Những chiếc cúc áo tố cáo tội ác

Cách đây 35 năm, một kẻ thủ ác lao vào nhà, sát hại cô sinh viên rồi cưỡng hiếp.

Cách đây 35 năm, tại nhà số 7 Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã xảy ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Giữa buổi sáng, kẻ thủ ác đã xông vào nhà riêng của Nguyễn Thị Bích Thuận, sinh viên năm thứ 5 Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, sát hại cô gái trẻ trong lúc đang ngồi học bài, sau đó cưỡng hiếp nạn nhân và cướp đi một số tài sản. Gần hai tháng trời lần theo các manh mối cũng như sàng lọc từ hàng trăm đối tượng nghi vấn, thậm chí một cuộc “kiểm tra kín” trong sinh viên nam trường Đại học Kiến trúc cũng đã được thực hiện nhưng không có kết quả. Tưởng chừng việc điều tra đã đi vào ngõ cụt thì bất ngờ vào buổi sáng nọ, một chiến sĩ Công an phường Cửa Nam trong lúc làm nhiệm vụ đã phát hiện người phụ nữ mặc chiếc áo len có đính những chiếc cúc nghi là tang vật vụ án và anh lập tức bám theo.

Cái chết oan của cô sinh viên

Trưa 18/11/1977, Nguyễn Thị Thái, em gái Thuận về nhà gọi chị sang nhà mẹ ăn cơm (bố Thuận đã mất và mẹ đi lấy chồng, hai chị em Thuận ở cùng nhau). Ngạc nhiên vì thấy xe đạp của chị vẫn dựng dưới nhà nhưng cửa thì bị khóa trái, gọi kiểu gì cũng không thấy chị ra mở, cô bé liền nhờ hàng xóm sang phá khóa để vào. Phát hiện ổ khóa bị nhét kín họ đã dùng búa đập. Khi cánh cửa mở ra, tất cả đều hoảng hốt trước cảnh tượng kinh hoàng: đồ đạc xáo trộn lung tung, chị Thuận nằm chết trên giường với hàng chục vết thương, người đắp một chiếc chăn loang lổ máu, chiếc áo bị tốc lên và không mặc quần. Thái kêu khóc vì đau đớn, còn những người hàng xóm cũng không thể nào tin nổi cô sinh viên chăm học, ngoan hiền hàng ngày vẫn chào hỏi họ giờ lại chết thảm dưới bàn tay kẻ dã man. Vụ việc nhanh chóng được cấp báo tới Công an Hà Nội.

Đại tá Trần Đình Thục, nguyên Phó phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội, Trưởng ban chuyên án, người trực tiếp sát cánh cùng anh em trinh sát, điều tra viên suốt gần 2 tháng trời - khi kể lại vụ án này vẫn còn nguyên cảm xúc, như thể nó mới xảy ra hôm qua: “Từ khi tiếp quản thủ đô thì đây là vụ án đầu tiên xảy ra có tính chất man rợ như vậy. Hiện trường là một khu dân cư, khu vực có nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp ở. Nhà nạn nhân ngụ có 3 tầng, trên cùng là nhà đồng chí Đại sứ Việt Nam tại Cuba. Tầng 2 là gia đình nạn nhân (bố Thuận là Tổng lãnh sự Việt Nam ở Ấn Độ, đã mất). Còn tầng 1 là nhà của một đồng chí lãnh đạo cao cấp khác.

Thuận bị kẻ thủ ác xuống tay rất dã man với hàng chục nhát dao trên người. Công tác khám nghiệm hiện trường cho thấy hung thủ đã lấy đi một số tài sản và trước khi tẩu thoát đã cưỡng hiếp nạn nhân.

Những chiếc cúc áo tố cáo tội ác - 1

Cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường.

“Thời điểm đó đất nước mới giải phóng, Hà Nội cũng như các tỉnh, thành khác đều sống trong khung cảnh yên bình, vì thế vụ án làm dấy lên nỗi hoang mang lo lắng trong nhân dân thủ đô. Ban chuyên án đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng và thủ phạm vô cùng tàn bạo” - đại tá Đào Đức Ninh, nguyên Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm nhớ lại.

Hiện trường giới hạn trong căn phòng khoảng hơn 10 mét vuông, vừa là nơi Thuận học bài đồng thời cũng là chỗ ngủ của hai chị em. Việc thu thập dấu vết gặp nhiều khó khăn bởi sự xáo trộn do những người hàng xóm vào phòng khi mới phát hiện vụ việc. Tuy nhiên, bước đầu cơ quan điều tra đã xác định chị Thuận bị sát hại bằng dao, sau đó hung thủ lấy bàn là đập vào đầu nạn nhân rồi cưỡng hiếp. Người nhà cho biết bị mất vài món đồ.

Trong lúc thu thập chứng cứ, Ban chuyên án nhận được vài thông tin quan trọng. Một em bé 7 tuổi, sống ở tầng 1 ngôi nhà kể lại, vào buổi sáng ấy khi em đang ngồi học bài thì nghe thấy nhiều tiếng động mạnh ở tầng 2. Nghĩ là do chủ nhà trên lắp điều hòa nên cậu bé không để ý. Nhưng càng lúc tiếng động càng to hơn và nghe văng vẳng tiếng ú ớ, vì ở nhà một mình nên cậu bé sợ hãi, vội vàng trèo lên giường trùm chăn kín mít và vặn to đài lên để át đi âm thanh đáng sợ đó. Tuy nhiên, cậu bé không nhớ rõ khoảng thời gian xảy ra sự việc.

Sau này xác minh, khi Ban chuyên án hỏi: “Vào thời điểm đó cháu nghe chương trình gì trên đài?” thì cậu bé nhớ lại là lúc đó có nghe thấy bài hát “Bài ca Tây nguyên”. Đây là một điều kiện để Ban chuyên án xác định thời gian xảy ra vụ án, đúng 9 giờ sáng 18/11/1977. Lúc này đường phố Hà Nội khá vắng vẻ do đang trong giờ làm việc. Song song với đó, việc thu thập dấu vết ở hiện trường cũng đã cho kết quả quan trọng: dưới gầm ghế có một chiếc ấm nước, trên quai có vệt máu đỏ. Quan sát kỹ thì đó là vết vân tay mờ có đọng máu. Bước đầu so sánh không trùng với dấu tay nạn nhân nên Ban chuyên án tạm đặt giả thuyết đó là dấu tay của hung thủ. Thêm một chi tiết đáng chú ý: em gái nạn nhân khai chỉ bị mất một số quần áo, những thứ quý giá còn nguyên.

Lúc này, Hà Nội khá khan hiếm hàng hóa nên một bộ phận người dân không có việc làm đã tham gia vào các khu chợ buôn bán tự do, ở đó những mặt hàng phi pháp được lưu thông khá nhiều. Các trinh sát của Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. Hà Nội lại tỏa đến những nơi bán đồ gia dụng, quần áo để thăm dò, nhưng không có kết quả.

Căn cứ vào dấu vết và những thông tin em gái nạn nhân cung cấp, Ban chuyên án đã sàng lọc và bước đầu đưa vào tầm ngắm những đối tượng quen biết với gia đình nạn nhân. Nhận định lấy một số quần áo chẳng qua là để ngụy trang, mà mục đích chính là để cưỡng hiếp nạn nhân, đã kiểm tra toàn bộ xung quanh hiện trường, kể cả cống rãnh nhưng không thấy gì khả nghi. Ban chuyên án nhận định khả năng hung thủ là người quen biết với nạn nhân.

Vật chứng biết nói

Tất cả những bạn nam học cùng lớp với Thuận cũng như sinh viên cùng trường, đặc biệt là những anh chàng có tình ý với nạn nhân đã được cho vào tầm ngắm. Thời điểm đó, rất nhiều sinh viên Trường Đại học Kiến trúc được kiểm tra một cách gián tiếp. Tuy nhiên, cho đến ngày khám sức khỏe cuối cùng vẫn không có dấu hiệu cho thấy người nào liên quan đến vụ án.

Lúc này nhà trường cho biết có một thầy giáo tên Hùng, quan hệ khá mật thiết với nạn nhân. Theo Ban giám hiệu, thầy thường đến nhà vào thứ 7 hàng tuần để phụ đạo cho Thuận. Tiến hành gọi hỏi thì thầy Hùng cho biết, khi đến nhà thì thấy xe đạp của Thuận vẫn ở cạnh cầu thang, nhưng lên đến nơi thì phòng lại đóng, cửa khóa không giống mọi khi. Nghĩ Thuận chỉ chạy loanh quanh đâu đó nên thầy đứng ngoài hành lang đợi. Chờ một lúc lâu vẫn không thấy nên thầy quay về nhà mình ở phố Huế. Kiểm tra nơi làm việc của thầy Hùng thấy có 4 tờ lịch, trong đó tờ đầu tiên đúng vào ngày xảy ra vụ án. Khi trinh sát hỏi thì thầy nói vô tình xé ra và để ngẫu nhiên ở đó thôi, cả vết máu trên giày cũng cho kết quả khác. Thầy Hùng được loại khỏi vòng nghi vấn. Đối tượng thứ hai lọt vào vòng tình nghi là người lái xe cho vị cán bộ cao cấp trên tầng 3 của ngôi nhà số 7 Phạm Đình Hổ. Qua theo dõi và thu thập tin tức, các trinh sát được biết anh này có quan hệ xã hội và đời sống cá nhân khá phức tạp, người này cũng có một vệt máu ở giày. Tuy nhiên căn cứ vào thời gian anh này bị điều đi công tác, Ban chuyên án thấy không phù hợp với khi vụ án xảy ra nên đã loại khỏi vòng nghi vấn.

Những chiếc cúc áo tố cáo tội ác - 2

Thượng tá Nguyễn Huy Hoàng - người phát hiện bà Hải mặc chiếc áo có những chiếc cúc liên quan đến vụ án.

“Vụ án tưởng chừng rơi vào bế tắc. Nhiều đêm không ngủ, chúng tôi đã ngồi với nhau bàn lại và quyết tâm tìm kỹ hơn tại hiện trường, xem gia đình nạn nhân còn mất thứ gì không” - đại tá Trần Đình Thục nhớ lại. Mẹ chị Thuận lúc đó mới nhớ ra là đã bị mất chiếc áo len màu nõn chuối mang từ Ấn Độ về, có 5 cái cúc màu cẩm thạch rất đẹp. Bộ phận kỹ thuật được thành lập với nhiệm vụ mô tả lại chiếc áo theo lời kể của mẹ nạn nhân. Công việc này được tiến hành rất tỉ mỉ và xem là hướng điều tra mới. Chiếc áo len màu xanh có cổ cánh sen không phải hiếm nhưng điều đặc biệt là nó có 5 cái cúc màu cẩm thạch thuộc dạng có một không hai thời đó.

Sau đó, Ban chuyên án lệnh cho các thành viên chia nhau đi các quận tìm kiếm tang vật, huy động toàn bộ cảnh sát hình sự và cảnh sát khu vực của Công an Hà Nội vào cuộc. Nhiệm vụ của các anh là vào giờ cao điểm buổi trưa và buổi chiều khi mọi người đi làm về đến các ngã tư, ngã ba đông người để quan sát, nếu thấy ai mặc cái áo “đặc biệt” đó thì tìm mọi cách dẫn ngay về trụ sở công an. Thượng tá Nguyễn Huy Hoàng - nguyên Phó trưởng Công an phường Cửa Nam, lúc bấy giờ là cảnh sát hình sự - trên đường điều tra đã phát hiện một phụ nữ tên Hải mặc chiếc áo như mô tả.

Mở nút thắt

Năm 1977, đời sống khó khăn, một bộ phận người dân chuyển sang nghề buôn tem phiếu. “Khoảng 13 giờ, lúc đó tôi phụ trách địa bàn Đình Ngang. Khi xuống đến nơi thì thấy một bà trung tuổi mặc cái áo len ngồi ở trước cửa số 5. Đây là nơi các đối tượng buôn bán tem phiếu và lưu manh thường xuyên tụ tập. Đứng cách xa bà này chừng 5m thì nhìn thấy chiếc cúc trên áo y như đã xem trên bản vẽ, tôi liền tìm cách tiếp cận...” - thượng tá Hoàng nhớ lại.

Khi xác định chiếc cúc giống đến 99% hình vẽ mô tả, anh Hoàng tiếp tục bám theo bà này lên chợ Đồng Xuân. Nhanh trí, anh cảnh sát hình sự nhờ các đồng nghiệp tại đây giúp đỡ kiểm tra hành chính vì có khả năng đối tượng mang tem phiếu trong người. Từ trung tâm chỉ huy, đại tá Nguyễn Đình Thục nhận tin báo từ Công an Hoàn Kiếm cho biết phát hiện một phụ nữ mặc áo len có hàng cúc màu cẩm thạch giống tang vật vụ án, đích thân ông và các đồng nghiệp xuống tận nơi. Vừa nhìn thấy cái cúc, Ban chuyên án thở phào khi công tác điều tra đã có hướng mở.

Tại Công an quận Hoàn Kiếm, người phụ nữ tên Hải tỏ ra bình tĩnh, thành khẩn khai nhận về hành vi buôn bán tem phiếu của mình. Nhưng bà ta không biết đó chỉ là cái cớ, còn điều các chiến sĩ hình sự quan tâm hơn cả là chiếc cúc áo màu cẩm thạch trên áo len của bà, tang vật của một vụ án mà công an đang điều tra. Nhưng màu áo len của bà Hải lại không phải xanh nõn chuối như người nhà nạn nhân miêu tả. Trong lúc khéo léo gợi ý để bà Hải khai ra nguồn gốc chiếc cúc cẩm thạch, Ban chuyên án được bà kể: thấy con gái có mấy chiếc cúc này để trong ngăn kéo, bà thấy đẹp nên lấy ra đính vào áo mình và than rằng con gái bà tên Thủy toàn quan hệ với lưu manh, người yêu của nó là Hùng, đang bị công an bắt.

Cuối đường hầm đã lộ ra những tia sáng. Đi sâu xác minh tìm hiểu về người yêu của con gái bà Hải, Ban chuyên án được biết Hùng tên đầy đủ là Phạm Đăng Hùng, SN 1951, trú tại số 5 phố Nguyễn Quang Bích, thuộc quận Hoàn Kiếm bây giờ. Ngày 1/12/1977 Hùng đã gây ra vụ án cướp tài sản không thành ở khu tập thể 40 Hoàng Hoa Thám, bị người dân phát giác, bắt tại chỗ. Sau này, khi đã thú nhận mình chính là thủ phạm sát hại chị Thuận, Phạm Đăng Hùng cho biết hắn cố tình gây ra vụ cướp ấy để được vào tù, nhằm trốn tránh sự phát hiện của Ban chuyên án khi họ đang tích cực điều tra vụ án ở số 7 Phạm Đình Hổ. Tuy nhiên, ý định này của hắn bất thành. Trước khi bị bắt, Hùng là công nhân thuộc Xí nghiệp xây dựng nhà cửa khu phố Đống Đa, từng có 1 tiền án về tội trộm cắp tài sản, 3 tiền sự tội trộm cắp và 1 tiền sự tội đốt nhà.

Thủy, người yêu của Hùng cũng thành khẩn cho biết cách đây hơn một tháng được Hùng tặng cho chiếc áo len màu xanh nõn chuối có những chiếc cúc màu cẩm thạch rất đẹp, tuy nhiên anh ta lại dặn là gỡ len ra để đan lại kiểu khác cho hợp thời trang. Thủy đã làm theo nhưng vì tiếc những chiếc cúc áo đẹp nên cắt ra cất vào ngăn kéo.

Khi đó, Hùng cũng bị lấy dấu vân tay để đối chiếu nhưng vì thời bấy giờ kỹ thuật nghiệp vụ chưa cao nên không phát hiện được. Vì vậy, Hùng ung dung nằm trong nhà tạm giữ để trốn tránh tội ác tày trời của mình. Gây án rồi cố tình bị bắt để được vào tù, hắn nghiễm nhiên nằm ngoài các cuộc điều tra của Ban chuyên án. Nhưng hắn không thể ngờ toàn bộ vụ án đã được phát hiện nhờ hướng điều tra khác.

Ban đầu, Hùng quyết định “đổ bê tông” trước những câu hỏi của điều tra viên, nhưng trước những chứng cứ không thể chối cãi, hắn đã phải thừa nhận là thủ phạm gây ra vụ án kinh hoàng tại số 7 Phạm Đình Hổ. Lời thú tội của kẻ thủ ác có quá khứ ở tù nhiều hơn ở nhà này đã bộc lộ bản chất dã man của hắn. Cuộc đời của Hùng rất ngắn ngủi nhưng lại có có quá nhiều vết nhơ, là nỗi nhục của gia đình, dòng họ.

(Còn tiếp)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồ Phương (Công An Tp.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN