Những tranh cãi pháp lý quanh vụ việc người đàn ông lấy trộm gần 3 tỉ đồng của vợ
Vụ việc một người chồng ở tỉnh Quảng Nam bị tạm giữ vì lấy trộm tiền của vợ đã gây nên tranh cãi gay gắt về mặt pháp lý. Đây là câu chuyện khá hi hữu bởi ở Việt Nam vẫn thường quan niệm “tiền của vợ là tiền của chồng, tiền của chồng cũng là tiền của vợ”.
Công an tỉnh Quảng Nam đang điều tra, làm rõ vụ trộm cắp tài sản trị giá gần 3 tỷ đồng xảy ra tại xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Ngày 31/1, bà Nguyễn Thị M (SN 1970, ở địa phương) trình báo với cơ quan công an gia đình mình bị kẻ gian đột nhập trộm cắp tài sản để trong két sắt trị giá hơn 2,3 tỷ đồng cùng nhiều trang sức có giá trị được cất giữ trong phòng ngủ.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh Quảng Nam) đã làm rõ ông Đinh Văn Thành (54 tuổi, chồng bà M) là nghi phạm gây ra vụ trộm cắp hy hữu trên.
Quá trình xác minh, ông Thành và bà M là vợ chồng nhưng đã ly thân từ nhiều năm nay, sống chung nhà nhưng không ở chung phòng. Bà M buôn bán hải sản và có tài sản cất giữ trong két sắt.
Nguyên nhân ban đầu xảy ra vụ việc được xác định do mâu thuẫn, tranh chấp tiền bạc trong sinh hoạt giữa ông Thành và bà M.
Đến ngày 31/1, khi ông Thành thức dậy, biết bà M đã đi làm nên ông vào phòng ngủ của vợ mở két sắt và lấy toàn bộ tài sản bên trong bỏ vào túi nilon, đưa đi cất giấu tại sau nhà.
Công an tỉnh Quảng Nam đã truy tìm và thu giữ toàn bộ tài sản ông Thành lấy trộm gồm 2,3 tỷ đồng và nhiều trang sức vàng, bạc.
Tang vật của vụ án được lực lượng chức năng thu giữ (ảnh TL)
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định, vụ án chồng trộm tiền của vợ là xưa nay hiếm. Theo quy định của Bộ luật Dân sự thì tài sản có thể được xác lập là tài sản chung hoặc tài sản riêng. Với tài sản vợ chồng thì pháp luật cũng quy định có tài sản chung và tài sản riêng. Tài sản chung vợ chồng thì cả hai có quyền quản lý, sử dụng, định đoạt ngang nhau.
Về nguyên tắc thì tài sản riêng của ai thì sẽ do người đó quản lý, sử dụng, định đoạt. Hành vi xâm phạm trái pháp luật đến tài sản riêng của vợ, của chồng thì cũng sẽ bị xử lý bằng các chế tài của pháp luật.
Thực tiễn cho thấy không ít trường hợp vợ chồng tự ý sử dụng tài sản chung, làm hư hỏng tài sản chung, hủy hoại tài sản chung dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện. Tuy nhiên, đối với những vụ việc này thì thông thường sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Cơ quan chức năng sẽ xác định quyền sử dụng tài sản của mỗi bên trên cơ sở đó xác định hành vi của các bên ở mức độ vi phạm như thế nào. Trong trường hợp tài sản chung vợ chồng nhưng một người sử dụng, định đoạt chưa quá một phần hai giá trị tài sản chung thì hành vi này không vi phạm pháp luật
Còn trường hợp người vợ hoặc người chồng biết rõ tài sản đó là tài sản riêng, mình không có quyền quản lý, sử dụng, định đoạt nhưng vẫn lén lút để chiếm đoạt tài sản riêng của vợ, của chồng thì hành vi đó cũng có thể được xác định là hành vi trộm cắp tài sản. Người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự.
Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, sẽ còn có nhiều tranh cãi pháp lý xung quanh vụ trộm cắp hy hữu này
Trong vụ việc nêu trên, cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tài sản bị mất thuộc quyền sở hữu của ai, là tài sản chung vợ chồng hay tài sản riêng của người vợ. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy số tài sản đó là tài sản riêng của vợ, người chồng biết rõ nhưng vẫn lén lút để chiếm đoạt tài sản thì hành vi này mới bị xử lý hình sự về tội "Trộm cắp tài sản" theo quy định tại Điều 173 (BLHS 2015).
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người đàn ông này đã lén lút chiếm đoạt tài sản riêng của vợ trị giá gần 3.000.000.000 đồng thì người đàn ông này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù theo quy định tại khoản 4 của điều luật trên.
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy đây là tài sản chung vợ chồng hoặc không có căn cứ cho thấy người đàn ông này đã lén lút để chiếm đoạt tài sản thì sẽ không khởi tố vụ án hình sự.
Điều 173. Tội trộm cắp tài sản 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; đ) Tài sản là di vật, cổ vật. ................ 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. |
Nguồn: [Link nguồn]
Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an tỉnh Quảng Nam đang củng cố hồ sơ, xử lý Đinh Văn Thành.