"Nhiếp ảnh gia" và tội ác rùng mình

Có cuộc sống sung túc, được làm công việc yêu thích và hạnh phúc với tình yêu của một người con gái xinh đẹp, nhưng Bùi Văn Lý, SN 1977, trú tại xã Yên Dương, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đã tự đánh mất tất cả.

Chỉ vì sự nông nổi và lòng tham, gã đã cùng đồng bọn sát hại tàn nhẫn một người bạn…

Chiếc bao tải bất thường trên sông Sắt

Sáng 13-5-1997, một người đàn ông làm nghề chài lưới trên sông Sắt, đoạn chảy qua huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, phát hiện một bao tải lớn buộc kín đầu đang lập lờ trôi. Khi mở ra, người này thấy có xác một người đàn ông đã bị cắt rời các phần đầu và chân… Thông tin này nhanh chóng được báo lên Phòng CSĐTTP về TTXH CA tỉnh Nam Định. Phối hợp tìm kiếm những phần thi thể của người đàn ông này, CQCA xác định, nạn nhân tử vong là do các vết thương tập trung ở vùng mặt làm vỡ xương mặt và hộp sọ. Nạn nhân được xác định là anh Bùi Ngọc Tin, quê ở Thanh Hóa. Trước khi bị sát hại, anh Tin làm công nhân trong nhà máy xi măng Bỉm Sơn. Nhận định đây là một vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng, hung thủ đã xuống tay sát hại nạn nhân rồi cố tình cắt xác nạn nhân nhằm mục đích phi tang, bịt đầu mối điều tra. Vì vậy, các trinh sát của CA tỉnh Nam Định đã tập trung mọi lực lượng tiến hành điều tra, truy tìm thủ phạm.

Quá trình điều tra, lực lượng CA xác định, cuối năm 1996 anh Tin có quen một người tên là Lam, quê ở tỉnh Nam Định. Do Lam làm cùng nhà máy với anh Tin nên hai người đã quen biết và chơi với nhau. Cùng với lời khai của một số nhân chứng là bạn đồng nghiệp và người thân của anh Tin, các trinh sát được biết trước ngày xảy ra vụ án mạng, anh Tin có nói là sẽ cùng Lam về huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định chơi vài hôm. Và cũng chính trong khoảng thời gian này, anh Tin bị sát hại. Nhận định, rất có thể Lam liên quan đến cái chết của anh Tin, CQĐT đã tiến hành triệu tập Lam để lấy lời khai. Ban đầu, Lam quanh co chối tội. Nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ và kinh nghiệm dày dặn của các ĐTV, Lam dần hé mở thông tin về vụ án. Quá trình điều tra, Lam còn khai nhận, đồng phạm cùng thực hiện tội ác “tày đình” với mình là Bùi Văn Lý và ngay trong ngày, tên sát nhân này cũng bị tóm gọn.

Chiếc xe “đổi” một mạng người

Tại CQĐT, Bùi Văn Lý khai nhận, từ cuối năm 1996, bạn của Lý là Nguyễn Hồng Lam đã quen với anh Bùi Ngọc Tin khi hai người cùng làm công nhân trong nhà máy xi măng Bỉm Sơn, ở TX Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Biết anh Tin có chiếc xe máy Dream II, Lam đã nghĩ đến việc chiếm đoạt chiếc xe máy. Trong lúc đang tính toán chưa biết giết anh Tin như thế nào để “đầu xuôi đuôi lọt” thì Lam gặp Lý khi gã “dạt nhà” vào thị xã Bỉm Sơn chơi. Lam liền nói ý định của mình và rủ Lý cùng tham gia. Thấy được món lợi lớn, Lý đồng ý cùng với Lam giết anh Tin để cướp xe bán lấy tiền tiêu xài.

Nghe theo kế hoạch của Lam, Lý quay về quê chuẩn bị để khi Lam đưa anh Tin ra thì cả hai sẽ “hành động”. Khi về đến quê, Lý đã thuê ki ốt của chị Trần Thị Thúy ở chợ Mua, thuộc xã Yên Dương, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Sau đó, gã đi mua hai con dao mới, một con dao bài, một con dao rựa đúng như Lam dặn về nhà cất giấu. Khi mọi việc đã chuẩn bị xong theo đúng kế hoạch, Lam rủ anh Tin về nhà Lý ở xã Yên Dương, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định . Sáng 11-5-1997, Lam cùng anh Tin đi xe máy từ thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa ra nhà Lý chơi nhưng Lý đi vắng. Khoảng 10g, Lý về, Lam và Lý tiếp tục “dựng kịch bản” để giết anh Tin tại phòng riêng của Lý. Sau khi dựng xong “kịch bản chi tiết”, Lam và Lý rủ anh Tin ra ki ốt ở chợ Mua, đi mua rượu và thức ăn về “nhắm”. Trước lúc ăn, Lý lén bỏ thuốc ngủ do Lam mua sẵn từ hôm trước vào cốc rượu đưa cho anh Tin uống. Sau khi uống hết ½ lít rượu, anh Tin vẫn chưa say, Lam ra mua thêm hai chai bia mời anh Tin uống tiếp. Thấy hai “ông bạn” nhiệt tình, anh Tin tiếp tục uống nhưng chỉ được nửa cốc thì anh say và gục xuống. Lam kéo anh Tin đặt xuống giường nằm. Thấy anh Tin say và ngủ bất tỉnh, Lam lấy chìa khóa xe máy cùng Lý đi mua búa tạ 3,9kg rồi về ki ốt nơi anh Tin đang ngủ, Lam dùng búa đập mạnh vào mặt và cằm anh Tin.

Thấy máu trong miệng anh Tin chảy ra, y kéo anh Tin xuống đất, lấy bạt phủ kín và dùng búa đập thêm nhiều nhát cho anh Tin chết hẳn. Sau đó, Lam và Lý lấy xe máy của anh Tin đi tìm nơi vứt xác. Đến 24g cùng ngày, hai tên mang hai con dao mới mua đến ki ốt. Lý mở cửa đứng ngoài canh gác, Lam dùng đèn pin soi lấy dao cắt hai chân và đầu anh Tin đem bó lại. Tháo đồng hồ, móc túi lấy 100 nghìn đồng và toàn bộ giấy tờ đăng kí xe và bằng lái của anh Tin đưa cho Lý cầm. Khoảng 1g30 sáng 12-5-1997, cả hai dùng xe máy chở xác anh Tin ra sông Sắt phi tang. Để không ai có thể nhìn thấy xác anh Tin trên sông, trước khi vứt xuống sông bọn chúng còn mổ bụng nạn nhân để xác không nổi. Trên đường về, hai tên đã lấy cát về rắc lên dấu vết máu trong ki ốt, những vết máu trên tường chúng dùng than chấm lên để xóa dấu vết.

Tội ác mà Lý và Lam gây ra đã khiến dư luận xôn xao trong một thời gian dài. Mà ngay cả bản thân Lý, sau khi gây ra tội ác và bị bắt, gã cũng nhận thấy tội của mình khiến “trời không dung, đất không tha”. Nhớ lại ngày ấy, khi biết Lý là thủ phạm gây ra vụ án “tày đình”, những người dân trong làng đã nhìn gã không khác gì “thú dữ”. Dù đã biết “tiếng tăm” của Lý nhưng họ vẫn không thể ngờ, Lý lại là gã thanh niên “máu lạnh” đến như vậy.

“Nhiếp ảnh gia” sa đọa…

Bởi trước đó, Lý đã có tiếng là gã thanh niên chơi bời. Là con thứ trong một gia đình khá giả, Lý được bố mẹ đầu tư cho ăn học nhưng gã học hành cũng không đến nơi đến chốn. Học hết lớp 8, gã bỏ học ở nhà lêu lổng theo đám bạn hư. Gia đình Lý có một hiệu chụp ảnh nổi tiếng ở huyện Ý Yên, nên Lý cũng có tiếng là con ông chủ. Vì có tiền nên độ chịu chơi của gã khiến cho đám bạn bè phải nể phục, gã mạnh tay chi hầu bao trong tất cả các cuộc chơi, nhậu nhẹt với bạn bè. Bố mẹ gã khuyên bảo nhiều, mới đầu gã không nghe. Nhưng về sau, thấy mình đã lớn, gã cũng biết nghĩ phải kiếm một cái nghề để nuôi thân. Thế là Lý quyết định “tu tỉnh” và theo bố học nghề chụp ảnh để nối nghiệp gia đình.

Với nền tảng sẵn có của gia đình, cùng với những kiến thức học được từ bố, Lý dễ dàng trở thành “nhiếp ảnh gia”. Với chất “nghệ sĩ” trong người, Lý không chỉ chụp ảnh trong Studio của gia đình, mà gã còn vác máy ảnh rong ruổi đi khắp nơi. Từ những đám cưới, đám hỏi, cho đến những khu du lịch… Và trong một lần đi chụp ảnh, Lý đã gặp một cô gái xinh đẹp cùng quê, là nhân vật trong một bức ảnh của Lý. Sau buổi chụp ảnh ngày hôm ấy, Lý không chỉ rửa ảnh để trả cho cô gái mà gã còn rửa cho mình một kiểu. Hình ảnh người con gái với mái tóc đen dài, nụ cười má lúm khiến cho trái tim của một cậu trai mới lớn phải thao thức nhiều đêm. Lý quyết tâm chinh phục bằng được cô gái đó. Sau nhiều ngày bền bỉ “trồng cây si”, Lý đã chiếm được trái tim người đẹp.

Tìm được niềm vui và đam mê trong công việc, lại đang tận hưởng những dư vị ngọt ngào của tình yêu đầu đời. Đối với Lý dường như không có gì hạnh phúc hơn thế. Tưởng mọi chuyện sẽ diễn ra suôn sẻ, nhưng rồi chính sự nông nổi và bồng bột của tuổi trẻ đã khiến cuộc đời gã rẽ sang một con đường khác.

Trong một lần đi làm, Lý bị bố mắng và hai bố con đã to tiếng với nhau. Chỉ có như vậy, nhưng tính tự ái nổi lên, gã đùng đùng bỏ nhà vào Thanh Hóa chơi. Ở Thanh Hóa, Lý có một người bố nuôi nên gã vào đây tá túc. Thấy Lý vào nhà bố nuôi ở, gia đình gã cũng yên tâm. Chỉ có người yêu gã, mấy lần gọi gã về nhưng gã nhất quyết không chịu. Thậm chí, người yêu Lý đã phải vào tận Thanh Hóa để khuyên gã quay về nhưng Lý vẫn không nghe. Và Lý chỉ dặn dò người yêu cứ yên tâm về quê, khi nào thích hợp nhất định gã sẽ quay về.

Và cái ngày Lý cho là “thích hợp” để về quê là lúc gã gặp Lam. Thấy thằng bạn đồng hương rủ cùng tham gia “phi vụ”. Lý thầm nghĩ, gã đã có “lí do” để về quê gặp người yêu, hơn nữa, sau khi “phi vụ” thành công, Lý sẽ có một khoản tiền. Nghĩ là làm, Lý quay về quê và âm thầm chuẩn bị… Và rồi chính gã đã kéo người yêu vướng vào vòng lao lý khi giúp sức và cùng gã chạy trốn.

Với tội ác đã gây ra, qua hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Lam và Lý đều phải nhận mức án tử hình. Hai mươi tuổi, cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời, Lý đã biết thế nào là sợ hãi thực sự khi biết mình phải trả giá đắt vì hành vi tội lỗi. Không nói thì ai cũng biết gã hối hận đến nhường nào. Cuộc sống tươi đẹp đã mở ra trước mắt, vậy mà Lý đã tự đóng lại cuộc đời mình. Phải đến khi đối diện với tử thần, Lý mới nhận ra giá trị của cuộc sống. Khao khát sống trỗi dậy mãnh liệt. Lý viết đơn ân giảm án tử hình lên Chủ tịch nước. Và sau đó, gần một năm chờ đợi, đến khi nhận được quyết định ân xá, Lý tâm sự: “Đôi chân tôi như muốn khụỵ xuống, không thể đứng vững được nữa. Tôi không thể nói được một lời, cũng không biết nên cười hay nên khóc. Tôi cảm giác mình vừa được tái sinh lần thứ hai, suốt cuộc đời này tôi không thể quên được cảm giác ấy và tôi sẽ cố gắng sống sao cho xứng đáng với ân huệ mình nhận được…”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Vũ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN