Nhiều trẻ em gái, thiếu nữ bị lừa vào “động” karaoke qua người quen trên mạng
Thời gian gần đây, tại một số tỉnh ở miền Trung; thông qua mạng xã hội, nhiều bé gái, thiếu nữ có hoàn cảnh khó khăn đã bị các đối tượng xấu dụ dỗ từ vùng cao về phố hay từ các tỉnh ra thủ đô Hà Nội để bán quần áo, giày dép với mức lương cao. Tiếp đó, các đối tượng ép nạn nhân vào các tụ điểm karaoke để tiếp khách, bán dâm…
Nghiêm trọng hơn, nhiều nạn nhân còn bị các đối tượng mua bán trước khi đưa vào các điểm phục vụ khách làng chơi. Và trong số đó, có nhiều trẻ em, phụ nữ đã may mắn được lực lượng Công an kịp thời giải cứu.
Bị ép làm gái karaoke sau khi ra Hà Nội bán hàng
Ngày 10/3, Thiếu tá Bùi Ngọc Vương, trưởng Công an xã Ba Bích, huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) cho biết, em P.T.S (sinh năm 2009, trú xã Ba Bích, dân tộc H’rê) vừa được gia đình giải cứu, bỏ tiền chuộc khi em đang bị ép làm nhân viên karaoke tại Hà Nội. Kể từ ngày về nhà đến nay đã gần 2 tuần nhưng em S vẫn chưa hết thất thần khi nhớ lại về những ngày khủng khiếp vừa qua.
S cho biết, qua mạng xã hội, em có kết bạn với một phụ nữ và người này nói, có cửa hàng giày dép ở Hà Nội đang cần nhân viên với mức lương 20 triệu đồng/ tháng. Nghe vậy, S vui mừng đồng ý với hy vọng có tiền phụ giúp gia đình. Theo hướng dẫn của người quen qua mạng, S bắt xe khách từ Quảng Ngãi ra Hà Nội. Nhưng không ngờ, khi đến nơi, có người đón và chở thẳng S đến cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Tại đây, S được biết, còn một số thiếu nữ cũng là nạn nhân bị lừa ra Hà Nội bán giày dép rồi được chở đến đây.
Công an xã Ba Bích (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) thăm hỏi nạn nhân S (thứ 2, từ phải qua) khi em vừa trở về từ Hà Nội.
Theo lời kể của em S, trong thời gian ở quán karaoke, nếu không chiều theo ý khách thì bị khách quát mắng, đánh hoặc bị ông chủ đánh. Khi S đòi xin về quê thì người quản lý bảo, số tiền mà chủ chi để cho S trả tiền xe, mua sắm quần áo, dày dép… thì gộp lại và tính lãi hàng triệu đồng bắt S phải trả hết tiền thì mới được về. Cũng theo em S, số tiền khách “boa” em dành dụm được cũng bị tịch thu. Trong cơn hoảng loạn, S bí mật tìm cách liên lạc với bố mình. Tại đây, gia đình S đã gom góp, nhờ người quen ở Hà Nội đưa tiền đến chuộc S ra khỏi động karaoke và trở về nhà an toàn.
Thiếu tá Bùi Ngọc Vương, trưởng Công an xã Ba Bích cho biết, Ba Bích là xã miền núi đặc thù khó khăn, phần lớn là người dân tộc thiểu số H’rê. Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng là thông qua mạng xã hội tiếp cận “con mồi” là các bé gái mới lớn, hoàn cảnh khó khăn cần công việc nhẹ lương cao. Các đối tượng gửi địa chỉ và yêu cầu nạn nhân chủ động đón xe taxi, xe khách (nơi nhận việc sẽ lo mọi chi phí đi lại ăn uống, mua sắm). Tuy nhiên các khoản chi phí đó sẽ được tính cộng vào gấp nhiều lần và ép nạn nhân phải “chiều” khách để có tiền trả nợ…
Tại Thừa Thiên Huế, 7 nạn nhân - là các trẻ em gái, thiếu nữ - trong đường dây mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi để hoạt động mại dâm ở karaoke tại tỉnh Lào Cai vừa lần lượt trở về quê. Theo các nạn nhân, thông qua Facebook, Hà Thị Thu Hằng đã kết bạn và dụ dỗ đưa các em ra Hà Nội nói là đi bán áo quần. Nhưng sau đó, Hằng đã bán các em cho các đối tượng khác, rồi ép đưa vào phục vụ tại các điểm karaoke, bán dâm cho khách.
Trò chuyện với chúng tôi, em T.B.N.P sinh năm 2007, TP Huế) vẫn chưa hết ám ảnh khi nhớ lại những tháng ngày em bị ép “tiếp khách” tại các cơ sở kinh doanh karaoke và một số nhà nghỉ ở Lào Cai. P là con đầu trong gia đình có 4 chị em. P nghỉ học cách đây 3 năm do một phần hoàn cảnh gia đình khó khăn. P cho biết, khoảng giữa năm 2023, thông qua mạng xã hội Facebook, P được Hà Thị Thu Hằng kết bạn và rủ ra Hà Nội đi bán shop áo quần với mức lương khoảng 15 triệu đồng/ tháng nên em đồng ý. Không ngờ, khi đến Hà Nội, sau đó được những người lạ đưa lên tỉnh Lào Cai rồi yêu cầu P hoạt động mại dâm tại các điểm karaoke.
“Khi em hỏi người quản lý thì họ nói, em đã bị bán lại cho chủ cơ sở kinh doanh karaoke ở đây rồi nên phải làm theo yêu cầu của họ. Ở đây, ngoài em còn có nhiều chị em khác bị họ giám sát rất kỹ. Có ngày, em phải tiếp rất nhiều khách, có những lúc kiệt sức nhưng không nghe theo thì sợ bị đánh đập…”, giọng P nghèn nghẹn khi kể lại với chúng tôi.
Không chỉ bị lừa đưa ra Hà Nội, một số thiếu nữ người dân tộc thiểu số còn bị kẻ xấu lừa từ miền núi xuống phố làm phụ bếp, rồi sau đó đưa vào “động” karaoke. Những ngày đầu tháng 3/2024, em P.T.V (sinh năm 2006, trú xã Ba Giang, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) vui mừng khi được Công an xã Ba Giang giải cứu em thoát khỏi “động” karaoke ở tỉnh Quảng Nam. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, bị tai nạn giao thông khi đang học lớp 11 nên em V tạm nghỉ học để ở nhà điều trị vết thương. Vì muốn kiếm tiền trang trải dịp Tết cùng ông bà ngoại nên V lên Facebook tìm việc làm và được một người phụ nữ tuyển làm phụ bếp quán ăn ở TP Quảng Ngãi với mức lương khá. V đồng ý và mang túi xách lên xe ô tô đón đầu ngõ chở đi.
Khi xe về đến TP Quảng Ngãi thì không dừng lại mà tiếp tục chở V ra thẳng tỉnh Quảng Nam và đưa vào tại khu nhà trọ. Tại đây, cô gái người dân tộc H’rê bị bắt làm nhân viên phục vụ quán karaoke. Biết mình bị lừa, V phản ứng thì bị khống chế, tịch thu điện thoại di động. Chủ nhà trọ nói đã làm hợp đồng thuê V với giá 15 triệu đồng nên em phải làm việc để trả nợ. Tại nơi làm việc, V không được ra ngoài, chỉ được gọi điện thoại khi có người giám sát.
Lợi dụng chủ nhà trọ sơ hở, V đã lén lấy điện thoại, đăng nhập vào Fanpage Công an xã Ba Giang để nhắn tin nhờ giúp đỡ. “Sau khi tiếp nhận thông tin và qua xác minh, đã xác định V là công dân trên địa bàn. Chúng tôi bí mật liên hệ, động viên V bình tĩnh, hướng dẫn cách gửi định vị, đánh dấu và những địa chỉ, địa điểm dễ nhận biết xung quanh khu trọ để cho cơ quan chức năng xác định vị trí, tìm cách giải cứu. Nhờ sự giúp đỡ của các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Quảng Nam; Công an xã Ba Giang đã ra tận nơi giải cứu V về đến nhà an toàn”, Đại úy Đinh Quang Đại, trưởng Công an xã Ba Giang chia sẻ.
Nhiều đường dây, tụ điểm bị triệt phá
Đầu tháng 3/2024, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã bắt giữ đối tượng Phạm Ngọc Tiên (sinh năm 1994, trú xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) đang bị truy nã đặc biệt về tội “Giết người” và tội “Làm nhục người khác” khi đang lẩn trốn tại TP Hồ Chí Minh. Phạm Ngọc Tiên là chủ quán karaoke Hoàng Gia ở thị trấn La Hà (huyện Tư Ngĩa) - đối tượng trong vụ tra tấn các nữ nhân viên phục vụ karaoke gây bức xúc dư luận. Trước đó, tháng 4/2021, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã giải cứu thành công 8 thiếu nữ bị nhốt trong quán karaoke. Những thiếu nữ này bị đánh đập, chích điện để ép phục vụ, bán dâm cho khách.
Theo trình bày của em H.T.B (sinh năm 2007, trú xã Trà Xinh), một trong số những nạn nhân đã trốn thoát, vào khoảng tháng 2/2021, một số người bạn rủ B và H.T.N (sinh năm 2005, trú xã Trà Xinh, huyện Trà Bồng) xuống TP Quảng Ngãi phục vụ quán cà phê kiếm tiền. Tuy nhiên, sau đó B được đưa đến quán karaoke Hoàng Gia. Tại đây, chủ quán karaoke thu giữ giấy tờ và điện thoại di động liên lạc, ép B cùng một số em gái khác đưa đến ký hợp đồng làm việc phục vụ khách. Khi B và một số người bạn không đồng ý thì bị người của quán karaoke đánh đập, khống chế bắt buộc phải ký. Trong hợp đồng này có khoản ràng buộc phải phục vụ khách. Nếu hủy hợp đồng thì phải bồi thường gấp 3 lần mới được trả về nhà. Nhiều nhân viên quán karaoke đã bị đánh đập, hành hạ nên không ai dám bỏ trốn.
Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Công an huyện Tư Nghĩa khẩn trương điều tra, xác minh. Qua kiểm tra quán karaoke Hoàng Gia do Phạm Ngọc Tiên trực tiếp quản lý, điều hành và Phạm Công Đạt giúp việc cho Tiên quản lý các tiếp viên nữ, Công an phát hiện 8 nhân viên nữ bị nhốt trong phòng, trong đó nhiều nhân viên nữ bị chủ quán đánh đập thương tích. Em N.T.T (2004, trú tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại, vì nghi ngờ cô có quan hệ riêng với khách tại quán karaoke, Tiên và Đạt dùng tay, gậy đánh đập em rất dã man. Thậm chí, hai đối tượng còn dùng bình ắc quy để chích cá chích vào người em cho điện giật. Dù T khóc lóc, hết lời van xin nhưng Tiên và Đạt vẫn không tha…
Liên quan đến vụ án 7 nạn nhân là trẻ em, thiếu nữ ở Thừa Thiên Huế trong đường dây mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi rồi đưa vào cơ sở kinh doanh karaoke để hoạt động mại dâm vừa trở về quê đã được Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an một số địa phương giải cứu vào giữa năm 2023 nói trên, hiện các đối tượng sắp được đưa ra xét xử. Theo hồ sơ vụ án, giữa tháng 6/2023, các tổ công tác đồng loạt tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành kiểm tra, truy bắt các đối tượng tại các địa điểm, địa phương.
Cụ thể, tại tỉnh Lào Cai, Tổ công tác tiến hành kiểm tra tại một nhà nghỉ ở phường Duyên Hải (TP Lào Cai) phát hiện, bắt quả tang ba cặp mua bán dâm do Nguyễn Mạnh Hổ (sinh năm 1989, trú huyện Thanh Ba, Phú Thọ) và đồng bọn tổ chức. Tiếp tục kiểm tra số nhà 391 đường Duyên Hải (TP Lào Cai), Tổ công tác phát hiện và giải cứu 2 nạn nhân trong chuyên án là T.T.B.N (sinh năm 2009); N.T.Y.N (sinh năm 2007) và 11 phụ nữ khác làm gái mại dâm đang được các đối tượng quản lý, điều hành gồm: Lê Văn Thanh, Hù Việt Trình, Hà Văn Hiếu, Nguyễn Văn Hiệu và Hù Tuyết Định.
Ngay sau khi bắt giữ đối tượng và giải cứu các nạn nhân tại tỉnh Lào Cai, Tổ công tác tại TP Hà Nội triệu tập đối tượng Hà Thanh Tứ (sinh năm 1991, quê ở tỉnh Phú Thọ, tạm trú quận Cầu Giấy, Hà Nội) về Cục CSHS để đấu tranh làm rõ.
Đối tượng Phạm Ngọc Tiên và karaoke Hoàng Gia - nơi các thiếu nữ bị tra tấn, đánh đập.
Cùng thời điểm này, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Tổ công tác triệu tập Hà Thị Thu Hằng (sinh năm 1992, trú phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) và di lý đến Lào Cai để phục vụ công tác đấu tranh. Tại cơ quan Công an, Hằng khai nhận, đã cùng đồng bọn sử dụng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Telegram... dụ dỗ, lừa gạt một số nạn nhân ở Huế và một số địa phương khác ra Hà Nội bán quần áo với mức lương cao, nhưng thực chất làm nhân viên quán karaoke và bán dâm. Hằng trực tiếp đón nạn nhân tại Huế đưa ra Hà Nội hoặc đặt xe hướng dẫn nạn nhân tự di chuyển.
Khi nạn nhân đến điểm hẹn, Hằng đón và đưa lên Lào Cai bán lại cho đối tượng Hổ và đồng bọn với giá 3 triệu đồng/ nhân viên hát karaoke và 5 triệu đồng/ nhân viên bán dâm. Sau khi tiếp nhận, quản lý, Hổ ép các nhân viên phục vụ tại các quán karaoke và bán dâm cho khách trên địa bàn tỉnh Lào Cai…
Trước thực trạng nhiều thiếu nữ, trẻ em ở một số tỉnh, thành ở miền Trung, nhất là các em ở huyện vùng cao bị kẻ xấu quen qua mạng dụ dỗ, lừa đi bán hàng với mức lương cao để rồi sau đó đưa các nạn nhân đến các điểm karaoke phục vụ khách làng chơi, cơ quan Công an khuyến cáo, để hạn chế những vụ việc tương tự, rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó, gia đình đóng vai trò rất quan trọng.
Bên cạnh đó, các Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội cùng các ban, ngành liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống mua bán người cho các cấp hội cơ sở để nâng cao năng lực trong cộng đồng về kiến thức, phòng chống mua bán người, mua bán trẻ em dưới 16 tuổi, bóc lột sức lao động ở trẻ em…
Một cô gái 32 tuổi, ở Hà Nội sau khi theo bạn sang Myanmar để làm việc đã không ngờ bị bán vào “động” mại dâm. Suốt 3 năm, nạn nhân bị ép phải bán dâm nếu không sẽ bị đánh đập, hành hạ.
Nguồn: [Link nguồn]