Nhóm chuyển trái phép hơn 1.400 tỷ đồng phạm tội ra khỏi Việt Nam lĩnh án
Quảng Nam - Sáu người chuyển trái phép hơn 1.400 tỷ đồng của đường dây tín dụng đen ra khỏi Việt Nam bị tuyên phạt từ 5 năm 6 tháng đến 6 năm tù.
Chiều 10/5, TAND tỉnh Quảng Nam tuyên phạt Nguyễn Quốc Đạt, 30 tuổi và Lâm Thị Ngọc Loan, 42 tuổi, mức án 5 năm 6 tháng tù về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Võ Thị Hoa, 31 tuổi và Lục Yến Hồng, 42 tuổi, bị phạt 6 năm tù; Huang Kai, 39 tuổi và Shen Jian Zhong, 50 tuổi (cùng quốc tịch Trung Quốc) lĩnh 5 năm tù.
Liên quan đến vụ án, Trần Phương Linh, 39 tuổi, bị phạt 9 tháng tù; Nguyễn Thị Khánh Linh, 25 tuổi, lĩnh 6 tháng tù về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Theo HĐXX, các bị cáo đã nhiều lần đưa dòng tiền phạm tội ra khỏi lãnh thổ Việt Nam với số tiền rất lớn, gây tổn hại tới an ninh tiền tệ quốc gia, nền kinh tế đất nước. Các bị cáo đều phạm tội hai lần trở lên, song quá trình điều tra đã thành khẩn khai báo, nộp tiền thu lợi bất chính nên được giảm nhẹ một phần hình phạt.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm chiều 10/5. Ảnh: Đắc Thành
Theo bản án, năm 2018, Sun Xin, Wu Jian Chao cùng một số người đồng hương Trung Quốc đến Việt Nam tổ chức cho vay nặng lãi. Họ lập 65 app, trong đó riêng Great Vay đã cho trên một triệu người vay.
Đường dây này đã ký hợp đồng với nhiều công ty trung gian để giúp nhóm bị cáo cầm đầu người Trung Quốc che giấu các khoản lợi nhuận lớn. Nhóm này dùng 5.000 tài khoản ngân hàng không chính chủ để luân chuyển dòng tiền, tổ chức rửa tiền và sử dụng nhiều phương thức chuyển tiền trái phép trên 5.000 tỷ đồng ra khỏi Việt Nam.
Đối với Nguyễn Quốc Đạt, bản án xác định bị cáo có ba năm đi học và làm việc ở Trung Quốc. Năm 2021, bị cáo về nước và được một người Trung Quốc đưa hơn 1,7 tỷ đồng đổi sang nhân dân tệ, chuyển vào tài khoản ông ta chỉ định. Đạt hưởng lợi hơn 3 triệu đồng.
Ngoài ra, năm 2022, Đạt cùng Lâm Thị Ngọc Loan lập nhóm mua bán USDT trên Telegram. Đạt có nhiệm vụ tìm kiếm khách hàng đưa vào nhóm để trao đổi, mua bán. Khi khách đồng ý sẽ chuyển vào tài khoản cho Loan thì chuyển USDT vào các ví tiền ảo do người mua yêu cầu hoặc khách chuyển USDT vào ví của Loan để chuyển qua tiền Việt Nam.
Trong nhóm mua tiền ảo của Loan và Đạt có Sun Xin là người cầm đầu đường dây cho vay nặng lãi và Wu Jian Chao, thành viên của đường dây. Xin và Chao sử dụng tài khoản của nhiều người Việt Nam giúp sức đường dây chuyển tiền đến tài khoản của Loan. Loan mua USDT và chuyển đến ví điện cho những người này với số tiền ảo 1.467.171 USDT tương đương 35 tỷ đồng.
Ngoài chuyển tiền cho những người trong đường dây cho vay nặng lãi, Loan và Đạt còn chuyển tiền ảo 1.374.265 USDT tương đương 33 tỷ đồng cho những người khác. Nhà chức trách cáo buộc, hai người chuyển 68 tỷ đồng sang USDT hưởng lợi 42 triệu đồng (15 đồng/USDT). Quá trình mua bán USDT, Đạt và Loan không biết Sun Xin là người trong đường dây cho vay nặng lãi.
Nguyễn Quốc Đạt. Ảnh: Đắc Thành
Đối với Võ Thị Hoa, nhà chức trách xác định, từ năm 2002 đến lúc bị bắt đã chuyển tiền trái phép hơn 551 tỷ đồng. Trong đó, riêng chuyển tiền cho đường dây cho vay nặng lãi là 72 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện từ 2018 đến 7/2023, Lục Yến Hồng đã nhiều lần liên hệ với Đào Minh Đức, ngụ Lạng Sơn, để đổi sang nhân dân tệ. Khi hai bên giao dịch, Hồng chuyển tiền Việt Nam cho Đức đổi sang nhân dân tệ và chuyển vào các tài khoản ngân hàng tại Trung Quốc mà Hồng yêu cầu. Tổng cộng, Hồng vận chuyển tiền trái phép lớn nhất với 837 tỷ đồng, thu lợi bất chính 200 triệu đồng.
Từ nhóm này, nhà chức trách phát hiện Huang Kai giúp Shen Jian Zhong buôn bán vải tại Việt Nam, muốn chuyển thu nhập về nhà từ việc kinh doanh một cách nhanh chóng. Sau khi được nhờ, Shen Jian đã nhờ Lục Yến Hồng đổi 5 tỷ đồng sang nhân dân tệ chuyển về nhà ông Huang Kai.
Hành vi cho vay nặng lãi của nhóm Sun Xin và Wu Jian Chao đã bị xét xử tháng trước. Các cơ quan tố tụng đang hoàn tất hồ sơ đưa ra xét xử vụ án này giai đoạn 3 với hơn 100 bị cáo.
Nguồn: [Link nguồn]
Từ đầu năm 2023 đến khi bị bắt, 2 đối tượng ở Thanh Hóa đã cho nhiều người dân vay tiền với lãi suất "cắt cổ" 182,5%/năm, thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng.