Những tình huống pháp lý vụ cha chém con trai 5 tuổi phải khâu 300 mũi
Trước khi ra tay chém con trai, người cha đã có những biểu hiện không bình thường. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm pháp lý trong trường hợp này sẽ được xem xét như thế nào nếu người cha ấy được xác định là tâm thần?
Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk tiếp nhận cháu P.N.M.K (5 tuổi, trú xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) được hàng xóm đưa vào bệnh viện trong tình trạng trên khuôn mặt có 3 vết thương rất lớn, làm biến dạng khuôn mặt.
Thời điểm được đưa đến bệnh viện, cháu K mất nhiều máu, không bắt được mạch, không đo được huyết áp. Hiện trạng 3 vết chém sâu và dài trên mặt, đứt hộp sọ, rách màng não, đứt xương hàm. Các bác sĩ đã nhanh chóng chuyển bệnh nhân vào phòng mổ. Hiện cháu K tạm thời qua được cơn nguy kịch, không ảnh hưởng đến tính mạng.
Được biết, cháu K là con thứ 2 của ông P.V.B (SN 1986). Cách đây khoảng 4 tháng, mẹ bỏ đi nên cháu K ở cùng với ông nội và bố. Khoảng 14 giờ ngày 10/1, ông B bất ngờ dùng dao chém nhiều nhát vào mặt cháu K. Thời gian gần đây, ông B có biểu hiện tâm thần, nói năng lảm nhảm. Hiện B đã được gia đình đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị.
Phân tích về vụ việc thương tâm này, luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định, trẻ em là đối tượng được pháp luật bảo vệ, mọi hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được sống đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Do vậy, hành vi dùng dao chém vào mặt đứa trẻ mới 5 tuổi của người cha là rất tàn nhẫn và có thể tước đoạt tính mạng cháu bé. Đây có thể là hành vi giết người, việc cháu bé may mắn thoát chết là ngoài ý muốn của người phạm tội. Trong vụ việc này, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ nguyên nhân cũng như tình trạng nhận thức của người cha khi thực hiện hành vi nguy hiểm đối với cháu bé để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.
"Dù là nguyên nhân gì thì hành vi chém vào mặt một đứa trẻ mới 5 tuổi là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Việc cháu bé may mắn thoát chết do được cấp cứu kịp thời nhưng đối tượng này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Giết người dưới 16 tuổi. Theo đó, hình phạt cho tội danh này từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, dù mức án thế nào thì những vết thương trong cơ thể cháu bé cũng khó có thể lành lặn như trước đây", luật sư Anh phân tích.
Hình ảnh bé K sau khi được phẫu thuật (ảnh TL)
Theo luật sư Anh, qua những thông tin ban đầu thì rõ ràng hành vi của người cha là giết người. Tuy nhiên, cần phải giám định tâm thần để xác định đối tượng này có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự hay không. Theo đó, sẽ có ba trường hợp có thể xảy ra: Một là, đối tượng hoàn toàn bình thường tại thời điểm gây án; Hai là, đối tượng mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi; Ba là, đối tượng bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.
Nếu rơi vào trường hợp thứ nhất, người cha sẽ phải chịu tội như những người bình thường. Nếu rơi vào trường hợp thứ hai, tức là khi sát hại nạn nhân, đối tượng đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì đối tượng này không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, căn cứ Điều 21 (Bộ luật Hình sự 2015): "Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự".
Luật sư Anh nhấn mạnh: "Để xử lý trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, cơ quan tố tụng cần phải xác định được năng lực trách nhiệm hình sự của người đó. Trường hợp tại thời điểm gây án, Nam không có năng lực trách nhiệm hình sự thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đối tượng này sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh để thực hiện công tác phòng ngừa chung cho xã hội".
Còn nếu rơi vào trường hợp thứ ba, tức là người cha chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc vẫn còn đầy đủ khả năng nhận thức nhưng do sử dụng trái phép chất ma túy dẫn đến ảo giác nên thực hiện hành vi phạm tội thì đối tượng này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người. Theo đó, pháp luật quy định trường hợp sử dụng ma túy, rượu bia hoặc chất kích thích khác dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc hạn chế khả năng nhận thức, sau đó thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì người thực hiện hành vi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
"Theo quy định của Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình thì cha mẹ, ông bà có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con cái mình đến khi trưởng thành. Nếu đã không bảo vệ, chăm sóc mà còn đánh đập, sát hại nạn nhân thì đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn.
Dù chế tài của pháp luật như thế nào chăng nữa thì trước tiên việc người cha nhẫn tâm sát hại con ruột của mình sẽ bị cả cộng đồng lên án mạnh mẽ và sắp tới sẽ phải đối mặt với mức chế tài nghiêm khắc của pháp luật. Bên cạnh chịu sự phán xét của pháp luật, một bản án lương tâm sẽ theo người cha ấy suốt quãng đời còn lại", luật sư Anh chia sẻ.
Điều 123. Tội giết người 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: b) Giết người dưới 16 tuổi; |
Cơ quan Công an đang điều tra, làm rõ vụ việc bố chém con trai 5 tuổi vào vùng mặt dẫn đến nguy kịch.
Nguồn: [Link nguồn]