Những đứa bé ra đời để mẹ trốn án tù

Để trốn thi hành án, nữ trùm ma tuý tìm mọi cách biến mình thành cái “máy đẻ” rồi bỏ mặc những đứa trẻ lớn lên như cây cỏ. Tàn nhẫn hơn, khi những đứa trẻ vô tội mới vừa biết đi, biết nói, thị lại biến chúng thành tấm bình phong trong các vụ giao dịch buôn bán “hàng trắng”. Một ngày, khi nghe tin hai con ruột chết đuối thảm thương, người mẹ “máu lạnh” này vẫn ngồi ăn hết bữa cơm rồi mới ung dung đến hiện trường mà không rỏ một giọt nước mắt thương xót nào...

“Máy đẻ” có trái tim quỷ dữ

Hai năm sau ngày nữ quái Nguyễn Thị Thuý Liễu (SN 1980) bị bắt, về khu 4, xã Yên Nội (Thanh Ba, Phú Thọ), những người dân quanh năm chân lấm tay bùn vẫn chưa thôi nhắc đến hình ảnh những đứa trẻ bơ vơ trước sự nhẫn tâm của người mẹ là trùm ma tuý lớn nhất đất vua Hùng.

Lợi dụng chính sách khoan hồng của nhà nước cho phụ nữ “nợ” án khi đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, từ thiên chức làm mẹ thiêng liêng của người phụ nữ, Liễu đã biến mình thành cái “máy đẻ”. Hễ thấy con sắp tròn 36 tháng tuổi, thị lại mang bầu. Bởi vậy, Liễu có một danh sách dài các “chồng hờ”, một phần là điểm tựa cho thị trong thế giới ngầm đầy rẫy nguy hiểm, mặt khác đội ngũ bồ bịch của Liễu giúp thị có thể mang thai bất cứ lúc nào. Chính vì thế, ngoài cháu Ngô Đức Hoàng (9 tuổi) là con chung với người chồng làm lái xe Bắc - Nam đã ly hôn, chẳng ai biết cha của ba đứa trẻ còn lại mà nữ “trùm ma túy” sinh ra.

“Hôm nay Liễu đưa người đàn ông này về nhà, mai lại tay trong tay với người khác. Bồ của nó nhìn đều rất bặm trợn, xăm trổ đầy mình. Chừng hai năm, Liễu lại mang thai một lần. Chúng tôi ở đây nhìn riết cũng quen rồi”, một người hàng xóm của “nữ quái” cho biết.

Ông N.V.H (chú ruột Liễu) khi được hỏi về cuộc sống riêng của đứa cháu hư hỏng cũng kể lại: “Vì cặp bồ, qua đêm với rất nhiều người đàn ông, nên chính Liễu cũng không biết ai là bố đẻ thực sự của những đứa con mình sinh ra. Vả lại, nó cũng không quan tâm tới điều đó, quan trọng là những sinh linh ấy giúp nó trốn không phải đi thi hành án. Nếu có ai hỏi, Liễu đều trả lời là: “bố chúng nó đang ở trong tù”. Nó đẻ rồi vứt con đấy cho ông ngoại, người thân trong họ, ai xót con xót cháu thì cưu mang chăm sóc”.

Coi việc sinh đẻ là mánh lới, chiêu trò thoát án đang treo lơ lửng trên đầu, Liễu chẳng ngó ngàng gì đến con cái, sinh con rồi bỏ mặc chúng tự sinh tự dưỡng như cây như cỏ. Những người hàng xóm của Liễu dù chẳng cùng máu mủ ruột thịt cũng thấy xót xa thay cho những đứa bé trót sinh ra bởi người mẹ mang trái tim quỷ dữ.

“Đêm nào cũng nghe thấy tiếng khóc xé lòng của mấy đứa bé, khóc đến lạc tiếng mà cũng chẳng nghe thấy một tiếng ru hờ của mẹ. Cháu bé mới sinh được mấy tháng tuổi vậy mà Liễu vẫn đi đêm về hôm. Nhiều khi, nó đi cả tuần, bỏ mặc con lăn lóc ở nhà cho ông ngoại (ông Nguyễn Văn Hùng – Pv) nay ốm mai đau phải ráng lết dậy chăm bẵm”, bà T.H, hàng xóm của gia đình “nữ quái” nhớ lại.

Những đứa bé ra đời để mẹ trốn án tù - 1

Chân dung Nguyễn Thị Thúy Liễu

Những người thân trong gia đình Liễu cho biết, từ khi 4 đứa con của thị sinh ra, chưa một lần thị nhớ đến chuyện cho bọn trẻ tiêm phòng. Chuyện các cháu ốm đau bị mẹ bỏ mặc thì đã là “thường ngày ở huyện”. Bà T.L, vợ ông H. nhớ lại: “Một tối mất điện, gia đình tôi đang chuẩn bị đi ngủ thì thấy bác K. chạy sang kêu: “thằng Dương (Ngô Đức Dương, 4 tuổi), và con bé Trang ( Ngô Thị Kiều Trang, 3 tuổi), sốt cao quá, cô chú giúp tôi với”. Tôi hỏi cái Liễu đâu thì bác K. bảo: “Có người đàn ông nào đó vừa đón nó đi xong”. Vợ chồng tôi chạy sang vội vàng đưa hai cháu đi viện kịp thời mới giữ được mạng sống. Vậy mà gọi điện cho cái Liễu, nó trơ tráo bảo: “Chết thế nào được mà cô chú lo”. Nói rồi, nó bỏ đi biệt mấy ngày, không có lấy dù chỉ một cuộc điện thoại hỏi thăm con mình ốm đau như thế nào”. Kể đến đây, bà L. không cầm được nước mắt, thương cho những đứa cháu không cha, lại có người mẹ vô tình, tàn nhẫn.

Liễu đẻ con ra rồi chối bỏ trách nhiệm chăm sóc. Hàng xóm của thị cũng chẳng mấy khi nghe thấy tiếng Liễu gọi con mình một cách trìu mến, mà thường được chứng kiến cảnh “bà trùm” này chửi bới, nhiếc móc cay độc lũ trẻ vô tội. Xót cháu, nhiều lần bà L. phải chạy sang can ngăn những trận đòn roi nghiệt ngã mà Liễu bực tức trút lên đầu mấy đứa con. Ghê tởm hơn, gần ba năm trước, hai đứa con của Liễu là Dương và Trang tha thẩn đi ra bờ ao chơi trong mùa nước lũ không may trượt chân té ngã chết đuối. Đến bữa cơm trưa không thấy cháu về, ông K. mới vội vã đi tìm thì phát hiện ra chuyện đau lòng.

Bà T.T, hàng xóm với nhà Liễu kể: ”Mọi người nháo nhác về báo tin hai đứa con tử nạn, vậy mà Liễu vẫn dửng dưng ngồi ăn hết bát cơm mới chịu đứng dậy. Thị còn nhẫn tâm nói những lời mất hết tính người: “Chúng nó chết cũng tốt, càng đỡ mất công nuôi”. Bức xúc quá, không biết bao nhiêu người chứng kiến sự việc sỉ vả nó. Nhưng nghĩ đến cùng, thì phần tội nghiệp chỉ thuộc về hai đứa nhỏ bất hạnh, trót sinh ra gặp phải người mẹ máu lạnh, không vương chút tình mẫu tử”.

Đắng đót chuyện tương lai

Đối xử với các con không một chút tình người, nên chuyện phải mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày với Liễu chẳng qua chỉ phục vụ mục đích lẩn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Những người dân địa phương ban đầu không hiểu sao thị lại lạnh lùng với con cái mình đến thế. Mãi sau này, khi Liễu bị bắt, họ mới vỡ ra. Sự tàn nhẫn của Liễu khiến không ít người phải thốt lên căm giận: “Đẻ ra, không nuôi dạy đàng hoàng đã đành lại còn biến con mình thành bình phong để phạm tội. Đến giờ, hai trong bốn đứa con đã ngậm hờn ra đi nơi chín suối”.

Liễu kéo cả mẹ lẫn anh chị em ruột mình vào tù vì buôn ma túy. Bản thân thị, bây giờ cũng cũng phải trả giá cho tội ác mình gây ra bằng cả cuộc đời ngồi sau song sắt nhà tù. Nhưng thị đi rồi, gánh nặng đời với hai đứa con nhỏ bơ vơ để lại cho bố đẻ. Trong căn nhà tồi tàn ấy, hai năm kể từ khi Liễu vào trại, ba ông cháu nương tựa vào nhau, bữa rau bữa cháo sống qua ngày. Chính ông Hưng, khi nhìn vào gia cảnh anh trai mình cũng quặn lòng lo cho những đứa trẻ. “Nhà nghèo đã đành, nhưng bản thân anh tôi nhiều khi cũng chẳng tỉnh táo để tự chăm sóc được cho mình vì nát rượu. Nhớ năm xưa, cũng vì rượu mà ông ấy bị con cái coi thường, chẳng dạy bảo được đứa nào cho đàng hoàng. Đến hôm nay, vợ, con đều đi tù ráo cả, âu cũng là cái giá phải trả. Tôi chỉ lo mấy đứa nhỏ con Liễu. Lớn lên nhìn vào tấm gương tày liếp của ông bà, của mẹ, tụi nó sẽ ra sao”, ông Hưng nghẹn ngào.

Ngồi bên cạnh nghe người em trai bộc bạch, ông Hùng lặng lẽ quay đi, lấy tay lau giọt nước mắt ân hận. Đưa mắt nhìn quanh ngôi nhà, chúng tôi thấy tài sản chẳng có gì đáng giá ngoài mấy thúng ngô. Ngày trước kinh tế phụ thuộc vào vợ con, nay tất cả đi tù, ông phải vác gánh nặng trên gia đình đôi vai gầy yếu. “Khi tôi khoẻ còn đi làm thuê kiếm được miếng ăn nhưng khi trái gió trở trời phải nằm liệt ở nhà, những lúc đó bà con hàng xóm lại thương tình giúp đỡ. Giờ ngẫm lại, con Liễu sống tàn nhẫn, vô cả đi buôn chất trắng phá hoại bao nhiêu gia đình. Vậy mà giờ, tôi và hai đứa con nó lại sống nhờ sự đùm bọc của bà con”, ông Hùng nói.

Có điều, sự giúp đỡ từ những người hàng xóm tốt bụng cũng chẳng thể bù đắp được cho hai đứa trẻ thiếu thốn bàn tay chăm sóc của cha mẹ. “Từ khi Liễu đi tù thì cháu Hoàng cũng phải nghỉ học vì không có tiền đóng học. Tôi cố lắm cũng chỉ đủ ăn cho ba ông cháu. Tháng 5 vừa rồi, bố đẻ của Hoàng ra trại đã đến đón cháu về quê nội chăm sóc. Hôm trước, Hoàng mới gọi điện cho tôi cháu khoe hết hè này cháu được đi học lại. Được ăn học tử tế, tương lai cháu tôi sẽ khác”, ông Hùng nói mà đôi mắt lóe lên hy vọng.

Trải qua sóng gió gia đình, nỗi ân hận giờ giúp ông Hùng nỗ lực đoạn tuyệt với men rượu. Nhưng tận đáy sâu trong lòng, ông vẫn canh cánh nỗi lo thời gian không còn đủ cho ông làm lại từ đầu: “Cháu Hoàng thì tôi đã yên tâm. Nhưng còn cháu Tú, mẹ nó phải ở tù hết đời, bố nó là ai tôi không biết. Năm nay, Tú mới bước vào mẫu giáo mà đời tôi thì ngày càng ngắn lại. Nếu không được chăm sóc dạy dỗ đàng hoàng, tôi sợ cháu tôi một ngày biến thành bản sao của mẹ nó. Nghĩ đến luật nhân quả ở đời, tôi muốn tích chút nhân đức cho cháu mà sao vẫn sợ…”.

Chân dung nữ quái

Để che mắt các cơ quan CSĐT, tiếp tục hành nghề buốn bán ma tuý, “nữ quái” Nguyễn Thị Thuý Liễu (SN 1980), trú tại Khu 4, xã Yên Nội, huyện Thanh Ba (Phú Thọ), người cầm đầu đường dây buôn bán và vận chuyển trái phép chất ma tuý liên tỉnh lớn nhất từ trước đến nay tại Phú Thọ đã nhẫn tâm lợi dụng quyền làm mẹ thiêng liêng để thoát khỏi việc phải thụ án. Trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến 1/5/2011, Liễu đã lợi dụng các con mình để chuyển 41 bánh, 5 cây, 6 chỉ, 9 phân heroin và 520 viên hồng phiến từ biên giới Tây Bắc về Phú Thọ tiêu thụ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo V.K (Đời sống & Hôn nhân)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN