Người vợ quơ dao làm chết kẻ trộm: Không có tội
Các chuyên gia đều cho rằng nếu các thông tin ban đầu là đúng thì hành vi chống trả của người vợ không bị coi là tội phạm.
Liên quan đến vụ án ở huyện Cần Giuộc, Long An, ngày 12-3, sau khi khám nghiệm xong, thi thể anh Võ Tấn Hội (38 tuổi, ngụ ấp Thuận Bắc, xã Thuận Thành) đã được bàn giao cho người thân đưa về mai táng. Chị Nguyễn Thúy Hằng (31 tuổi, vợ anh Hội) bị thương ở lưng và đầu đã được điều trị ổn định cũng được tạm cho về nhà để lo đám tang của chồng.
Không bị coi là tội phạm
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, đối tượng Nguyễn Thành Trung (là hàng xóm) đã đột nhập vào nhà, dùng dao tấn công khiến anh Hội tử vong tại chỗ. Sau đó Trung khống chế chị Hằng cướp tài sản nhưng chị chống cự, chạy thoát ra ngoài kêu cứu. Trung sợ bị người dân phát hiện nên cầm dao đuổi theo. Trong lúc hoảng loạn, chị Hằng chụp được con dao quơ lại phía sau trúng vào vùng đầu khiến Trung gục tại chỗ và tử vong sau đó. Lời khai ban đầu của chị Hằng cho biết cách đây hơn một tháng Trung có vay mượn của vợ chồng chị khoảng 60 triệu đồng…
Vấn đề pháp lý là hành vi chống trả của chị Hằng khiến kẻ trộm tử vong có phạm tội hay nằm trong giới hạn phòng vệ chính đáng (PVCĐ)?
TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng nếu những thông tin ban đầu là đúng thì hành vi của chị Hằng không bị coi là tội phạm.
Bởi Điều 22 BLHS 2015 quy định PVCĐ không phải là tội phạm. Đó là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
“Pháp luật quy định về PVCĐ nhằm khuyến khích người dân phòng vệ để tự bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác. Nói cách khác, đây là một hình thức xã hội hóa việc đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác. Nó cũng phù hợp với thực tế vì các cơ quan chức năng không thể kịp thời đấu tranh chống tội phạm trong mọi hoàn cảnh, trường hợp cụ thể. PVCĐ tuy về hình thức thỏa mãn dấu hiệu pháp lý của một tội cụ thể nhưng do có ích cho xã hội nên nó không bị coi là nguy hiểm cho xã hội và do đó không bị coi là tội phạm” - TS Tuấn nói.
Hiện trường vụ án. Ảnh: PV
Theo TS Tuấn, PVCĐ là quyền của cá nhân nhưng khi nó xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người tấn công thì phải đảm bảo các điều kiện nhất định Điều 22 BLHS. Trong vụ này, chị Hằng có đủ các điều kiện của PVCĐ.
Thứ nhất, hành vi của Trung là đặc biệt nguy hiểm, đang diễn ra khi đã giết anh Hội và khống chế chị cướp tài sản. Khi chị Hằng chống cự, chạy ra ngoài kêu cứu thì Trung cầm dao đuổi theo. Như vậy, lúc này tính mạng của chị Hằng bị đe dọa nghiêm trọng và có thể bị Trung giết nên chị được quyền phòng vệ.
Thứ hai, chị Hằng phòng vệ trong giới hạn để loại trừ hành vi tấn công của Trung trong hoàn cảnh có thể bị tước đoạt tính mạng và để bảo vệ quyền sống của mình. Trong hoàn cảnh bị Trung cầm dao đuổi theo và với khả năng hoảng loạn thì việc chị chụp được con dao quơ lại phía sau là trong giới hạn cần thiết để loại bỏ hành vi tấn công của Trung. Cần lưu ý rằng chị Hằng phòng vệ trong hoàn cảnh hoảng loạn và là sự chống trả của một phụ nữ đối với một tên cướp.
Có ý kiến cho rằng tại sao chị Hằng không đâm vào chỗ khác để gây thương tích cho Trung thôi. Hoặc cũng có ý kiến cho rằng tại sao chị Hằng không tiếp tục bỏ chạy để tên cướp không thể gây thiệt hại cho chị. Các ý kiến này không hợp lý bởi quyền phòng vệ được coi là chính đáng khi trong giới hạn để loại trừ hành vi tấn công và để loại trừ hành vi tấn công bất hợp pháp đó. Pháp luật không đòi hỏi người trong hoàn cảnh phòng vệ phải hạn chế tối đa việc gây thiệt hại cho người tấn công.
TS Tuấn khẳng định: “Ngay cả trong trường hợp việc phòng vệ gây ra lớn hơn thiệt hại mà người tấn công gây ra hoặc đe dọa gây ra thì vẫn coi là pvcđ nếu như việc gây thiệt hại đó là trong giới hạn cần thiết để loại trừ hành vi tấn công”.
Người vợ đã làm đúng
Một thẩm phán chuyên xét xử án hình sự (xin giấu tên) phân tích: Đối tượng Trung đã xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của anh Hội với phương thức, thủ đoạn côn đồ hung hãn. Hành vi này đang tiếp tục xảy ra khi Trung truy sát chị Hằng (là phụ nữ, yếu thế hơn). Nếu chị Hằng không chống trả một cách cần thiết thì rất có thể chính chị là nạn nhân tiếp theo. Vì vậy, sự phản kháng của chị Hằng là trong giới hạn cần thiết để tránh một thảm án. Tất nhiên mọi chuyện sẽ phụ thuộc vào kết luận của cơ quan điều tra nhưng thông tin cho đến thời điểm này thể hiện chị Hằng đã PVCĐ và làm đúng luật.
Đồng tình, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, cho rằng việc làm của chị Hằng nằm trong giới hạn PVCĐ theo luật. Bởi sau khi nạn nhân (tức kẻ trộm) giết chồng thì tiếp tục đuổi chém, đe dọa đến tính mạng của chị. Lúc này chị Hằng không còn cách nào khác để chống trả nhằm giải thoát cho mình, ngăn chặn hành vi đe dọa đến tính mạng từ phía nạn nhân.
Nếu chị Hằng không chống trả thì người bị xâm hại về tính mạng tiếp theo sẽ là chị và con của chị. Mặt khác, trường hợp này cũng không bị coi là vượt quá giới hạn phòng vệ. Bởi vì lúc này trên tay của Trung là con dao, vừa giết chồng chị Hằng và tiếp tục truy đuổi để chém chị…
Ba lý do để loại trừ trách nhiệm hình sự Theo thông tin mà báo đã nêu đến thời điểm này thì hành vi chống trả của chị Hằng đáp ứng các điều kiện của PVCĐ, không phải chịu trách nhiệm hình sự. Thứ nhất, đối tượng Trung đã thực hiện hành vi nguy hiểm đáng kể và trái pháp luật khi dùng dao cắt cổ anh Hội chết tại chỗ. Khi chị Hằng bỏ chạy, Trung lại cầm dao rượt theo chém vào lưng nên có cơ sở xác định Trung muốn xâm phạm đến tính mạng chị Hằng. Thứ hai, việc tấn công của Trung đang hiện hữu. Tại thời điểm chị Hằng chụp được con dao để chống trả thì hành vi tấn công của Trung đang diễn ra, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của chị này. Vì vậy, chị Hằng có quyền phòng vệ để chống trả hành vi trái pháp luật nghiêm trọng mà Trung thực hiện. Thứ ba, hành vi phòng vệ nhằm vào người đang tấn công và nằm trong giới hạn cần thiết để ngăn chặn sự tấn công. Việc làm của Trung là mãnh liệt và tàn bạo. So về tương quan giữa hai bên, nếu chị Hằng không dùng dao chống trả thì người thiệt mạng tiếp theo là bản thân chị. Vì vậy, việc phòng vệ được xem là nằm trong giới hạn cần thiết để ngăn chặn sự tấn công mặc dù nó đã gây ra cái chết cho đối tượng Trung. ThS TRẦN THANH THẢO, Trường ĐH Luật TP.HCM |
Công an có mặt tại nhà bà Hằng để giám sát và xử lý theo quy định pháp luật sau khi bà lo đám tang cho chồng xong.