báu chứa rất nhiều tiền, đồ cổ quý hiếm... và chào mời đầu tư tiền cho một kho báu đầy ắp USD. Nếu đầu tư, bà A. được cam kết sau 10 ngày sẽ lãi 1 triệu USD, đồng thời "hưởng các chính sách lâu dài của nhà nước".

Bà A. xuôi tai, bỏ ra 1,5 tỉ đồng. Để tạo niềm tin, Tiến viết giấy vay tiền bà rồi đưa 100 tờ tiền USD giả nói đây là "tiền bảo chứng". Tiếp đó, được 2 đồng phạm Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Văn Tâm Em phối hợp, Tiến tiếp tục đề nghị bà A. đầu tư thêm 2 tỉ đồng. Đến khi vụ việc bị phanh phui, bà A. mới rõ chân tướng nhóm "cán bộ Chính phủ", đều chỉ là những người làm công việc bảo vệ hoặc giáo viên.

Nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án, 3 bị cáo nói vì nợ nần, không có tiền tiêu xài nên "vẽ" ra chuyện kho báu. Bị cáo Tuyết ê chề bộc bạch bản thân từng công tác trong ngành giáo dục gần 30 năm, chưa từng vi phạm đạo đức nên mong HĐXX xem xét đây là tình tiết giảm nhẹ. Sau đó, tòa tuyên phạt Tiến, Tâm Em, Tuyết lần lượt 15, 14 và 13 năm tù.

5. Mang "vũ khí" đẹp trai đi lừa tình lẫn tiền

Một vụ hy hữu khác vừa được TAND TP HCM đưa ra xét xử hồi 19-7-2023. Theo đó, Vũ Văn Khương (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) quen chị L.T.T.Th vào tháng 5-2019 qua mạng xã hội. Khương giới thiệu bản thân là đại tá hải quân và đưa chị Th. về quê nhà ở Nam Định ra mắt họ hàng.

Trong thời gian chuẩn bị đám cưới, Khương nói với chị Th. muốn chuyển công tác nên cần mượn của "phu nhân tương lai" 300 triệu đồng để "lo lót", chị Th. đồng ý.

Bị cáo Vũ Văn Khương tại toà

Bị cáo Vũ Văn Khương tại toà

Đầu năm 2020, trên đường chở chị Th. về Vũng Tàu, Khương dừng xe chỉ vào một lô đất có vị trí đẹp nói đó là đất quân đội ưu tiên bán cho sĩ quan cấp tá. Nếu có thêm 950 triệu đồng nữa thì chắc chắn có đất và chị Th. lại tin lời.

Khi đang sống chung với chị Th., Khương tiếp tục yêu đương, không đăng ký nhưng tổ chức đám cưới với chị P.T.T.Nh. Áp dụng kịch bản thành công cũ, Khương lừa chị Nh. 400 triệu đồng. Chị Nh. tìm hiểu thêm thì biết được Khương là "đại tá dỏm" nên tố cáo đến cơ quan công an. Từ đây, công an phát hiện Khương còn mang "mác sĩ quan" lừa cả tiền lẫn tình nhiều phụ nữ khác.

Trước toà, bị cáo Khương nói rằng không lừa đảo, do bị cáo đẹp trai, cao ráo nên các bị hại chủ động theo đuổi, tự nguyện đưa tiền cho Khương.

Xem xét vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Khương 16 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và 4 năm tù "Sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức". Tổng hợp hình phạt cho cả 2 tội là 20 năm tù.

Xung quanh chuyện những cái tên “độc, lạ” của các đối tượng dính vào vòng lao lý, cũng có khá nhiều chuyện bi hài, đáng nói. Nhưng số phận của mỗi người liệu có bị ràng buộc bởi cái tên được đặt hay không? Tên người có ảnh hưởng tới số mệnh không... vẫn là câu hỏi được nhiều người duy tâm đặt ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Thái ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN