Nhờ người 'chạy' tại ngoại cho con, người mẹ cũng vướng vòng lao lý
Tin rằng Hồng có thể lo cho con mình được tại ngoại, bà Nguyệt đã đưa 90 triệu đồng giao cho Hồng để "chạy" án nhưng Hồng không "chạy", cũng không trả lại tiền.
Ngày 9-5, TAND TP.HCM xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Trần Thị Ánh Nguyệt hai năm về tội đưa hối lộ và bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Hồng hai năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
VKS truy tố tội môi giới hối lộ, tòa xử tội lừa đảo
Theo cáo trạng, cuối tháng 9-2019, Trần Nhật Minh (con của bị cáo Nguyệt) cùng đồng bọn bị bắt giữ vì thực hiện nhiều vụ phạm tội.
Lúc này, Nguyệt và bạn gái của con liên hệ với Hồng để nhờ giúp “lo” cho Minh. Hồng nói có quen biết điều tra viên tên Hùng thuộc Công an huyện Hóc Môn, có thể giúp được tại ngoại điều tra, hưởng án treo.
Nguyễn Thị Tuyết Hồng và Trần Thị Ánh Nguyệt (áo đen) tại toà. Ảnh: HỮU ĐĂNG
Sau đó, Hồng dẫn Nguyệt cùng đến trụ sở Công an huyện Hóc Môn. Tại đây, Nguyệt đứng đợi bên ngoài, Hồng đi vào bên trong.
Khoảng 15 phút sau, Hồng đi ra nói Hùng báo chi phí “lo” cho Minh được tại ngoại là 100 triệu đồng. Nếu muốn được tuyên mức án thấp thì phải đợi hồ sơ kết thúc, án 18 tháng tù giá 80 triệu đồng, án treo giá 100 triệu đồng. Ngoài ra, Hồng lấy riêng “tiền cà phê” là 10 triệu đồng.
Nguyệt đồng ý và nhờ Hồng “lo” cho Minh được thả ra. Nguyệt lần lượt đưa Hồng nhiều lần, tổng cộng 90 triệu đồng, có viết giấy giao nhận. Sau đó, Hồng yêu cầu phải đưa thêm 20 triệu đồng nữa thì Nguyệt không đồng ý “lo” nữa, rồi đòi lại tiền.
Đến ngày, 9-10-2019, công an liên hệ yêu cầu Nguyệt làm thủ tục bảo lĩnh cho con tại ngoại điều tra. Nguyệt cho rằng không phải do Hồng giúp đỡ nên tiếp tục yêu cầu trả lại tiền. Hồng chỉ hứa hẹn mà không thực hiện nên Nguyệt cho rằng bị lừa đảo và làm đơn tố cáo.
Trước đó, tháng 12-2022, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm tuyên phạt Nguyệt hai năm tù về tội đưa hối lộ và Hồng hai năm tù về tội môi giới hối lộ.
Sau đó, bị cáo Nguyệt kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tháng 11-2023, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm đã huỷ án để điều tra, xét xử lại.
Tại phiên toà hôm nay đại diện VKSND TP.HCM vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố Nguyệt về tội đưa hối lộ và bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Hồng về tội môi giới hối lộ. Tuy nhiên, TAND TP.HCM xét xử bị cáo Hồng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Không có căn cứ để xét xử tội môi giới hối lộ
Theo HĐXX, có căn cứ để xác định bị cáo Nguyệt thông qua nhiều người giới thiệu đã liên hệ với Hồng để đưa 90 triệu đồng để lo cho con được tại ngoại và đã phạm vào tội đưa hối lộ.
Đối với bị cáo Hồng, tuy Hồng khai việc Minh được tại ngoại là có sự tác động của mình nhưng không có căn cứ và chứng minh được việc điều tra viên tên Hùng đã nhận tiền từ Hồng để lo cho Minh được tại ngoại và cũng không có chứng cứ chứng minh Hồng đã môi giới như thế nào vì thực tế Minh được Công an huyện Củ Chi (do Công an Hóc Môn chuyển hồ sơ vụ án đến để Củ Chi điều tra theo thẩm quyền) cho tại ngoại Hồng cũng không biết.
Từ đó không có căn cứ để truy tố Hồng về tội môi giới hối lộ. Hồng đã đưa ra thông tin gian dối để bị cáo Nguyệt tin là mình lo cho được con bị cáo Nguyệt được tại ngoại để từ đó chiếm đoạt 90 triệu đồng nên phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối với điều tra viên Nguyễn Phi Hùng, không có căn cứ để xác định Hùng đã nhận 90 triệu đồng từ Hồng để lo cho Minh được tại ngoại. Khai trong quá trình điều tra, ông Hùng phủ nhận việc đã nhận tiền từ Hồng và cũng phủ nhận việc đã gọi điện cho gia đình bị cáo Nguyệt.
Tại toà, bị cáo Hồng không chấp nhận tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà toà án đưa ra xét xử vì cho rằng hình phạt của mình sẽ nặng hơn tội môi giới hối lộ mà VKS đã truy tố.
Cạnh đó, bị cáo này cũng cho biết bị cáo Nguyệt là người chủ động tìm tới nhà mình để nhờ vả, còn chuyện bị cáo đòi thêm tiền là đúng theo giao kèo hai bên đã thoả thuận (hai bên thoả thuận 110 triệu đồng) nhưng bị cáo Nguyệt mới chỉ đưa 90 triệu đồng. Đối với việc Công an huyện Củ Chi mời gia đình Minh lên bảo lĩnh mà bị cáo Hồng không biết là hết sức bình thường vì bị cáo không phải người thân của Minh.
Hồng còn khai nhận nhờ điều tra viên Hùng vì Hùng là điều tra viên đội hình sự có các mối quan hệ trong ngành nên nắm được thông tin vụ việc của Minh, chứ Hùng không phải là điều tra viên trực tiếp điều tra vụ án.
Về phía bị cáo Nguyệt, khai tại toà bị cáo này cho biết khi con bị bắt tạm giam đã thế chấp căn nhà để lo cho con và giao cho Hồng 90 triệu đồng. Nhưng sau đó, Công an huyện Củ Chi mời lên bảo lĩnh cho con được tại ngoại nhưng Hồng không biết chuyện này, mà vẫn đòi thêm tiền, do đó Nguyệt đã đòi Hồng trả lại tiền.
Cán bộ tố tụng làm việc tiếp công dân là bình thường Trong phần xét hỏi, bị cáo Hồng nói việc Minh được tại ngoại là có một phần tác động của mình. Tuy nhiên, đại diện VKSND TP tham gia chất vấn và thông tin cho bị cáo Hồng biết thời điểm đó Công an huyện Củ Chi vẫn ra lệnh bắt tạm giam Minh, nhưng VKSND huyện Hóc Môn đã không phê chuẩn nên mới có việc Minh được tại ngoại để phục vụ điều tra. Đại diện VKS cũng giải thích thêm việc cán bộ các cơ quan tố tụng làm việc tiếp công dân trong trụ sở để giải quyết thắc mắc, khiếu nại là việc bình thường, pháp luật đã có quy định. Do đó, việc bị cáo nói gặp điều tra viên Hùng để lo cho Minh được tại ngoại nhưng không có chứng cứ chứng minh. |
Nguyễn Thị Thanh “nổ” có bố làm ở Bộ Công an và có thể chạy án nên đã lừa đảo và chiếm đoạt tiền tỷ của khoảng 200 người ở Thanh Hóa.
Nguồn: [Link nguồn]