Nhiều phụ nữ sập bẫy “người tình ngoại quốc”, bị lừa hàng chục tỷ đồng

Mặc dù trong suốt thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã rất tích cực tuyên truyền các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo có xu hướng ngày càng gia tăng, nhưng vẫn liên tục có rất nhiều người trở thành nạn nhân mới của những chiêu trò cũ rích.

Mới đây, tiếp nhận đơn trình báo của nhiều nạn nhân vì bị “người tình ngoại quốc” lừa đảo, kết quả điều tra của Phòng CSHS-Công an tỉnh Đồng Nai đã xác định, chỉ một nhóm vài đối tượng trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia đã lừa đảo, chiếm đoạt tới hàng trăm tỷ đồng chỉ bằng một thủ đoạn cực kỳ đơn giản.

Những cuộc tình “ảo”

Tháng 11-2019, chị Trịnh Thị B. (SN 1976, ở TP Biên Hòa, Đồng Nai), đã ly hôn, lên mạng và quen với 1 người đàn ông ngoại quốc tên Mark. Người này tự xưng là doanh nhân, đang có dự án tại Malaysia và hứa hẹn sẽ sang Việt Nam sau khi hết dịch Covid 19. Sau một thời gian chát chít, tâm sự qua mạng, chị B. cũng tràn đầy viễn tưởng vào người đàn ông này.

Đầu tháng 5-2020, Mark tâm sự công trình của anh ta tại Malaysia đang gặp trục trặc, cần một số tiền lớn để xử lý và hứa sẽ trả lại vì ngân phiếu của anh ta đang ở Mỹ không chuyển sang được. Mark còn chụp tấm séc hàng triệu USD cho chị B.

Để cứu bạn trai ngoại quốc, ngoài số tiền có sẵn, chị B. còn vay mượn bạn bè, họ hàng chuyển vào tài khoản do anh ta cung cấp số tiền lên tới gần 12 tỷ đồng. 10 ngày sau, chị B. biết mình bị lừa nên vội vàng đến cơ quan Công an trình báo.

Đối tượng bị bắt

Đối tượng bị bắt

Chị Bùi Thị A. (SN 1984, ngụ huyện Trảng Bom, Đồng Nai), cũng đang trong tình trạng ly thân. Qua mạng xã hội, chị A. nhận được tin nhắn làm quen của một người đàn ông ngoại quốc tên Ali, tự nhận là quân nhân Mỹ. Hàng ngày, chị A đều nhận được tin nhắn tâm sự về cuộc sống gian nan, vất vả tại nơi Ali đang chiến đấu.

Sau một thời gian, người này tâm sự, bố anh ta trước đây là lính Mỹ chiến đấu tại Thái Lan và chết nên được bảo hiểm bồi thường một khoản rất lớn. Nếu muốn lấy được số tiền bảo hiểm thì phải trả một số tiền rất lớn để lo thủ tục, nên anh ta ngỏ ý vay chị A. số tiền này, hứa sẽ trả cả gốc lẫn lãi là 1,5 triệu USD. Bởi vậy, chị A đã đi vay mượn chuyển cho anh ta số tiền 13 tỷ đồng. 1 tuần sau, liên lạc với “người yêu”, chị A mới té ngửa rằng mình bị lừa nên trình báo công an.

Đối tượng bị bắt

Đối tượng bị bắt

Còn bà Đoàn Thị N. (SN 1968, ở TP Biên Hòa, Đồng Nai), ly hôn chồng đã lâu, sống 1 mình nên thường lên mạng xã hội kết bạn trò chuyện. Bà N. quen với 1 đối tượng người nước ngoài tên là Aslam. Thi thoảng, người đàn ông này gửi cho bà N. vài món quà nhỏ và hứa hẹn sẽ sang Việt Nam thăm bà N. khi có điều kiện.

Sau một thời gian nhắm tin qua lại, bà N. cảm thấy rất tin tưởng vào tình cảm của “người tình ngoại quốc”. Ít lâu sau, gã bạn trai ngoại cho biết, do dịch Covid 19, công ty của anh ta chưa thu hồi được tiền nên không có tiền chữa bệnh. Aslam hứa sẽ trả cho bà N. số tiền lớn. Lúc đầu, bà N. không tin, nhưng sau khi nhận được những bức ảnh anh ta nằm trong bệnh viện thì đã nhanh chóng chuyển 1,5 tỷ đồng vào tài khoản của Aslam. Đến ngày 7-8-2020, sau khi không liên lạc được với “người yêu”, bà N. mới biết mình bị lừa…

Đối tượng bị bắt

Đối tượng bị bắt

3 phụ nữ trên chỉ là số ít các nạn nhân bị lừa đến trình báo với Phòng CSHS Công an tỉnh Đồng Nai. Nhắn tin qua lại cả năm trời cũng chưa hề gặp mặt, những lý do bịa đặt của các đối tượng rất vô lý, nhưng không hiểu sao các nạn nhân lại cứ mù quáng tin theo. Tất cả các nạn nhân đều bị lừa cùng một kịch bản giống nhau, tin nhắn cũng được soạn sẵn, gửi cho hàng loạt phụ nữ. Đến khi nạn nhân chuyển tiền chỉ 10-15 phút, đối tượng đã dùng internet banking chuyển luôn sang tài khoản khác. Ngay khi nạn nhân chuyển tiền, những gã bạn trai lập tức biến mất.

Lần theo dấu vết

Tiến hành xác minh, điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện đây là tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, do các đối tượng người nước ngoài điều hành, hoạt động bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nên đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và các cục nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an TPHCM lập chuyên án tập trung đấu tranh.

Qua xác minh, ban chuyên án xác định, ngay khi các nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng, chúng lập tức chuyển ra nước ngoài như Trung Quốc, Đài Loan, Campuchia, Malaysia... rồi rút ra bằng thẻ visa. Trong số 3 vụ lừa đảo trên, chỉ có vụ bà Đoàn Thị N.là có manh mối bởi trong số 4 tài khoản nhận tiền, có tài khoản Nguyễn Thị Hương tại VP Bank chi nhánh Bình Dương và tài khoản Nguyễn Văn Thực, ngân hàng SCB chi nhánh Nguyễn Khánh Toàn, Hà Nội.

Triệu tập bà Nguyễn Thị Hương (SN 1949, ngụ tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), là chủ nhân 1 trong 4 tài khoản đã nhận tiền của chị Đoàn Thị N. lên làm việc, bà Hương khai, đầu năm 2019, bà ta bị một đối tượng người nước ngoài tên Herny qua mạng xã hội chiếm đoạt số tiền 600 triệu đồng nhưng không trình báo cơ quan chức năng.

Sau đó, chính Herny yêu cầu Hương mở tài khoản, đăng ký thẻ Visa ngân hàng kèm theo điều kiện sẽ cho tiền khi có người chuyển tiền vào tài khoản. Hương đã đến mở tài khoản tại một chi nhánh ngân hàng ở Bình Dương và gửi chuyển phát cho Herny có địa chỉ ở Malaysia. Từ đó, mỗi khi có tiền vào tài khoản, Hương đến ngân hàng rút số tiền được đối tượng cho để tiêu xài cá nhân, số tiền còn lại trong tài khoản của Hương được chuyển cho Herny.

Các đối tượng lừa đảo bị bắt

Các đối tượng lừa đảo bị bắt

Lúc này, 1 thông tin quý giá được ngân hàng chuyển đến CQĐT: trong các trụ ATM trên đường Nguyễn Thị Thập và phường Phú Mỹ, Q7, TPHCM mà đối tượng đến rút tiền có thu thập được hình ảnh 1 đối tượng nữ mang khẩu trang, đội mũ, ăn mặc kín đáo, không thể nhận dạng được.

Trích xuất camera trong các trụ ATM để lấy hình ảnh đối tượng nữ nghi vấn, nhưng cũng phải mất 3 ngày 3 đêm rà các tuyến đường từ nhà dân, ngân hàng đến các cơ quan nhà nước, các ngả đường quanh các trụ ATM trên mới phát hiện được biển số xe của đối tượng trên.

Tiến hành xác minh qua Phòng CSGT, ban chuyên án đã có được thông tin về đối tượng này. CAQ7, TPHCM còn cung cấp hình ảnh đối tượng nữ nghi vấn trên đi cùng với 1 đối tượng người da đen. Kết quả đã xác định đó là Cáp Xuân Thùy (SN 1998, ngụ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, tạm trú tại Q7, TP Hồ Chí Minh).

Thùy khai, người đàn ông da đen đi chung là người yêu của cô ta, tên Diallo Micheal (SN 1993, quốc tịch Guinea). Thùy cùng Bùi Thị Nghi (SN 1992, quê tỉnh An Giang, ngụ Q1, TPHCM) thuê các căn hộ chung cư cao cấp sống chung với Diallo Micheal và 1 người đàn ông quốc tịch Niegenia tên là Agada Samuel (SN 1994) như vợ chồng. Cả Thùy và Nghi đều thường xuyên đi rút tiền tại các trụ ATM theo lệnh của 2 gã bạn trai ngoại quốc và được cắt lại hoa hồng…

Khó khăn lớn nhất cho ban chuyên án khi điều tra một tổ chức lừa đảo xuyên quốc gia như thế này là các đối tượng đến từ các nước châu Phi, thuê hoặc hợp tác với các đối tượng người Việt Nam để lừa đảo nên có nhiều đầu mối, đối tượng, móc xích với nhau. Khi một mắt xích bị chặt lại có mắt xích khác thay thế.

Ban chuyên án xác định, còn thiếu nhóm đối tượng cung cấp thẻ ngân hàng cho Dialo Micheal và Agada Sauel. Ông Nguyễn Văn Thực khai, ông ta mở 13 tài khoản ngân hàng các loại cho Dialo Micheal. Qua sao kê ngân hàng, riêng số tài khoản này đã có số tiền giao dịch lên tới 15 tỷ đồng.

Lần theo địa chỉ mà Dialo Micheal cung cấp cho ông Thực để gửi thẻ ATM, là tòa chung cư tại số 15B Nguyễn Lương Bằng, phường Phú Mỹ, Q7, TPHCM. Tuy nhiên, tòa nhà này có tới 9 block, với mấy ngàn phòng, để xác minh đối tượng mà từ tên trên tài khoản WhatsApp và số điện thoại đều là giả, sim rác, việc liên lạc chỉ hoàn toàn qua WhatsApp chứ bản thân ông Thực cũng không có bất cứ thông tin gì về đối tượng, không biết mặt mũi, tên tuổi, địa chỉ đối tượng là điều cực kỳ khó khăn. Thời điểm này, ông Thực báo thông tin vừa lấy được 2 thẻ ngân hàng, chuẩn bị gửi cho Micheal Winson.

Đây là thông tin cực kỳ quý giá, bởi nếu ban chuyên án biết được ai là người nhận bưu phẩm chuyển phát nhanh 2 thẻ ngân hàng do ông Thực gửi thì sẽ biết được đối tượng đứng đằng sau. Vậy nhưng, người nhận thẻ do ông Thực gửi lại khai, chỉ nhận thẻ hộ, liên lạc với người kia bằng nhắn tin, gọi điện rồi hẹn đến 1 điểm để giao thẻ. 6-7 lần nhận thẻ do ông Thực gửi, người này đều gặp 1 người nước ngoài đi xe Nouvo. Ban chuyên án đã nhanh chóng bố trí lực lượng mật phục, bắt gọn đối tượng.

Tại CQĐT, đối tượng khai tên là Ezegbogu Francico Emeka (SN 1993), quốc tịch Nigenia, hiện ở 1 chung cư tại huyện Nhà Bè, TPHCM. Y dùng tên Micheal Winson để giao dịch với nhiều người Việt Nam, dùng tên khác để giao dịch thẻ với Dialo Micheal để thực hiện việc rút tiền của các bị hại trong vụ án. Khai thác dữ liệu trong điện thoại của Emeka, ngoài ông Thực, y còn dụ dỗ nhiều người mở tài khoản để cung cấp cho các đối tượng khác thực hiện việc nhận chuyển tiền trong các vụ lừa đảo trên không gian mạng.

Kết thúc chuyên án, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ 6 đối tượng, gồm: Diallo Micheal, Agada Samuel, Ezegbogu Francico Emeka. Bùi Thị Nghi, Cáp Xuân Thùy và Nguyễn Thị Hương, thu giữ hàng trăm thẻ ngân hàng, giấy chuyển tiền, tài liệu và tang vật liên quan mà các đối tượng dùng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

CQĐT cũng làm rõ, để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Diallo Micheal, Agada Samuel đã thuê các căn hộ chung cư ở TPHCM sống chung với Cáp Xuân Thùy, Bùi Thị Nghi như vợ chồng để thực hiện các phi vụ. Trong đường dây lừa đảo này có một đối tượng cầm đầu ở nước ngoài đứng ra điều hành.

Phương châm lừa đảo của nhóm này là nhắm vào những phụ nữ có tiền nhưng đứng tuổi, sống đơn thân, không có chồng, khát khao tình cảm rồi chủ động làm quen và giăng bẫy lừa. Hai đối tượng Nghi và Thùy luôn đóng vai trò là “nhân viên hải quan”, đối tượng Emeka nói chuyện trực tiếp và cho tài khoản để các nạn nhân chuyển tiền.

Để có được các tài khoản và thẻ ATM, Emeka đã đặt mua từ nhiều người hoặc thuê với giá từ 10-20 triệu đồng/thẻ/tháng. Sau khi vừa nhận được tiền, ngay lập tức 4 đối tượng Daillo Micheal, Samuel, Nghi và Thùy có nhiệm vụ sử dụng các thẻ ATM mà Emeka cung cấp đến các ngân hàng ở khu vực TPHCM rút tiền rồi nhanh chóng chuyển vào tài khoản cho đối tượng ở nước ngoài. Cứ mỗi phi vụ thành công, nhóm đối tượng này được các đối tượng ở nước ngoài trả tiền công từ 1-3%/tổng số tiền giao dịch.

Qua chuyên án này, Đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cảnh báo, người dân nên cảnh giác với các thủ đoạn của các đối tượng sử dụng trên không gian mạng để thực hiện các hành vi lừa đảo.

Các cơ quan công quyền, như công an, viện kiểm sát, tòa án làm việc không bao giờ làm việc qua điện thoại mà phải thể hiện bằng văn bản giấy tờ hành chính và kiểm tra tài khoản cũng không thể kiểm tra qua điện thoại, qua mạng xã hội, do đó người dân hết sức cảnh giác khi các thông tin các đối tượng liên lạc đến để thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để tiếp nhận và xử lý ngăn chặn.

Nguồn: [Link nguồn]

Quen trai Tây trên mạng, một “quý bà” ở Đồng Nai bị lừa hơn 13 tỷ đồng

Qua mạng xã hội, nhóm này chủ động nhắn tin, gọi điện làm quen với nhiều phụ nữ đứng tuổi ở các tỉnh, thành để...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà My ([Tên nguồn])
Những chiêu trò lừa đảo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN