Nhận diện kẻ giăng "bẫy tình"

Phần lớn các chị em khi bị lừa đảo thường mặc cảm, sợ ảnh hưởng đến gia đình nên không trình báo.

Nhận diện kẻ giăng "bẫy tình" - 1

Cảnh giác với bẫy tình trên mạng xã hội

Cuối năm 2016, chị BTP (sinh năm 1990, trú tại Yên Thủy, Hòa Bình) được một chàng đẹp trai ngoại quốc tên Mark Jonhson chủ động kết bạn trên Facebook. Sau đó Mark thường xuyên nhắn tin qua lại thăm hỏi về cuộc sống, công việc của chị P. bằng… tiếng Việt.

Ngày 2-12-2016, Mark hào phóng thông báo đã gửi về Việt Nam tặng chị BTP số tiền lên tới 20 triệu USD. Sau đó có hai đầu số điện thoại di động tại Việt Nam thường xuyên gọi và nhắn tin yêu cầu chị BTP chuyển tiền theo hướng dẫn của họ với lý do làm phí chống rửa tiền, vận chuyển, thông quan… Chị BTP đã nhiều lần gửi tiền vào các ngân hàng ở Việt Nam cho “hải quan” với số tiền gần 350 triệu đồng.

Qua điều tra xác minh, C50 (Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao) Bộ Công an đã ký công văn chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp nghiệp vụ cho Công an tỉnh Hòa Bình điều tra làm rõ hành vi lừa đảo của các đối tượng này.

Đây chỉ là một trong những vụ lừa đảo với chiêu thức quá quen thuộc nhưng vẫn có nhiều người dính bẫy, nạn nhân là phụ nữ. Câu chuyện trên đã được nhắc lại trong hội thảo tuyên truyền phòng, chống tội phạm sử dụng mạng xã hội với thủ đoạn “bẫy tình” chiếm đoạt tài sản, do Bộ Công an phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 28-2.

Bị lừa hơn 10 tỉ vẫn tin “bạn trai”

Tại hội thảo, bà Lâm Thị Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, cho biết các đối tượng lừa đảo thường đăng hình ảnh có ngoại hình ưa nhìn, tự giới thiệu đang làm việc trong quân đội hoặc gia đình khá giả. Các đối tượng này nắm bắt tâm lý phụ nữ rất giỏi khiến các cô gái tin tưởng và hy vọng vào một tương lai tươi sáng. Các đối tượng lừa đảo và đường dây của chúng tạo ra nhiều tình huống hợp lý tới mức nạn nhân đã mất số tiền lớn mà vẫn… nuôi hy vọng.

Giữa năm 2016, Công an TP.HCM nhận được đơn tố cáo của bà H. với nội dung “bạn trai” Jame Oscar Herera, quốc tịch Mỹ, kỹ sư hàng hải đã lừa lấy của bà số tiền rất lớn lên đến 10,7 tỉ đồng. Qua Facebook, Jame tán tỉnh và hứa hẹn cưới bà H. làm vợ, bảo lãnh bà qua Mỹ. Đến tháng 3-2016, Jame nhắn tin báo cho bà biết đang thực hiện dự án đầu tư về dầu khí trị giá 4 triệu USD dẫn dầu từ biển vào đất liền và mượn bà một số tiền. Jame hứa sẽ cho bà 500.000 USD và thực hiện xong dự án sẽ về Việt Nam cưới bà. Bà H. đã 14 lần chuyển cho Jame hơn chục tỉ đồng. Sau đó, thấy đối tượng vòng vo, bà đã báo công an. Nhưng hơn một tháng sau, bà H. xin rút đơn tố cáo với lý do Jame Oscar Herera đã hứa trả đủ số tiền đã mượn của bà. Bà khăng khăng rằng Jame không lừa đảo.

Bẫy tình dễ giăng, khó truy xét

Theo báo cáo của Công an tỉnh Tây Ninh, trong năm 2016 các đối tượng dùng bẫy tình đã lừa đảo số tiền gần 15 tỉ đồng và gần 24.000 USD. Tuy nhiên, phần lớn các chị em khi bị lừa đảo thường mặc cảm, sợ ảnh hưởng đến gia đình nên không trình báo.

Theo báo cáo của Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, việc hẹn hò thường diễn ra trong một thời gian dài, tạo được lòng tin đối với nạn nhân. Sau khi lừa được nạn nhân, các đối tượng này xóa tài khoản, chặn số điện thoại. Các đối tượng là người nước ngoài luôn tạo tên giả, hình ảnh giả nên việc điều tra, xác minh cực kỳ khó khăn. Các tài khoản dùng để rút tiền thường đặt ở địa phương khác, do người được thuê đứng tên giùm. Sau đó các đối tượng này dùng thẻ visa để rút tiền.

Đại tá Lê Tấn Tảo cho biết: “Hằng năm chúng tôi đều hợp tác với Interpol để phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, nhất là tội phạm công nghệ cao. Chúng tôi chủ động tìm hiểu, theo dõi các đối tượng nghi vấn ngay trên mạng xã hội. Có một vấn đề nổi lên là bọn tội phạm chọn Việt Nam để gây án bởi vì công tác quản lý mạng Internet, SIM điện thoại, tài khoản ngân hàng quá lỏng lẻo, dễ dàng. Khi công an bắt được, các đối tượng lừa đảo mới khai ra họ đã lừa nhiều người, thậm chí không nhớ họ đã lừa bao nhiêu người”.

Cảnh giác khi hẹn hò trên mạng

Các bạn trẻ, nhất là nữ cần cẩn trọng giao tiếp, tìm hiểu kỹ nhân thân của người quen trên mạng, tuyệt đối không để lộ thông tin cá nhân trên mạng xã hội.

Khi quyết định gặp gỡ ai, các bạn nên thông báo địa điểm, giờ giấc và người mình sẽ gặp cho người thân của mình. Nên chọn những không gian an toàn, đông người.

Công an tỉnh Tiền Giang

Nhận diện kẻ giăng bẫy

Đối tượng là người Việt Nam: Thường tự giới thiệu đang làm việc trong các tổ chức uy tín, khó ăn nói, hiền lành, xuất thân gia đình danh giá. Gặp mặt, các đối tượng luôn thể hiện sự quan tâm, giúp đỡ, tặng quà. Khi đã tạo lòng tin thì sẽ lừa đảo chiếm đoạt tiền, tài sản rồi cắt đứt liên lạc.

Đối tượng là người nước ngoài: Họ đội lốt doanh nhân thành đạt, chính trị gia, kỹ sư… đang trắc trở hôn nhân. Sau một thời gian sẽ ngỏ lời yêu thương, muốn tiến tới hôn nhân rồi tặng quà, có chụp ảnh cả bưu phẩm đã gửi. Tiếp theo các đồng phạm người Việt Nam sẽ đóng vai cán bộ hải quan, nhân viên giao hàng tạo ra nhiều kịch bản để moi tiền của nạn nhân.

Công an TP.HCM

Trong năm 2015 và 2016, số tiền các nạn nhân bị lừa bởi “bạn trai ngoại quốc” lên đến hàng trăm tỉ đồng. Riêng Công an TP.HCM tiếp nhận 58 đơn tố cáo với số tiền bị lừa đảo hơn 22 tỉ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Minh (Pháp luật TP.HCM)
Những chiêu trò lừa đảo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN