Người tâm thần gây án: Nỗi đau tột cùng
Người mẹ trẻ 33 tuổi cầm dây siết cổ con trai và cháu ruột tử vong vào ngày 20-7-2018 tại Khu đô thị xã Cự Khê, huyện Thanh Oai (Hà Nội) hay người đàn ông tâm thần giết cha đẻ, vợ và con gái là những vụ án mới nhất về người tâm thần gây án gây rúng động dư luận mấy ngày qua. Tình trạng người tâm thần gây án không còn xa lạ ở nước ta, gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề và đau đớn cho chính thân nhân của họ và cho xã hội.
Nhưng làm cách nào để phòng ngừa lại là một câu chuyện dài bởi có nhiều người biểu hiện bệnh nặng nhưng bản chất mắc bệnh lại không nặng, tương tự có người biểu hiện bệnh nhẹ, vẫn sinh hoạt, trò chuyện như người bình thường nhưng thực tế mắc bệnh lại rất nặng.
Gia tăng người mắc bệnh tâm thần
Trao đổi với Thầy thuốc ưu tú TS.BS Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), ông cho biết, tỷ lệ người mắc bệnh tâm thần ngày một gia tăng. Nguyên nhân là do môi trường làm việc và áp lực cuộc sống hiện đại luôn căng thẳng đã tạo áp lực lớn khiến nhiều người bị stress, trầm cảm, rối loạn cảm xúc, rối loạn tư duy hay trí nhớ…
Trung bình một ngày Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương khám và điều trị cho trên 250 bệnh nhân, tăng hơn so với trước đây. Nhiều người khi mắc các rối loạn triệu chứng nhưng chính bản thân không biết, người thân cũng không biết, lâu dần bệnh tiến triển nặng thì việc điều trị khỏi sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Và khủng khiếp hơn là trong một lúc bộc phát, hậu quả mà căn bệnh này gây ra thật khó kiểm soát. Điển hình là một vụ án rùng rợn như giết nhiều người thân do bị hoang tưởng, trầm cảm, rối loạn tri giác… gây ra.
Trở lại câu chuyện của người mẹ trẻ 33 tuổi – Hoàng Thị Sen ở Cự Khê, Thanh Oai (Hà Nội). Do gần đây phải chịu áp lực liên tiếp từ việc người thân mất đi khiến chị Sen bị trầm cảm. Ngày 20-7 vừa qua, chị dùng dây siết cổ con trai và cháu ruột khiến các cháu tử vong. Sau đó chị treo cổ tự vẫn thì được mọi người cứu thoát.
Theo BS Hùng thì rất nhiều thể trạng tâm thần gây ra hậu quả giết người như hoang tưởng cấp, ảo thị thị giác bị biến hình hay là một tình trạng của trầm cảm nặng. Trường hợp chị Sen do phải chịu tang mấy lần có thể liên quan đến stress hoặc sốc về tâm lý, dẫn đến tình trạng hoang tưởng ảo giác. Cũng không ngoại trừ bệnh nhân có sử dụng chất kích thích.
“Vì không được khám và tiếp xúc với chị Sen nên chúng tôi không thể đánh giá được bệnh” – BS Hùng nói. Theo BS Hùng thì người bệnh cần phải được thăm khám trực tiếp cũng như làm các giám định về sức khỏe tâm thần mới có thể đưa ra kết luận chính xác nhất.
Người bị tâm thần cần được điều trị và quản lý để tránh gây hậu quả đáng tiếc cho gia đình và xã hội (ảnh chụp tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội).
Những cái chết oan uổng
Với những đứa trẻ bị mẹ giết hại thì cho tới lúc sinh ly tử biệt, chúng cũng không hiểu tại sao mẹ mình lại trở lên hung dữ và sát hại chúng. Nhưng nỗi đau cho người ở lại thì mãi mãi xé lòng, suốt cuộc đời cũng không thể nguôi ngoai. Ngay cả người phạm tội là bệnh nhân tâm thần, khi tỉnh táo lại họ đều hoảng loạn, có những người cả ngày chỉ ôm cái gối tưởng nhớ con mà khóc.
Có rất nhiều án mạng mẹ trầm cảm sau sinh sát hại con như vụ án đau lòng xảy ra ngay ở Đặng Xá, Gia Lâm (Hà Nội). Từ sau khi sinh con, chị Đặng Thị Giang Nam (30 tuổi) ít nói, trầm cảm nặng. Mỗi lần con quấy khóc, chị có biểu hiện kích động. Người chồng đã đưa chị về nhà người thân để chăm sóc và chữa bệnh tâm thần.
Khi thấy chị có biểu hiện đỡ, gia đình đã để chị ngủ cùng con. Nhưng không ngờ nửa đêm người chồng nghe thấy tiếng hét to từ phòng của vợ chạy sang thì không tin vào mắt mình. Chị Giang đã dùng dao chém liên tiếp vào con. Người chồng vừa khống chế vợ, vừa điện báo Công an. Nhưng do vết thương quá nặng, cháu bé 4 tháng tuổi đã tử vong.
Với người thân của nạn nhân thì đó là nỗi đau khoét sâu mà có lẽ không biết khi nào mới nguôi ngoai. Có vụ án mẹ giết con ruột, thời gian đầu mẹ chồng cô ấy rất hận người con dâu này, sau đó chính bà đã lên tiếng để xoa dịu dư luận, bởi cô ấy cũng không dễ dàng gì, bản thân bị bệnh, lại còn phải chịu hình phạt nghiêm khắc của lương tâm.
Trầm cảm sau sinh là chứng hay mắc phải của phụ nữ sau sinh, nhưng theo BS Hùng thì khi thấy người bệnh có dấu hiệu nghi ngờ thì người thân phải đưa đến chuyên khoa Tâm thần khám ngay. Và phụ nữ sau sinh mắc bệnh thường gặp nhất là rối loạn tâm thần sau sinh hoặc rối loạn cảm giác sau sinh.
Cũng theo Thầy thuốc ưu tú TS.BS Nguyễn Mạnh Hùng thì đối với những người đã mắc bệnh tâm thần, cần phải được đưa đi khám bệnh, uống thuốc định kỳ. Còn các bệnh nhân bị bệnh nặng, gia đình không quản lý được thì cần đưa đến điều trị tại các bệnh viện chuyên về sức khỏe tâm thần. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa thì hậu quả để lại có thể là đặc biệt nghiêm trọng, gây tổn hại cho cộng đồng và xã hội.
Có thể kể đến như vụ thảm án xảy ra ngày 22-7 tại thôn Đức Long, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, Bình Định khiến 3 người tử vong mà thủ phạm lại chính là người thân mắc bệnh tâm thần. Sáng ngày 22-7, Nguyễn Trung Vinh, 37 tuổi trú ở thôn Đức Long, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân rời khỏi nhà đi về phía Nghĩa trang thôn Đức Long. Đến trưa không thấy Vinh trở về nhà nên người cha ruột của Vinh là ông Nguyễn Trung Hạnh (65 tuổi) cùng vợ và của Vinh là Nguyễn Thị Vi (31 tuổi) và con là Nguyễn Trung Đàn (15 tuổi) đi tìm.
Chờ đợi rất lâu nhưng không thấy ba người trở về ăn cơm trưa nên cô ruột của Vinh là bà Nguyễn Thị Phụng, 46 tuổi đi về phía Nghĩa trang Đức Long. Tại đó, bà Phụng hoảng hốt khi nhìn thấy ông Hạnh cùng chị Vi và cháu Đàn đều tử vong, trên thi thể có nhiều vết thương. Nghi can được xác định là Nguyễn Trung Vinh và Cơ quan CSĐT Công an huyện Hoài Ân đã bắt khẩn cấp đối tượng này về hành vi giết người.
Người dân địa phương cho biết, Nguyễn Trung Vinh có tiền sử bệnh tâm thần và đã bỏ nhà đi biệt tích, thời gian gần đây Vinh trở về và đã gây ra thảm án nêu trên khi dùng gạch, đá tấn công cha ruột, vợ và con trai.
Vụ người tâm thần gây án ở Bạc Liêu, thêm 1 nạn nhân tử vong Liên quan đến vụ người tâm thần gây án ở huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), chiều 29-7, Đại tá Dương Tứ Phương - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết, mặc dù được các bác sỹ tận tình cứu chữa, nhưng do vết thương quá nặng, cháu Hồ Thị Bích Ngọc (11 tuổi, ngụ ấp Đay Tà Ni, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) đã tử vong vào sáng sớm cùng ngày. Như vậy, đến thời này có 3 người tử vong trong vụ đâm chém kinh hoàng, gồm: cụ Hồ Thị Trầm (93 tuổi); cháu Dương Tú Quyên (6 tháng tuổi) và cháu Hồ Thị Bích Ngọc (11 tuổi). Còn 9 nạn nhân bị thương, gồm: Hồ Minh Duy (12 tuổi); Huỳnh Thị Hòa (63 tuổi); Ông Thị Tươi (66 tuổi); Bùi Văn Chưởng (70 tuổi); Nguyễn Thị Thanh Nhiều (16 tuổi); Trương Ánh Phương (21 tuổi); Dương Chấn Huy (4 tuổi); Hồ Quang Trang (48 tuổi) và Thạch Trọng Tình (10 tuổi). Như đã thông tin, lúc 15h ngày 24-7, Thạch Sà Khên (35 tuổi, bị bệnh tâm thần, ngụ xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), bất ngờ cầm dao bầu và một khúc gỗ dài 50cm truy sát nhiều người ở ấp Đay Tà Ni, khiến nhiều người thương vong. Nhận được tin báo, Công an huyện Vĩnh Lợi đã nhanh chóng phối hợp với các đơn vị chức năng có mặt tại hiện trường khống chế, bắt giữ Khên; đồng thời đưa người bị thương đến các bệnh viện cấp cứu. Được biết, Khên là người địa phương, đã có gia đình nhưng ly dị mấy tháng nay. Sau đó, anh ta chuyển đến sống ở tỉnh Trà Vinh và mới quay về quê được vài ngày thì xảy ra sự việc. Đức Văn |
Bà cụ 83 tuổi đang ngủ trong nhà được khóa cửa lại cẩn thận nhưng Khêl đã dùng dao chém cánh cửa rồi xông vào chém...