Những dòng chữ nghẹn ngào từ trại giam

Sự kiện: Đằng sau song sắt

Khi lên thăm ba, con đã hỏi là ba có cần tiền đến như vậy không? Cách hỏi đó khiến ba biết đó là nỗi thất vọng lớn của con đối với ba. Ba chẳng biết nói gì ngoài câu ba xin lỗi và kéo con vào lòng ba, để con không nhìn thấy giọt nước mắt đã nhoè khoé mắt ba, giọt nước mắt tủi nhục nhất của con người”. Lá thư của phạm nhân Nguyễn Trọng Quý đang thụ án chung thân gửi con trai, là một trong 600 bức thư từ Trại giam Xuân Lộc.

Ngày 28/6, tại Trại giam Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII) sơ kết đợt phát động phạm nhân viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi”. Sau hơn nửa năm, đã có gần 600 bức thư.

Những dòng chữ nghẹn ngào

Phạm nhân Huỳnh Thị Vân Khanh (thuộc phân trại số 5) đã viết bức thư dài tới 7 trang giấy gửi cho cô Hiệu trưởng trường Tây Bắc Lân, Bà Điểm, Hóc Môn.

Hơn 15 năm trước, Khanh là giáo viên giảng dạy tại ngôi trường Tây Bắc Lân mà Khanh đã gắn bó cả tuổi thơ. Có học thức, giỏi tay nghề lại được cô chủ nhiệm lớp tiểu học cũ (lúc đó đã là hiệu trưởng) tin yêu nên Khanh có nhiều thuận lợi trong công việc, được đề bạt hiệu phó của trường. Nhưng Khanh đã lợi dụng chức vụ để lừa đảo, làm giả con dấu chiếm đoạt tài sản.

Thiếu tướng - Tiến sỹ Nguyễn Văn Ninh - Phó Cục trưởng Tổng cục VIII cho biết: “Cuộc vận động viết thư “Gửi lời xin lỗi” nằm trong các hoạt động giáo dục, hướng thiện cho mỗi phạm nhân. Dù mới đang chỉ là thí điểm nhưng cuộc vận động viết thư đã thu được kết quả tốt. Đây là cơ sở để chúng tôi mở rộng cuộc vận động ra cho các trại giam khắp cả nước”.

Với bản án 21 năm tù, Khanh đã ngồi trong trại này được gần 10 năm. Trong bức thư nắn nót nhưng nhoè đi vì nước mắt, Khanh tâm sự rất nhiều: “Cô đã cho em tình thương, đã dạy em cuộc sống. Cô từng nói con người ta có cả cái thiện và cái ác trong lòng, phải làm cho lòng tốt trong người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu mất dần đi…”.

Phạm nhân Nguyễn Quang Minh (Phân trại 3) đang thụ án 14 năm 6 tháng tù về tội giết người thì viết thư xin lỗi mẹ của nạn nhân mà mình đã lỡ ra tay giết hại: “Con chính là người đã gây ra nỗi đau cho gia đình bác. Quá khứ tăm tối cứ hiện về mỗi khi đêm xuống len lỏi trong giấc mơ của con. Con viết thư này chỉ cầu mong bác tha lỗi cho những lỗi lầm của con, để con bớt đi sự dằn vặt”.

Trong tổng số gần 600 bức thư “Gửi lời xin lỗi” được các phạm nhân trại giam Xuân Lộc viết thì có tới hơn 500 bức được phạm nhân gửi cho gia đình mình, hơn 60 bức được gửi cho thân nhân của nạn nhân bị hại, 9 bức được gửi các cơ quan đoàn thể, nơi phạm nhân đã sống và vi phạm pháp luật.

Khơi dậy lòng nhân ái

Ông Nguyễn Văn Quý (Xã Phú An, Nhơn Trạnh, Đồng Nai), cha của nạn nhân Nguyễn Văn Lợi đã rất ngạc nhiên khi nhận được lá thư xin lỗi của phạm nhân Từ Khánh Thiện - người đang thụ án vì giết con ông.

Dù đã 4 năm trôi qua, ông vẫn còn đau đớn vì mất đi đứa con, nên ban đầu ông tính chỉ mở ra xem nó viết gì. Nhưng rồi những câu chữ chân thành trong thư đã khiến ông xúc động. Trong thâm tâm, ông biết Khánh Thiện chỉ phạm tội trong lúc bồng bột, và gia đình khánh Thiện cũng đã rất thiện tâm trong việc động viên, chia sẻ với gia đình ông. Bởi thế ông đã liên lạc với gia đình Từ Khánh Thiện để cùng đi lên thăm phạm nhân.

Bà Nguyễn Kim Oanh (Hố Nai, Trảng Bom, Đồng Nai), mẹ của nạn nhân Lê Văn Vũ thì không tin rằng kẻ trong băng nhóm giết con mình là Nguyễn Minh Quang lại gửi thư cho bà. Dù còn nguyên đó nỗi đau mất con nhưng dòng chữ chân thành của kẻ giết người đã khiến bà cảm động: “Hôm nay con muốn viết lên hai từ xin lỗi dù đã quá muộn màng và con biết rằng không thể nào làm cho bác quên hết buồn đau của những chuyện đã qua”.

Bà Oanh kể: “Tôi đã suy nghĩ nhiều lắm. Tội của thằng Quang thì pháp luật đã xử nó, mình giữ lại thù oán cũng chẳng được gì. Tuổi của nó còn trẻ, còn tương lai ở phía trước. Vì thế tôi muốn đích thân lên trại để nói tôi tha thứ cho cháu”.

Bà Trần Thị Loan- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã An Hoà (Biên Hòa - Đồng Nai) thay mặt chính quyền xã nói lơi tha thứ cho nữ phạm nhân Phạm Ngọc Luận. Bà Loan kể, ngày trước Luận cũng làm trong Hội Phụ nữ xã, từng được khen thưởng về những hoạt động tuyên truyền phòng chống ma tuý, mại dâm. Nhưng rồi vì hoàn cảnh mà Luận lại rơi vào con đường kinh doanh mại dâm. Giờ Luận đã biết ân hận, chính quyền cũng phải có trách nhiệm giúp cho Luận sớm trở về với đời thường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trọng Thịnh (Tiền Phong)
Đằng sau song sắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN