Những chiêu lừa dựa vào tâm linh để chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng

Sự kiện: Tin pháp luật

Công an tỉnh Nghệ An vừa bắt giữ nhiều đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lợi dụng lòng tin của các nạn nhân để bán bùa ngải "giữ vợ, giữ chồng", "bùa giữ người yêu"…

Bán "bùa yêu", "bùa giữ vợ, giữ chồng" thu lợi hơn 86 tỷ đồng

Với chiêu trò bán "bùa ngải", Nguyễn Văn Kiên (SN 1987, ở xã Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa, Nghệ An) và Lê Thị Lan (SN 1985, vợ Kiên) cùng Vy Thị Hường (SN 1963, mẹ đẻ Lan, trú tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp) và Lê Đình Quý (SN 1991, ở phường Lê Lợi, TP Vinh) đã thu lợi hơn 86 tỷ đồng. Cầm đầu ổ nhóm lừa đảo này là Nguyễn Văn Kiên với những biểu hiện bất minh về kinh tế.

Nguyễn Văn Kiên, đối tượng cầm đầu ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nguyễn Văn Kiên, đối tượng cầm đầu ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau khi bị bắt giữ vào ngày 6/6, các đối tượng khai nhận đã sử dụng nhiều số điện thoại, đăng ký nhiều nền tảng mạng xã hội (Telegram, Facebook, Zalo) để rao bán các loại "bùa ngải" như: "Bùa giữ người yêu", "bùa giữ vợ, giữ chồng", "bùa ghét", "bùa nghe lời", "bùa làm ăn"… với giá từ 9.900.000 đồng đến 10.900.000 đồng/bùa.

Số lượng “bùa ngải” bị thu giữ.

Số lượng “bùa ngải” bị thu giữ.

Sau khi có người kết nối, đối tượng sẽ tiến hành làm "bùa" từ ngải cứu, gừng, muối, lá thảo mộc… và gửi cho bị hại. Qua tài liệu điều tra, bước đầu xác định từ năm 2018 đến nay các đối tượng đã thực hiện việc bán "bùa ngải" cho hàng nghìn người trên khắp cả nước, tổng số tiền thu lợi hơn 86 tỷ đồng.

Ngoài vụ án trên, đầu tháng 6/2024, Công an huyện Nghi Lộc (Nghệ An) phối hợp các đơn vị liên quan phá thành công chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức lừa bán các tượng cổ hình Thánh Giuse, Đức mẹ mân côi, Đức mẹ ban ơn… cho người dân tại các nhà thờ, giáo xứ trên địa bàn nhiều tỉnh, thành chiếm đoạt số tiền hàng tỷ đồng, bước đầu bắt giữ một đối tượng.

Đối tượng Võ Văn Kiên.

Đối tượng Võ Văn Kiên.

Theo đó, Công an huyện Nghi Lộc nhận được tin báo của một phụ nữ trú tại huyện Nghi Lộc về việc, giữa tháng 4/2024, có 2 người đàn ông lạ mặt đã chủ động tiếp xúc và giới thiệu với chị có đào được các tượng hình Thánh Giuse và bán lại cho chị với số tiền 177 triệu đồng.

Tiếp nhận đơn tố giác, quá trình xác minh Ban chuyên án xác định 2 đối tượng lừa bán tượng cổ gồm: Võ Văn Kiên (SN 1990, trú tại phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh) và Nguyễn Chí Tâm (SN 1991, trú tại xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh).

Đây là 2 đối tượng cầm đầu đường dây lừa bán các tượng cổ cho người dân, chức sắc tại các nhà thờ, giáo xứ trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước mà Công an huyện Nghi Lộc đang xác lập chuyên án đấu tranh.

Tang vật chuyên án cơ quan công an thu giữ.

Tang vật chuyên án cơ quan công an thu giữ.

Sau khi xác minh rõ, Ban chuyên án đã cử các tổ công tác vào tỉnh Tây Ninh để xác minh. Tuy nhiên, việc bắt giữ gặp rất nhiều khó khăn do các đối tượng di chuyển và lẩn trốn tại Campuchia, thường xuyên thay đổi số điện thoại, cách thức liên lạc về gia đình.

Ngày 30/5, tại thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, cơ quan chức năng bắt giữ đối tượng Võ Văn Kiên về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thu giữ 9 pho tượng bằng đồng, 3 điện thoại di động và nhiều vật chứng có liên quan khác.

Đối tượng Võ Văn Kiên khai nhận từ đầu năm 2024 đến nay đã cùng với Nguyễn Chí Tâm bàn bạc, thống nhất tìm mua các pho tượng đồng với giá từ 1.000.000 đến 1.500.000 đồng, tự chế tác thêm các chữ, số "24-12-1728"; "GOLD 14K" để ngụy tạo nguồn gốc tượng là "đồ cổ", làm bằng vàng, bạc có giá thành cao rồi tìm đến các cơ sở giáo xứ, nhà thờ để lừa bán lại với giá từ 15.000.000 đến 20.000.000 đồng/tượng.

Bằng phương thức, thủ đoạn lừa đảo như trên, các đối tượng đã đi đến nhiều tỉnh, thành như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... tìm đến các giáo xứ, giáo họ, trung tâm sinh hoạt tôn giáo của đạo Công giáo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, số tiền chiếm đoạt được của nhiều bị hại khoảng 2 tỷ đồng.

Trong đó đối tượng thừa nhận đã thực hiện vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản 177 triệu đồng đồng của một người dân tại huyện Nghi Lộc vào giữa tháng 4/2024.

Nhờ "cắt vía âm, đổi vía dương"

Cũng lợi dụng lòng tin của bị hại, Trần Thị Soa (SN 1985, quê xã Tiến Thành, huyện Yên Thành) đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1,6 tỷ đồng.

Theo hồ sơ vụ án, năm 2017, Soa quen chị T.T.Q. (trú thị xã Thái Hòa, Nghệ An). Chị Q. là người rất tin vào chuyện tâm linh nên thường nhờ Soa xem bói, làm lễ. Tháng 5/2023, do đầu tư chứng khoán thua lỗ, Soa nảy sinh ý định lừa chị Q. để chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng Trần Thị Soa tại cơ quan công an.

Đối tượng Trần Thị Soa tại cơ quan công an.

Từ ngày 14-16/5, Soa bảo chị Q. "phải đặt tiền làm lễ đáo cung, cắt vía âm, đổi vía dương" mới thoát kiếp nạn. Sau đó, Soa 3 lần lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của chị Q. với tổng số tiền 1,63 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền lừa đảo chiếm đoạt, Soa đầu tư vào chứng khoán sau đó thua lỗ, mất trắng. Sau khi bị bắt giữ, Soa thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Cơ quan chức năng khuyến cáo, các chiêu thức dựa vào lòng tin, tín ngưỡng để lừa đảo không mới nhưng rất phức tạp khi đánh vào tâm lý của người dân. Các đối tượng đã lợi dụng niềm tin tôn giáo để đánh vào sự mất cảnh giác của mọi người để lừa đảo số tiền rất lớn. Bởi vậy, người dân cần tỉnh táo trước các thủ đoạn này.

Nguồn: [Link nguồn]

Fanpage "Thư Viện Pháp Luật / Tư Vấn Pháp Luật Trực Tuyến" đã sử dụng giao diện VTV Online đăng tải thông tin sai sự thật, có dấu hiệu của hành vi lừa đảo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vũ Đồng ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN