Nhiều học sinh nữ bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng
Theo một nghiên cứu tại 30 trường học ở Hà Nội, 31% học sinh nữ cho biết đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng.
Ngày 17-7-2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3133/QĐ-BYT về hướng dẫn chăm sóc và hỗ trợ y tế cho người bị xâm hại tình dục.
31% học sinh nữ bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng
Theo quyết định, xâm hại tình dục (XHTD) đặc biệt với phụ nữ và trẻ em gái đang có chiều hướng gia tăng một cách đáng lo ngại ở VN. Khảo sát năm 2014 với 2000 phụ nữ ở Hà Nội và TP.HCM cho thấy 87% trong số này đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng.
Trong một nghiên cứu tại 30 trường học ở Hà Nội, 31% học sinh nữ cho biết đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng và 11% từng bị xâm hại, quấy rối tình dục. Trong nhóm phụ nữ khuyết tật, cứ 10 người thì bốn người bị XHTD với các hình thức khác nhau.
Mỗi năm cả nước có trên 1200 trẻ em báo cáo bị XHTD. Theo báo cáo của TAND Tối cao, trong 5 năm từ 2013-2018, tòa tiếp nhận 8254 vụ XHTD trẻ em...
Ảnh minh họa
Theo quyết định, xâm hại tình dục là việc thực hiện các hành vi tình dục không có sự đồng thuận của nạn nhân.
Xâm hại tình dục bao gồm: Hiếp dâm (xâm nhập âm đạo, hậu môn hay miệng) bao gồm cả hiếp dâm không thành, các đụng chạm cố ý có tính chất tình dục vào bất kì bộ phận nào của cơ thế của một người. kể cả qua quần áo, sử dụng bộ phận sinh dục, sử dụng tay hay bất kì bộ phận nào khác của cơ thể hay vật dụng mà không có sự đồng thuận của người đó.
Xâm hại tình dục cũng bao gồm việc cố quan hệ tình dục hay có các đụng chạm mang tính dâm dục khi nạn nhân không thể phản đối hay không ý thức được hành vi xâm hại do tuổi, do tình trạng tâm thần, do rượu, thuốc hay các chất khác.
Kịp thời thu thập bằng chứng
Theo Quyết định, nghi ngờ một người bị XHTD là khi thấy có những dấu hiệu: Chảy máu, tổn thương ở cơ quan sinh dục nghi do chấn thương; yêu cầu khám cơ quan sinh dục mà không có lý giải rõ ràng; người bệnh trong tình trạng hoảng loạn, lo sợ; che giấu danh tính, nơi ở…
Khi đó cán bộ y tế cần hỏi đầy đủ sự việc đã xảy ra và tiền sử bị xâm hại. Nếu sự việc mới xảy ra, hỏi người bị hại đã tắm, tiểu tiện, thay quần áo chưa... Những việc này có thể ảnh hưởng đến chứng cứ pháp y.
Khuyến khích bệnh nhân cố gắng nhớ và lưu lại những vật phẩm có thể lưu lại dấu tích của thủ phạm (tóc, tinh dịch, máu…) như quần áo, đồ lót hoặc các đồ vật khác để kịp thời thu thập bằng chứng.
Sau khi thăm khám, trường hợp người bị XHTD hoặc người giám hộ có mong muốn tố cáo, cán bộ y tế tư vấn để họ thực hiện quy trình báo cáo cơ quan chức năng, xin trưng cầu giám định càng sớm càng tốt để tăng khả năng thu được bằng chứng phục vụ việc điều tra, tố tụng.
Cán bộ y tế khuyến khích các trường hợp bị XHTD báo cáo cơ quan chức năng, đề nghị giám định càng sớm càng tốt để tăng khả năng thu được bằng chứng phục vụ việc điều tra, tố tụng.
Trong trường hợp người bệnh và người nhà quyết định không báo cáo cơ quan chức năng mà cán bộ y tế phát hiện các vật phẩm có thể là chứng cứ của XHTD, cán bộ y tế tư vấn người bệnh và người nhà giữ lại các vật phẩm để hỗ trợ cho giám định và tố cáo về sau.
Một số thuật ngữ liên quan tới XHTD
+ Hành vi quan hệ tình dục khác (quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của BLHS) là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào...
+ Trái với ý muốn của nạn nhân (quy định tại khoản 1 Điều 141 và điểm a khoản 1 Điều 142 của BLHS) là người bị hại không đồng ý, phó mặc hoặc không có khả năng biểu lộ ý chí của mình đối với hành vi quan hệ tình dục cố ý của người phạm tội.
+ Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân (quy định tại khoản 1 Điều 141 và khoản 1 Điều 142 của BLHS) là việc người phạm tội lợi dụng tình trạng người bị hại lâm vào một trong những hoàn cảnh sau đây để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác:
Người bị hại không thể chống cự được (ví dụ: người bị hại bị tai nạn, bị ngất, bị trói, bị khuyết tật... dẫn đến không thể chống cự được);
Người bị hại bị hạn chế hoặc bị mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi (ví dụ: người bị hại bị say rượu, bia, thuốc ngủ, thuốc gây mê, ma túy, thuốc an thần, thuốc kích thích, các chất kích thích khác, bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh khác... dẫn đến hạn chế hoặc mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi).
(Theo Nghị quyết số 06/2019/NQQ-HĐTP ngày 1-10-2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS…)
Nguồn: [Link nguồn]
Việc thầy L bị bắt giữ vì tình nghi sàm sỡ học sinh tiểu học khiến lãnh đạo xã và phụ huynh bất ngờ vì thầy L hiền...