Nhà sáng lập Wikileaks và sự thật về quá khứ của một “hacker nổi loạn”

Nếu nói cuộc đời giống như một cuốn tiểu thuyết thì với Julian Assange đó là cuốn tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm, từ một tuổi thơ dữ dội tới con đường trở thành hacker lừng lẫy rồi ông chủ của trang web nổi tiếng WikiLeaks, mỗi nấc thang đều là một câu chuyện dài…

Hacker là thuật ngữ để nói về những người vô cùng giỏi trong công nghệ máy tính, đặc biệt là về bảo mật. Tuy nhiên, không ít người trong số họ sử dụng tài năng của mình để làm những điều phi pháp. Lịch sử thế giới đã nhiều lần chứng kiến những thảm họa mà “hacker mũ đen” gây ra, từ những vụ trộm tiền với số lượng khổng lồ tới các thông tin mật bị đánh cắp rồi rao bán… Chân dung của những kẻ mang nỗi ám ảnh kinh hoàng với các chuyên gia bảo mật sẽ được làm rõ trong loạt bài “Những haker nguy hiểm nhất lịch sử” dưới đây.

Nhà sáng lập Wikileaks và sự thật về quá khứ của một “hacker nổi loạn” - 1

Julian Assange đã trở thành một cao thủ tin tặc từ khi mới 16 tuổi.

Tuổi thơ sóng gió

Julian Paul Assange sinh ngày 3/7/1971 tại  thành phố Townsville, bang Queensland, miền bắc Australia. Cha mẹ của Assange điều hành một nhà hát lưu động nên từ nhỏ, cậu bé Julian đã quá quen với cảnh nay đây mai đó.

Suốt những năm tuổi thơ, gia đình Julian lần lượt di chuyển qua  37 địa danh, do đó, chuyện học hành của Julian không được ổn định cho nên việc học hành cũng bị ảnh hưởng rất lớn, phần lớn thời gian cậu đều tự học.

Năm Julian 8 tuổi, cha mẹ ly hôn. Sau đó, mẹ Julian đi bước nữa những cũng không hạnh phúc. Cuộc chiến giành đứa em cùng mẹ khác cha của Julian hết sức quyết liệt.

Người mẹ đã âm thầm dắt hai đứa con chạy trốn. Trên đường chạy trốn, có lần 3 mẹ con thuê một căn nhà nằm đối diện với một cửa hàng điện tử. Lúc đó, Julian đã biết chút ít về lập trình tin học. Cậu muốn qua cửa hàng mượn cỗ máy Commodore  64 để viết lập trình. Thấy con quá say mê, mẹ cậu đi thuê một chỗ ở khác rẻ tiền hơn để có tiền sắm cho Julian chiếc máy của riêng mình.

Dù yêu thích toán và vật lý nhưng internet mới chính là niềm đam mê đích thực của chàng trai này. Niềm đam mê đã đưa cậu đến với thế giới ngầm trong làng máy tính, học làm hacker để đột nhập vào tài khoản email của những người giàu có hoặc có ảnh hưởng, rồi khai thác bí mật của họ.

Hacker nổi danh

Julian bắt đầu bẻ khóa các chương trình nổi tiếng bằng cách truy tìm thông tin ẩn của nhà lập trình.  Năm 16 tuổi, Julian mua một chiếc modem. Chiếc máy tính của được biến thành một cổng thông tin. Dần dần,  Julian nổi tiếng trong giới tin tặc là một cao thủ có thể bẻ khóa các mạng gọi là an ninh nhất.

Julian cùng với hai tin tặc khác sau đó thành lập nhóm International Subversives, xâm nhập các hệ thống máy tính ở châu Âu và Bắc Mỹ,  kể cả mạng thông tin của Lầu Năm Góc và Los Alamos National Laboratory, phòng nghiên cứu khoa học và công nghệ lừng danh thế giới của Mỹ.

Mục đích của Julian khi đột nhập vào các hệ thống bí mật chính là muốn nhìn vào một thế giới mà những người dân thường hoàn toàn không biết đến.

Bẻ khóa, xâm nhập mạng máy tính đã trở thành một phần  cuộc sống của Julian Assange. Cuộc phiêu lưu khám phá thế giới số luôn được mở rộng với kiến thức học được.

Các hoạt động táo bạo của nhóm International Subversives bắt đầu bị cảnh sát liên bang Australia chú ý.

Tháng 9/1991, Julian Assange xâm nhập trạm đầu cuối chính của Công ty Viễn thông Canada Nortel đặt tại Melbourne, Australia. Lúc đó Julian tròn 20 tuổi.

Julian thường xâm nhập hệ thống máy tính của Nortel vào ban đêm. Đó là lúc hệ thống ở trong tình trạng lơ mơ. Nhưng một đêm nọ, có một quản lý mạng của Nortel trên hệ thống. Cho nên, việc nhóm International Subversives xâm nhập hệ thống máy tính của Nortel đã bị phát hiện và trở thành đầu mối thông tin quan trọng.

Ken Day, trưởng nhóm điều tra, nhận định: “Julian là tin tặc giỏi nhất và bí ẩn nhất trong nhóm”.

Julian sau đó đã bắt giữ và bị cáo buộc 31 tội danh bao gồm xâm nhập bất hợp pháp các hệ thống máy tính và các tội liên quan khác.

Julian cho rằng việc xâm nhập máy tính chỉ để “xem” là không có tội tình vì trên thực tế anh không làm gì có hại cho hệ thống cả. Anh quyết định chống án tới cùng.  Và trong phiên xử cuối cùng, chánh án kết luận: “Không thấy có chứng cứ nào khác ngoài chuyện  tò mò và khoái cảm được lướt sóng trên các máy tính”. Julian Assange chỉ bị phạt một số tiền nhỏ.

Trở về Úc, Julian ghi danh học môn vật lý ở Trường Đại học Melbourne với kỳ vọng giúp ích được nghề tin tặc.

Năm 2006, anh và những người bạn cùng niềm đam mê lập ra trang Wikileaks với lời giới thiệu là "trang Wikipedia không thể kiểm duyệt".

Trang web phi lợi nhuận này được Assange điều hành với sự cộng tác của một nhóm tình nguyện viên, chuyên công bố những tài liệu nhạy cảm hoặc bí mật về những sai trái của các chính phủ cũng như tổ chức, đồng thời chuyển những thông tin đặc biệt này cho giới truyền thông.

Từ bí mật của các nhà lãnh đạo, cho tới những vấn đề nhạy cảm giữa các quốc gia, tất cả đều được Wikileaks phơi bày.

Năm 2010, Mỹ lên tiếng cáo buộc trang web Wikileaks vi phạm Luật tình báo Mỹ và Julian Assange - người sáng lập WikiLeaks phải chịu trách nhiệm cho tội danh làm rò rỉ hàng loạt tài liệu mật của Mỹ.

Từ tháng 6/2012 tới nay, nhà sáng lập trang cung cấp tài liệu mật WikiLeaks Julian Assange phải trú ẩn trong Sứ quán Ecuador tại Thủ đô London, Anh để tránh bị giới chức Anh bắt giữ cho một cáo buộc cưỡng hiếp ở Thụy Điển vào năm 2010. Tuy nhiên, Julian cho rằng đây là âm mưu nhằm dẫn độ ông về Mỹ, nơi ông có thể bị xét xử về tội làm rò rỉ hàng ngàn tài liệu mật của Mỹ trên trang WikiLeaks. 

-----------

Mời độc giả đón đọc loạt bài tiếp theo Những hacker nguy hiểm nhất lịch sử vào 4h ngày 23/9/2017.

Chuyện chưa từng kể về siêu hacker làm thay đổi luật pháp Mỹ

Người ta nhìn ông như thể nhìn một kẻ dưới đáy xã hội, chẳng ai còn nhận ra cậu thanh niên tiếng tăm lẫy lừng một...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Anh (Theo Guardian, BBC, The New Yorker) ([Tên nguồn])
Những Hacker nguy hiểm nhất lịch sử Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN